Ngày bé, tết là khi chị em con được mẹ đưa đi mua quần áo mới. Con cứ hít hà cái mùi là lạ của vải mới mà chẳng bao giờ đặt câu hỏi tại sao bố mẹ không đi mua áo mới cho mình?
Chúng con lớn từng ngày là nỗi lo của bố mẹ như nhân lên gấp bội. Con nhớ những ngày mẹ lăn lộn với thửa ruộng, rồi đi buôn thúng bán mẹt khắp các chợ để chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Bữa ăn tối của mẹ thường đều đặn lúc 21g đêm. Chẳng hiểu tự lúc nào con có thói quen hít hà cái mùi mồ hôi ngai ngái trên tấm áo mẹ. Giữa trời đông mà tấm áo sau lưng mẹ vẫn đẫm mồ hôi?
Con cứ thắc mắc: “Sao cái áo nào của mẹ cũng sờn ở sau lưng?”. Mẹ cười hiền: “Áo mẹ bạc màu là để nuôi các con khôn lớn thành người”. Con bước chân vào giảng đường, mẹ rưng rưng nước mắt: “Đó là món quà lớn nhất con dành cho mẹ rồi, hãy cố gắng học thật tốt, con nhé”. Con thấm tháp từng lời nói của mẹ, nghe trong đó chất chứa những nỗi lo, nhất là những khi con điện về xin tiền học hằng tháng. Nụ cười của mẹ sao con nghe như tiếng nấc?
Mỗi lần về quê, con lại giật mình nhận ra nước da mẹ đen hơn, dáng mẹ gầy hơn và gương mặt đã điểm những nếp nhăn. Có lẽ con sẽ không thể nào quên được đêm hôm ấy, khi con gặp cảnh bố mẹ và hai em ngồi ăn cơm, trên mâm cơm đạm bạc chỉ có rau luộc và bát nước mắm. Ấy vậy mà mẹ vẫn cười tươi: “Hôm nay nhà mình đổi món, ăn vậy nhưng ngon lắm con à”.
Con đứng lặng người nhìn bố, nhìn mẹ, rồi nhìn các em và tự nhiên mắt cứ ươn ướt, sống mũi cay cay.
Thời gian cứ hững hờ trôi trên mái tóc mẹ đang bạc từng ngày. Chưa một lời thở than, mẹ vẫn tất bật với vòng quay của công việc. Hai em cũng bước chân vào đại học, gánh nặng cơm áo trên đôi vai bố mẹ như càng nặng thêm.
Con biết ở quê lúc này mẹ vẫn đang tất tả với công việc, và tấm áo mẹ vẫn đẫm mồ hôi nồng nồng, ngai ngái. Nhưng tình mẹ trong con đã đến từ sau lưng mẹ như thế!