Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Huynh trưởng GĐPT với quê hương

Huynh trưởng GĐPT với quê hương

487

Để hiểu chúng sanh tử vốn không thật, để chứng vô sanh pháp nhãn. Do vậy, huynh trưởng với quê hương tuy hai mà một, Phật tử với quê hương không phải là hai.


Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên con em đạo hữu và những gia đình có cảm tình với đạo Phật. Gia Đình Phật Tử được phát sinh từ dòng Phật giáo Việt Nam.


Huynh trưởng là một thành phần hướng dẫn và lãnh đạo của tổ chức GĐPT. Tổ chức GĐPT chịu trách nhiệm trước Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc đào luyện thanh thiếu đồng niên của Giáo hội trở thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Bởi lẽ, huynh trưởng không chỉ là những Phật tử phát nguyện phụng sự đạo pháp, đem đạo vào đời làm lợi ích cho đất nước, quê hương mà còn là những người truyền thừa có năng lực, có đạo tâm. Do đó phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chăm lo và bảo trợ trong việc giáo dục và đào luyện huynh trưởng.


Đạo Phật là đạo để sống từng bước, nâng cao cuộc sống đến chỗ lợi lạc, yên vui trước khi nói đến chuyện giải thoát, giác ngộ.


Huynh trưởng phải là những người Phật tử chân chính trong việc học đạo, tu đạo, sống đạo phải chuẩn mực, là tấm gương sáng, tự thân phải là bài thuyết giảng không lời, sau đó mới nói đến bục giảng hướng dẫn đàn em.


Dĩ thân tác chứng rồi dĩ thân tác chúng. Các pháp truyền trao có thể hoà nhập vào tâm hồn thanh thiếu đồng niên, toát ra sức hút, tạo nên chất keo gắn bó những cá nhân trong cộng đồng Phật đạo nói chung và trong GĐPT nói riêng.


Đạo Phật là đạo của tình thương và trí tuệ. Huynh trưởng trong tổ chức GĐPT như trải dài tình thương và trí tuệ đó đến tận những căn nhà thế tục nhằm xây dựng một quê hương trong sáng, hoà bình, ổn định và hạnh phúc.


Người huynh trưởng tự giác gánh vác sứ mệnh vì hạnh nguyện cao cả. Hoằng hoá lợi sanh, báo đền công ơn hoá độ của chư Phật mà họ nhận thức được.


Người huynh trưởng không mưu cầu lợi lộc vật chất, công danh, sự nghiệp hay địa vị từ tổ chức đến Giáo hội và ra ngoài xã hội.


Tất cả chỉ vì cứu cánh giải thoát giác ngộ mà ra sức chu toàn sự nghiệp giáo dục ở hiện tại với tinh thần xã uý vị tha. Thăng tiến lẫn nhau với phương châm “Bất ly thế gian giác” là vậy.


Quê hương là nơi ta được sinh ra và lớn lên với những con người có cùng chung một lãnh thổ, một lịch sử, một truyền thống văn hoá, một ngôn ngữ để cảm thông, một quá khứ để tự hào và một tương lai để thực hiện.


Soi rọi vào hiện tại như quê hương Việt Nam chúng ta. Một đất nước có bốn ngàn năm văn hiến, có một nền văn hoá lâu đời kết hợp những tinh hoa cổ cựu của Đông phương và nền văn minh Tây phương hiện đại. Một lãnh thổ nhỏ nhoi nhưng nhiều dân tộc, một đất nước bé nhỏ triền miên bị chiến tranh xâm lược mà vẫn trường tồn.


Đạo Phật có từ bao giờ? Đã du nhập vào quê hương này từ lúc nào? Tại sao đạo Phật hiện hữu giữa lòng quê hương này suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm? Đạo Phật đã đóng góp gì cho quê hương này? Đó là một câu hỏi mà mọi công dân Việt Nam còn không thể bỏ qua huống hồ người công dân ấy là một Huynh trưởng trong tổ chức GĐPT.


Con Rồng Cháu Tiên, truyền thuyết xưa thuộc huyền sử kể lại rằng: Lạc Long Quân vốn là loài rồng kết hợp cùng bà Âu Cơ sinh được bọc một trăm trứng, nở ra trăm con. Vì rồng ở biển, tiên ở núi, không cùng quốc độ nên có sự chia cách. Nhưng các con tức phối có thể gặp nhau kết hợp núi biển một trăm người Việt.


Kinh Phật thì Thiên (tiểu giới) Long đứng đầu trong bát bộ phối hợp nhau, nên dân tộc ta xuất thân từ chỗ tôn quý.


An Dương Vương xây thành Cổ Loa không được, thần nhân mách bảo muốn an cho người cõi dương phải siêu độ cho người cõi âm. Do vậy, nhà vua mới lập đàn siêu độ, việc xây thành mới có kết quả. Điều đó chứng tỏ đạo Phật đã vào nước ta từ thuở ấy.


Thờ cúng ông bà, đạo Phật lấy hiếu đạo làm đầu, lấy tinh thần tri ân, báo ân là khởi điểm của đạo mạch nên làm phong phú thêm cho thuần phong mỹ tục, tập quán, đạo đức luân lý dân tộc. Đền đài, miếu đình vốn là những di tích được kiến lập để tán dương công đức của tiền nhân trong sự nghiệp đóng góp xây dựng quê hương đất nước.


Hoan hồn, tang tế những truyền thống này đều mang tính chất đồng kham cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, nhắc nhở bổn phận và trách nhiệm của nhau trong cuộc sống và giúp đỡ đùm bọc vượt qua những khó khăn.


Lễ lượt hội hè đều mang tính chất cảm tạ trời đất, để có mưa thuận gió hoà, cảm tạ bà con đã đồng sự trong cuộc sống. Vui là trải lòng, trải dạ khoan thứ cho nhau và cùng chung nhìn về chân trời an lạc, tự tại và hạnh phúc.


So sánh, đối chiếu lịch sử Việt Nam và giáo sử Việt Nam, ta thấy Phật giáo cường thịnh thái bình, giàu mạnh, dân cư an khang lạc nghiệp như các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.


Phật giáo lâm nguy, suy đồi thì Tổ quốc loạn lạc, chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu. Bởi vậy, Phật giáo Việt Nam không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.


Như trên đã trình bày, đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam rất lâu (An Dương Vương, Thục Phán) cho nên đạo Phật và dân tộc quyện thành một. Do vậy, huynh trưởng cũng kết quyện hài hoà, dòng sinh mệnh của mình trong chiếc nôi Tổ quốc quê hương. Vì thế, trong quốc sử cũng như trong giáo sử, tăng tín đồ Phật giáo làm rạng rỡ cho quê hương như các ngài Khuông Việt, Vạn Hạnh, Tuệ Trung Thương Sĩ, Giác Hoàng, v.v… Biết bao Phật tử đã nằm xuống vì lợi quyền dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước và nhân dân. Như Hoà thượng Thích Quảng Đức và các Thánh Tử Đạo trong Pháp nạn 1963–1966. Hoàn toàn không tìm thấy kẻ phản bội quê hương Tổ quốc.


Do vậy huynh trưởng và quê hương gắn bó trong cùng một dòng sinh mệnh. Vì thế, việc duy trì truyền thống tốt đẹp của quê hương, phát triển làm phú cường quê hương, bảo tồn và truyền thừa sứ mệnh cao cả, phục vụ quê hương là nghĩa vụ của huynh trưởng.


Tổ tiên ta ra sức tô bồi quê hương Tổ quốc lưu hạ cho chúng ta, tự bản thân huynh trưởng phải thực hiện qua cuộc sống của mình. Giữ gìn gia sản quý báu ấy và giáo dục thế hệ trẻ biết quý trọng giữ gìn biên cương lãnh địa, di tích mồ mả của tổ tiên. Nỗ lực hoạt động trên nhiều lãnh vực để đưa nếp sống tốt đẹp, biết yêu thương đùm bọc, chuộng tự do, yêu hoà bình, sống đời nhân nghĩa đạo đức, có văn hoá, thâm nhập vào từng người nhà trên quê hương đất nước chúng ta. Mà cách thù thắng nhất là thực hành Bát chính đạo trong đời sống hiện tại.


Nỗ lực tinh tấn trau dồi Ngũ minh pháp là góp phần phát triển khoa học, kỹ thuật và văn hoá. Nỗ lực thực hiện năm điều luật là góp phần phát triển một xã hội lành mạnh và tốt đẹp. Thực hiện châm ngôn “Bi – Trí – Dũng” là tích cực phát triển quê hương, lấy căn bản từ con người ưu việt.


Tận tuỵ với sứ mạng giáo dục là đào tạo nhân tố tích cực, phát triển quê hương.


Muốn bảo tồn truyền thống tập quán, văn hoá xã hội và di sản văn hoá dân tộc thì phải thường xuyên un đúc thế hệ trẻ. Tạo nhận thức đúng đắn, biết quý trọng giá trị thực sự những gì chúng ta đang có.


Huynh trưởng GĐPT là người tiếp cận thường xuyên với tuổi trẻ nên việc truyền thừa được nâng lên hàng sứ mệnh.


Mục đích của GĐPT là đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Đó là mục tiêu của cuộc sống, là lý tưởng cao đẹp mà người huynh trưởng tự nguyện gánh vác. Có thể nói huynh trưởng là những chiến sĩ thầm lặng, kiên trì trong việc góp phần bảo tồn và kiến tạo quê hương, suốt cả dòng sinh mệnh của chính mình. Đây là tinh thần xả kỷ, vị tha cao cả mà huynh trưởng đã thề nguyện làm lẽ sống.