Trang chủ Tin tức Ấm nồng mùa báo hiếu

Ấm nồng mùa báo hiếu

129

Nâng niu những bông hồng đỏ thắm


Là một trong những điểm thu hút nhiều phật tử đến dâng hương, mỗi ngày Việt Nam Quốc Tự đón hàng chục ngàn lượt khách, trong đó có không ít du khách nước ngoài. Họ tìm đến để hiểu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.


Hòa thượng Từ Nhơn, Trụ trì Việt Nam Quốc Tự cho biết: “Mùa Vu Lan không chỉ tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam mà còn là mùa xá tội vong nhân, mùa báo ân báo hiếu, thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà.


Để tạo cơ hội cho mọi người thắp sáng ngọn lửa tri ân, báo hiếu, Việt Nam Quốc Tự sẽ tổ chức Đại lễ chuẩn tế siêu độ vào ngày 19 tháng bảy Âm lịch”.


Theo trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10) Thích Nhật Tự thì lễ Vu Lan là dịp để những người con hiếu thảo báo đáp, tôn vinh công ơn trời biển mà đấng sinh thành đã dành cho họ. “Khi cài trên ngực áo chiếc bông hoa trắng, những người con không may đã mất mẹ sẽ thấy lòng xót xa. Còn những ai vinh hạnh được cài lên áo bông hoa hồng đỏ thắm sẽ thấy lòng rộn rã niềm vui, niềm hạnh phúc vì mình còn có mẹ trên đời” – Trụ trì Thích Nhật Tự nói.

Dạo quanh những ngôi chùa lớn nhỏ ở TPHCM dễ nhận thấy mùa Vu Lan báo hiếu năm nay rộn rã hơn những năm trước. Không khí ngày Vu Lan ấm nồng trong khói hương nghi ngút, ngọn nến lung linh, tiếng kinh kệ và tiếng chuông chùa ngân nga. Dù bận rộn với cuộc sống và nhiều lo toan nhưng hàng triệu người con, dù già hay trẻ đều không quên ngày báo hiếu, tri ân cha mẹ. Họ tìm đến cõi thiêng chùa chiền để cầu siêu cho vong linh những người quá cố và cầu an cho những người đang sống.


Tại chùa Kim Liên, hàng trăm cây nến lung linh được thắp sáng mỗi đêm ở đài sen như nhắc nhở những ai mất mẹ hay còn mẹ đừng quên công sinh thành. Thắp thêm một ngọn nến và cầu nguyện cho người mẹ đã qua đời, chị Hoàng Anh – Việt kiều mới về nước – ngậm ngùi: “Mồ côi mẹ từ khi lên 3 tuổi nên tôi thấu hiểu nỗi đau mất mẹ lớn như thế nào. Dù xa quê hương nhưng tôi luôn nhớ ngày Vu Lan và cầu mong mẹ luôn phù hộ cho mình”.

Tại chùa Trường Thạnh (đường Yersin, phường Phạm Ngũ Lão quận 1 TPHCM), chị Bích Vân (31 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh) dìu người mẹ tóc đã điểm bạc lên từng bậc tam cấp vào đại điện lễ Phật. Hai mẹ con chị, mỗi người đều được sư trụ trì cài hoa lên ngực áo nhưng màu hoa trên ngực áo của họ đã khác.


“Bà ngoại tôi vừa qua đời vậy là mùa Vu Lan năm nay mẹ tôi phải cài hoa trắng, không còn được cài hoa hồng nữa…”- chị Vân vừa thủ thỉ vừa siết chặt đôi bờ vai gầy guộc của người mẹ như để cảm thông và chia sẻ với mẹ về niềm hạnh phúc vẫn còn “điểm tựa” ở bên cạnh.

Trong dòng người đến viếng chùa Giác Ngộ (quận 10), một cụ bà cầm tay cháu bé trên áo cài bông hồng trắng vào chùa cầu nguyện. Sau khi làm lễ, thắp nhang nguyện cầu, cụ bà dắt đứa cháu dừng lại tượng Phật Di Lặc sờ tai, sờ bụng và xoa lên đầu, lên mình cháu bé với ý nghĩa cầu mong cháu khỏe mạnh, ăn nhanh chóng lớn. Đứa bé gái chưa đến 10 tuổi thấy bà làm nên cũng bắt chước, nhón chân sờ vào tượng Phật, xoa khắp người bà và thốt ra những lời cảm động: “Con cũng muốn bà luôn luôn mạnh khỏe. Căn bệnh đau lưng của bà sẽ nhanh khỏi để bà sống suốt đời với con vì con đã mất mẹ rồi…”.

Mở rộng lòng đại từ bi hỉ xả

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, liên tục từ ngày 12-7 (Âm lịch) nhà chùa đã long trọng tổ chức nhiều chương trình, lễ hội nhằm tôn vinh đấng sinh thành dưỡng dục, bậc tôn sư khả kính. Các buổi lễ được thể hiện qua nghi thức cài hoa hồng, đêm nhạc Vu Lan, với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Hồng Vân, Hồng Nga, Ngọc Giàu, Cát Phượng… cùng các huynh trưởng và đoàn sinh gia đình Phật tử Tổ đình Vĩnh Nghiêm.


Đại đức Thích Giác Hiệp, Quản chúng chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: Đêm hội Vu Lan đã khiến cho hàng vạn con tim phải hướng về tự kỷ, soi lại mình, đã làm tròn bổn phận người thích tử, người con, người cháu, người công dân đối với tổ quốc, đạo pháp và dân tộc hay chưa? Và chúng ta còn phải làm gì đối với tổ quốc, quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ… để có sự hiện diện của chúng ta trên cuộc đời này thật sự đầy ý nghĩa.


Anh Nguyễn Cường, ở Nghệ An, đi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm tâm sự: “Vu Lan không có điều kiện về thăm mẹ, tranh thủ lúc nghỉ trưa tôi và một số người bạn đi lễ chùa để cầu an cho mọi người trong gia đình ở quê. Đây cũng là dịp để người con tha hương như chúng tôi tạm gác những bộn bề mưu sinh để lắng lặng, nghĩ về các bậc sinh thành, dưỡng dục”. Anh Cường khoe mình vừa xin được bức thư pháp với chữ Mẹ và Bà. “Tôi sẽ gửi về quê như là món quà cho mẹ và bà tôi” – anh nói.

* Nhiều chùa trong thành phố tổ chức các hoạt động cứu trợ người nghèo, đãi cơm chay, chăm lo cho trẻ em bất hạnh… Góp sức cho hoạt động từ thiện xã hội này lan tỏa là tấm lòng bác ái, nhân từ của nhiều tăng ni, phật tử ở TP. Để xoa dịu nỗi đau bất hạnh của người nghèo, họ sẵn sàng đóng góp tiền của, vật chất cho nhà chùa. Điều đáng ghi nhận là lễ Vu Lan năm nay nhiều chùa đã tổ chức tốt việc giữ gìn an ninh trật tự, tạo cảnh quan an bình cho khách viếng thăm.