Trang chủ Tin tức Ban Đặc trách Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo thuộc...

Ban Đặc trách Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo thuộc trung tâm Nghiên cứu Tôn Giáo viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Phật sự năm 2021

Tối ngày 22/01/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Ban Đặc trách Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo thuộc trung tâm Nghiên cứu Tôn Giáo viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2021 và phương hướng hoạt động Phật sự năm 2022 dựa trên nền tảng trực tuyến Online.

218

Chứng minh tham dự có TT.TS Thích Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS, Tổng Thư ký Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; ĐĐ. TS. Thích Giác Nhường – Phó Giám đốc kiêm Thư ký đặc trách nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo; NS.TS. Thích Nữ Hạnh Tâm – Phó Giám đốc thường trực đặc trách nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo, cùng chư tôn đức, quý cư sĩ Phật tử, nhà nghiên cứu, quý học giả trí thức trong Ban Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo.

Quang cảnh buổi Hội nghị Tổng kết

TT.TS. Thích Giác Hoàng – Chứng minh buổi Hội nghị

Mở đầu hội nghị, TT. Thích Giác Nhường đã thông qua chương trình, giới thiệu về sự thành lập của Ban nghiên cứu Di sản văn hóa Phật giáo và báo cáo tổng quan các hoạt động nghiên cứu Phật học và nghiên cứu ứng dụng bảo tồn Di sản Văn hóa Phật giáo vào đời sống nhân văn của Ban trong năm 2021 vừa qua. NS Thích Nữ Hạnh Tâm đã trình bày về các dự án nghiên cứu di sản văn hóa Phật giáo, tri ân đến sự đóng góp của các nhóm nghiên cứu chuyên đề về Di sản Văn hóa Phật giáo và cung thỉnh quý vị ủy viên thường trực  – đặc trách nghiên cứu chuyên môn trong Ban báo cáo về công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy các Di sản Văn hóa Phật giáo, cũng như kế hoạch phương hướng nghiên cứu trong năm tới.

ĐĐ. Thích Giác Nhường đã thông qua chương trình và giới thiệu về BNCDSVHPG

ĐĐ. Thích Thanh Vịnh – Uỷ viên thường trực đặc trách nghiên cứu bảo tồn Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, trú xứ Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đã trình bày một số hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị Mộc bản tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Hiện tại, đã hoàn thành hai hạng mục là nhà lưu trữ và nhà trưng bày Mộc bản tại Tổ đình. Đại đức đã làm việc với các cấp, viện liên quan, đề xuất hướng nghiên cứu ứng dụng mộc bản tại Tổ đình, về một số bản như tham cứu ứng dụng văn bản bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh : 大方廣佛華嚴經”, “văn bản thơ Nôm Yên Tử Nhật Trỉnh”, văn bản chữ Hán “Kính Tín Lục”, v.v…

ĐĐ. Thích Thanh Vịnh, đặc trách nghiên cứu bảo tồn Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)

Đại Đức đặc biệt nhấn mạnh: Nghiên cứu Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm cũng chính là nghiên cứu văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, một tông phái Thiền Phật giáo Việt Nam có văn hóa nhân văn “Lấy Phật làm Lòng – lấy Tâm làm Tông”. Nội dung cốt lõi của thiền học “Trần Nhân Tông” là con đường chuyến hóa tâm vọng động thành tâm trí tuệ chơn như và tâm đồng thể đại bi bình đẳng. Sự bình đẳng trong nhơn duyên, bình đẳng trong phật tánh, bình đẳng trong giới thân huệ mạng, bình đẳng hít thở không khí trong môi trường sinh thái tự nhiên…. Bình đẳng trong các mối quan hệ nhân duyên giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Những hoạt động và góp ý định hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang của nhóm nghiên cứu chuyên đề do Đại Đức Thích Thanh Vịnh phụ trách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang trong buổi họp phối hợp nghiên cứu văn hóa Phật giáo ngày 16/11/2021 đánh giá rất cao về hướng nghiên cứu ứng dụng bảo tồn và phát huy Mộc bản Phật giáo này.

ĐĐ. Thích Minh Hải, đặc trách nghiên cứu bảo tồn Di sản văn hóa Phật giáo tại miền Nam

Tiếp theo, ĐĐ. Thích Minh Hải – Uỷ viên thường trực đặc trách nghiên cứu bảo tồn Di sản văn hóa Phật giáo tại miền Nam đã báo cáo các hoạt động nghiên cứu ứng dụng “ Mộc bản chùa Hội Tôn tỉnh Bến Tre”. Đại đức cho biết đã thực hiện triển lãm mộc bản, mộc bản về Mạn-đà-la hoa sen, biểu thị triết lý chữ “Tâm” trong nhà Phật. Mộc bản Mạn-đà-la hoa sen là kết tinh của sự hội tụ tinh hoa của Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII qua con đường Tơ lụa biển, với nhiều nguồn dung hòa và giao lưu văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ qua đến Việt Nam, Phật giáo từ miền Bắc miền Trung vào miền Nam. Các tác phẩm văn hoá Phật giáo được làm bằng dừa và các sản vật cỏ cây hoa lá thiên nhiên Nam Bộ để nêu bày hình ảnh con trâu là bạn nhà nông, người cày ruộng phước điền cũng chính là gieo hạt Bồ Đề trong tâm mình. Đó là nếp sống hòa cùng thiên nhiên của chư Tổ để lại. Ngoài ra, việc sử dụng trưng bày sản phẩm thiên nhiên nhằm mục đích khích lệ phát triển văn hoá giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên biểu thị qua các khía cạnh kinh tế, văn hoá, tâm linh của người dân. Trong năm tới, Đại đức dự đinh sẽ thực hiện nghiên cứu Mộc bản Di sản Văn hóa Phật giáo ở tỉnh Đồng Tháp, đồng thời giới thiệu thêm thành viên để hỗ trợ hơn nữa cho vấn đề nghiên cứu văn hoá, xuất bản một cuốn sách giới thiệu về mộc bản Chùa Hội Tôn, phát hành các video ngắn giới thiệu nếp sống văn hóa học Phật của các ngôi chùa ở miền Nam.

Mộc bản Mạn-đà-la hoa sen – Chùa Hội Tôn

Kiến Trúc sư Trần Trung Hiếu – thành viên Ban Nghiên cứu chuyên trách nghiên cứu Mỹ thuật Phật giáo cho biết sẽ hoàn thành và xuất bản hai cuốn sách về bảo vật Phật giáo Việt Nam và những ngôi chùa cổ. Kiến trúc sư đã phát hiện, nghiên cứu về 18 tượng A-la-hán được khắc trên núi, đồng thời là những tượng A-la-hán cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Kiến Trúc sư Trần Trung Hiếu, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên trách nghiên cứu Mỹ thuật Phật giáo

ĐĐ. Thích Thiền Minh thay mặt nhóm nghiên cứu Di sản văn hóa Phật giáo Huế cũng đã báo cáo sơ lược về các hoạt động nghiên cứu ứng dụng bảo tồn và phát huy nếp sống văn hóa học Phật tại Huế. Nhóm đã tổ chức thực hiện các pháp hội Dược Sư, Phật thành đạo, A Di Đà cho các sinh viên du học sinh Lào đang học tại các trường thuộc Đại học Huế và thanh thiếu niên Phật tử Việt Nam, nhằm lan toả nét đẹp văn hoá Phật giáo Việt Nam nói chung, văn hoá Phật giáo Huế nói riêng đến với sinh viên nước bạn Lào. Nhóm còn tích cực mang ánh sáng Phật pháp đến với các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bằng cách vận động xây nhà tình thương, thỉnh Phật an vị, để các thành viên trong gia đình, đặc biệt cho các em nhỏ có cơ hội tiếp xúc với môi trường sinh hoạt Phật giáo, trong đó Bác sĩ Thuý Hằng trực tiếp đảm trách và phát huy vai trò của Phật giáo ứng dụng vào trong đời sống; ĐĐ. Thích Thiền Châu phát hiện và phiên dịch “ Sắc chỉ” tại chùa An Thuận – TT Huế. Trong năm tới, nhóm sẽ tổ chức triển lãm không gian văn hoá Phật giáo Huế tại Chùa Từ Lâm trong ngày lễ Phật đản nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nghiên cứu và làm những video phóng sự về một số chùa cổ gắn liền với các mốc sự kiện quan trọng của chư vị Tổ sư, v.v…

ĐĐ. Thích Thiền Châu và di sản “Sắc chỉ”

Tiếp theo, TT. Thích Minh Tuân nhấn mạnh về sự quan trọng của phương cách bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo và chú ý đến mảng giáo dục văn hoá. Giáo dục văn hoá bao gồm giáo dục văn hoá truyền thống và giáo dục văn hoá hiện đại, trong đó dùng giáo dục văn hoá truyền thống để tiếp cận vào trong giáo dục văn hoá hiện đại nhằm chuyển tải, tuyên truyền giáo lý Phật đà, có thể sử dụng song ngữ, đối với các tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử. Thượng tọa đề nghị mỗi người nên có ít nhất một bài viết về tiểu sử ngôi chùa đang trú xứ, bảo tồn các kinh sách cổ như khoa nghi cúng, v.v… sưu tầm các mảng văn hoá Phật giáo về đồng quê, tất cả đều hướng đến sự nhận thức về giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ trong thế kỷ 21.

Thích Minh Tuân nhấn mạnh về sự quan trọng của phương cách bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo và chú ý đến mảng giáo dục văn hoá

ĐĐ. Thích Giác Nhường cũng đã trình bày về ý nghĩa văn hóa truyền thừa pháp mạch “ Đuốc Tuệ đèn Tâm”trong hệ phái Khất sĩ, nhằm nối truyền Thích Ca chánh pháp. Một pháp mạch Phật giáo được nối tiếp từ Phật giáo Nguyên Thủy chuyển qua Phật giáo Đại thừa, từ Phật giáo Thế giới thành một trong những hệ phái Phật giáo Việt Nam mang tính nội sinh và có sự lan tỏa đặc biệt đến các nước trên toàn cầu trong những thập niên gần đây.

Thượng tọa Thích Giác Hoàng đã đúc kết và ban đạo từ đến hội nghị. Thượng tọa bày tỏ sự hoan hỷ và tán thán tinh thần, công sức mà Ban Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo đã thực hiện trong thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh chung của cả nước. Thượng tọa chia sẻ rằng khi trình Hoà thượng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nếu Ban thành lập ngay từ đầu thì có thể đã là một trung tâm độc lập, vì phạm vi nghiên cứu của Ban quá rộng, và Ban có thể làm việc độc lập. Bản dịch Kinh Hoa Nghiêm hoàn thành sau này có thể đưa vào trong Tục tạng Phật giáo Việt Nam. Bên thềm xuân Nhâm Dần, Thượng tọa chúc sức khoẻ và vạn sự cát tường đến toàn thể thành viên Ban Nghiên cứu Di sản Văn hoá Phật giáo.

Thượng tọa Thích Giác Hoàng đã đúc kết và ban đạo từ đến hội nghị

Sau cùng, NS. Thích Nữ Hạnh Tâm và ĐĐ. Thích Giác Nhường đã thay mặt Ban Đặc trách Nghiên cứu Di sản Văn hóa Phật giáo cảm tạ TT chứng minh, kính niệm ân chư tôn đức, các thành viên đã tham dự Hội nghị, kính chúc chư vị đón một mùa xuân thật bình an và công tác Phật sự được hanh thông trong năm tới.

Sau đây là một số hình ảnh tư liệu về buổi hội nghị và các tác phẩm văn hoá Phật giáo được làm bằng dừa và các sản vật cỏ cây hoa lá thiên nhiên Nam Bộ:

T. Minh