Trang chủ Diễn đàn Phật tử và Dân tộc Báo Tuổi trẻ phản ứng dị thường vụ đặt tên đường Alexandre...

Báo Tuổi trẻ phản ứng dị thường vụ đặt tên đường Alexandre de Rhodes

1406

Báo Tuổi Trẻ, thứ 7, 30/11/2019, đã có phản ứng với quy mô chưa từng có trong lịch sử hoạt động tờ báo về một vụ việc.

Tựa bài chạy tít trên trang nhất lớn một cách kỷ lục “Đặt tên đường: cần thoáng!”, với việc thể hiện bảng tên đường Alexandre de Rhodes khéo léo và cũng lớn hiếm thấy trong một bức ảnh.

Báo Tuổi Trẻ dành trọn trang hai và phần lớn trang ba cho những bài liên hệ, theo hướng ủng hộ ý kiến đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nẵng. Đương nhiên, nhiều tin bài khác đã phải bị loại.

Báo Tuổi Trẻ đăng bài gián tiếp phản biện kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Ca tô lích La Mã ra khỏi danh sách đề xuất đặt tên đường ở Đà Nẵng.

Phản ứng của Báo Tuổi Trẻ dị thường, kỳ lạ, mạnh mẽ ở tầng bậc chưa “cực kỳ” đối với một vụ việc mà các phóng viên giới hạn ở khía cạnh danh nhân văn hóa.

Vụ đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nẵng không có ý nghĩa văn hóa, mà còn có ý nghĩa tôn giáo, chính trị, dù các người viết bài trên báo Tuổi Trẻ không nhấn mạnh ở khía cạnh sau.

Tuy nhiên, cách làm bất bình thường của Báo Tuổi Trẻ cho thấy tầm mức hết sức quan trọng của sự việc dưới nhiều khía cạnh.

Biên tập viên, phóng viên báo Tuổi Trẻ thừa biết Alexandre de Rhodes có những lời lẽ xúc phạm Phật giáo và các tôn giáo khác ở Việt Nam trong các tác phẩm của mình.

Do đó, khi báo Tuổi Trẻ làm như vậy, là chạm đến vủng nhạy cảm tôn giáo. Hơn nữa, đây là việc đặt tên đường cho hai cha đạo Ca tô lích La Mã.

Báo Tuổi Trẻ không rõ là vô tình hay cố ý hậu thuẫn cho cố gắng tái Công giáo hóa như một đạo công ở Việt Nam đối với Ca tô lích La Mã, mà một trong những phương thức là tạo sự hiện diện của Công giáo nơi công cộng, ở đây cụ thể là đặt tên đường cho những giáo sĩ Công giáo có vấn đề chưa thống nhất trong đánh giá.

Ý nghĩa kết quả của cách ứng xử của báo Tuổi Trẻ trong số báo ngày 30/11/2019 là rất tiêu cực với đa số bạn đọc, mà vẫn cho rằng truyền thông nhà nước nên thận trọng và khách quan trước một vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo.

Để bảo đảm sự khách quan tôn giáo, Báo Tuổi Trẻ nên lấy ý kiến rộng rãi đa chiều, nhất là từ phía các trí thức, người dân ý kiến tương tự với Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung.

Làm lợi cho một tôn giáo bằng cách ủng hộ việc đặt tên đường chức sắc của một tôn giáo, trong khi chức sắc đó là người đã nói xấu tôn giáo khác, là điều nên tránh. Tránh được điều đó, Báo Tuổi Trẻ mới phản ánh suy nghĩ, tình cảm của toàn thể bạn đọc và xã hội.

Báo Tuổi Trẻ có thừa khả năng nghiệp vụ để tạo sự hài hòa cần thiết sau số báo 30/11/2019 vừa rồi.