Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách “Chữ tình là chữ khởi đầu…”

“Chữ tình là chữ khởi đầu…”

110

Sau này, tôi lại bắt gặp được trong người phụ nữ Huế ấy những khả năng đa dạng: vừa tài giỏi trong nghiên cứu giảng dạy triết học, vừa có cách viết nghiên cứu về Phật giáo giản dị và đầy thiền vị.

Mãi về sau khi có dịp gặp lại Kim Lan tại Sài Gòn và cầm trên tay cuốn sách Thư gửi con do cô viết, tôi còn phát hiện rằng Kim Lan là một người mẹ có một cách thai giáo và một tình thương rất đặc biệt với người con của mình.

Quyển sách Thư gửi con này nếu đọc từ đầu chí cuối thì giống hệt như những dòng tự truyện được viết ra từ trái tim và… cái bụng của một người mẹ tuyệt vời. Quyển sách lại có một giá trị đặc biệt cho những chuyên gia, những hội nhóm có liên quan về thai giáo và nuôi dưỡng trẻ em tham khảo. Thư gửi con còn là một quyển sách bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của tôn giáo trong khi nuôi dưỡng đứa con. Nhưng trước hết, đây là một áng văn rất đẹp, vừa có chất tự sự với một ngôn từ đầy thi vị, vừa bao hàm những triết lý sâu sắc mà vẫn khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Triết lý trong Thư gửi con là triết lý sống, triết lý thực tế của cuộc đời chứ không còn là những suy tư riêng của các nhà triết gia nữa.

Chúng ta có thể đọc quyển sách này như đang đọc một quyển tiểu thuyết hay, đa dạng ở nhiều vấn đề, bổ ích cho cuộc đời vì có những thí dụ cụ thể, và có ích cho những bà mẹ trong xã hội muốn tìm cách nuôi dưỡng con từ lúc còn là thai nhi cho đến khi trưởng thành. Chúng ta còn có thể lắng nghe tình thương ấy qua những lời thì thầm trong những bức thơ người mẹ gởi cho đứa con yêu dấu, có thể thấy được tình thương ngày càng lớn rộng qua những tiện nghi cuộc sống mẹ dành cho con mà vẫn mang những nét Việt Nam rõ ràng, có thể cảm nhận được tình thương gắn kết giữa hai mẹ con thông qua những câu chuyện mẹ kể con nghe về quê hương xứ sở… Tình thương đó thể hiện ra bằng sự chịu khó đi xa để tìm được loại sữa tốt cho đứa con, một món ăn phù hợp với sức khoẻ của nó, bằng sự chăm sóc hàng ngày sức khoẻ của bé và hơn hết là bằng những bức thơ viết riêng cho con mỗi lần phải xa con để đi làm việc, hay về thăm quê hương liên tục trong mười năm. Tình thương đó còn được thể hiện trong lúc đứa con từ là một bé con đến khi trở thành một người thiếu nữ, một sinh viên. Hai mẹ con tuy hai mà một. Mẹ thương con nồng nàn bao nhiêu thì đứa con đáp lại bằng một tình thương không kém.

Quyển sách Thư gửi con này nếu đọc từ đầu chí cuối thì giống hệt như những dòng tự truyện được viết ra từ trái tim và… cái bụng của một người mẹ tuyệt vời. Quyển sách lại có một giá trị đặc biệt cho những chuyên gia, những hội nhóm có liên quan về thai giáo và nuôi dưỡng trẻ em tham khảo.

“… ‘Hơi người’, hai chữ ấy thật ấm áp. Hơi người ở đây là tình người trong sự tin cẩn, trong sự chung nhau gìn giữ, nuôi nấng đời sống con người thật lành mạnh tinh tấn mà không phung phí, không xa hoa. Tình ấy dính liền với từng hương thơm, từng hơi ấm kết tụ từ dòng sữa mẹ, từ cử chỉ chăm nom trìu mến thận trọng của người xung quanh…”

Tôi là người thiếu mẹ từ thuở nhỏ, vừa mồ côi cả hình hài người mẹ lẫn tình thương bao la êm đềm mà bất cứ đứa trẻ nào cũng khát khao, đọc Thư gửi con thấy cái đẹp đầy tình người và “hơi người ấm áp” như vậy, tôi cảm thấy thèm có được tình mẹ nhưng điều đó bây giờ không còn được nữa và cũng sẽ không bao giờ được. Đọc từng lá thơ, tôi cứ tưởng tượng rằng mình là đứa con bé bỏng đang được hưởng tình yêu thương đầm ấm từ bà mẹ, được mẹ thì thầm cho nghe những lời âu yếm dịu dàng. Đã từng làm cha, có đôi khi tôi lại có cảm giác mình đang là một bà mẹ muốn trao trọn cả tình thương cho con mình, muốn che chở và bảo vệ sinh linh bé bỏng này suốt cả cuộc đời.

Nhớ lại trước đây, khi Kim Lan giới thiệu Mai Lan – đứa con gái đầu tiên của mình – cho tôi, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe nói cô bé này sinh ra và lớn lên tại nước Đức vì từ cách chào hỏi đến khi trò chuyện với tôi, cháu luôn sử dụng tiếng Việt đặc sệt giọng Huế. Tôi đã sống ở hải ngoại mấy chục năm, đã gặp rất nhiều gia đình người Việt, đại đa số những đứa trẻ sanh ra tại các nước Âu Mỹ hoặc không biết nói tiếng Việt, hoặc có cách phát âm lơ lớ như người nước ngoài học tiếng Việt. Khi gặp Mai Lan, cháu đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn khác.

Bây giờ thì tôi đã biết, sở dĩ con gái của Thái Kim Lan có được thói quen tốt đó là do sự giáo dục của người mẹ ngay từ thuở nhỏ trong một gia đình rất coi trọng văn hoá Việt Nam.

Bình Thạnh, chiều hè tháng 6.2012

GS.TS Trần Văn Khê

Thư gửi con, tác giả Thái Kim Lan, sách dày 219 trang do NXB
Hội Nhà Văn ấn hành tháng 2.2012, phát hành trên hệ thống phát hành sách toàn quốc.