Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Đậu

Chùa Đậu

Với tuổi đời gần 2000 năm, chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) có lịch sử lâu đời, xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, lưu giữ nhục thân của hai vị thiền sư tu hành đắc đạo và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

57

Vào đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa Đậu được mệnh danh là đệ nhất danh lam đất kinh kỳ. Theo cuốn sách được lưu trữ tại đây, chùa Đậu Hà Nội đã tồn tại gần 2.000 năm, từ thời Sĩ Nhiếp thế kỷ thứ 3. Trải qua thời gian, chùa Đậu đã nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo.

Nơi đây gắn liền với quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Từ năm 1964, chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.

Chùa Đậu Thường Tín nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp nên ngoài thờ Phật thì còn thờ những vị thần tự nhiên là Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm), Pháp Điện (thần chớp).

Theo sử sách ghi lại, từ khi mới lập chùa đã nổi tiếng rất linh thiêng. Trước kia, chùa là nơi chốn dành cho các bậc vua, quan và bậc trí sĩ tới vãn cảnh, lễ bái, cầu an hay cầu mùa màng tươi tốt, nhiều hoa, nhiều lộc, quả trĩu cành. Ngày nay, chùa là nơi để Phật tử tứ phương và nhân dân tới cầu bình an, thành công trong sự nghiệp, học tập…

Chị Hoàng Thị Nga, du khách đến từ Huế cho biết: “Tôi là giảng viên của Đại học Huế. Có dịp ra coi thi tại một trường liên kết với chúng tôi ở địa phương, khi hoàn thành công việc, tôi tranh thủ ra chùa Đậu thắp hương, khấn Phật. Vẫn thường được nghe các thầy cô khác kể lại, ngôi chùa này có lịch sử lâu đời, cảnh sắc thì bình yên và rất đẹp nên tôi vẫn mong có một lần được đặt chân đến nơi đây”.

Chùa Đậu nằm trên khoảng đất rộng hơn 1ha, xung quanh đều là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Kiến trúc của chùa xây dựng theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, tuân theo phong cách “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”.

Kiến trúc khu vực khuôn viên chùa sắp xếp theo bố cục giống hình chữ công, xung quanh là các cụm công trình khác tạo thành hình chữ quốc. Các công trình trong khuôn viên chùa bao gồm tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà tổ.

Chùa Đậu mang đặc trưng kiến trúc của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh trong thế kỷ 17 với nhiều nét độc đáo. Điểm nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc chùa là các vách gỗ đều được người thợ thủ công chạm khắc bằng tay rất tinh xảo.

Ngoài ra, ngôi chính điện từ thời Lê có kiến trúc đặc sắc nhất, từ mái lợp ngói mũi hài, cột xà chạm khắc rồng, bệ đá chạm hoa sen đến bộ cửa tám cánh chạm khắc tứ linh, sơn son thếp vàng.

Đặc biệt, nổi bật trong chùa Đậu Thường Tín đó là pho tượng táng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường (là trụ trì chùa Đậu trong khoảng thời gian thế kỷ 17). Khi hai vị thiền sư đắc đạo để lại toàn thân xá lợi.

Kết quả kiểm tra X-quang thể hiện, pho tượng táng là toàn bộ Nhục thân Bồ tát của hai vị thiền sư, không hề có dấu vết đục đẽo hay bị rút bỏ nội tạng. Tượng của thiền sư Vũ Khắc Minh cao khoảng 57cm và có trọng lượng 7,5kg. Tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường cao khoảng 75cm và có trọng lượng 31kg.

Trải qua gần 400 năm, pho tượng táng tại chùa Đậu của thiền sư Vũ Khắc Trường có nhiều vết hư hỏng. Tuy nhiên, pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh lại vẫn duy trì được vẻ nguyên vẹn như ban đầu.

Ngoài ra, chùa Đậu Thường Tín vẫn đang lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc có giá trị cao, lâu đời như hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình rồng, nét chạm khắc hình thú, họa tiết hoa lá, cá hóa long…

Đặc biệt, đôi rồng đá ở bậc thềm khu vực nhà tiền đường và cuốn sách quý bằng đồng là những hiện vật có giá trị cao đang được lưu giữ tại chùa Đậu. Đôi rồng đá có niên đại lâu đời, được dựng từ thời Trần và hiện đã được bảo tàng Lịch sử quốc gia “sao lại” một bản để phục vụ trưng bày. Cuốn sách bằng đồng có niên đại từ thời Sĩ Nhiếp – đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200 – 210), cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho quá trình nghiên cứu lịch sử.

Cùng với đó, cứ mỗi tháng Giêng hàng năm, chùa Đậu sẽ tổ chức lễ hội truyền thống trong 3 ngày, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tứ phương tới tham dự.

Bà Lê Thị Hoài, người dân thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: “Lễ hội chùa Đậu là dịp để Phật tử, du khách cùng nhân dân chúng tôi tới chiêm bái, lễ Phật và cầu mong cho một năm mới bình an, thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu, tươi tốt”.

Nổi bật trong lễ hội chùa Đậu là nghi lễ rước kiệu từ các thôn trong ngày mùng 9 tháng Giêng. Thanh niên của các thôn sẽ rước kiệu vào trong sân chùa rồi xoay tròn, xô đẩy trước khi vào chính điện. Kiệu của thôn nào xoay càng mạnh thì càng gặp nhiều may mắn, sung túc trong năm.

Đồng thời, có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc khác như biểu diễn võ, tổ chức trò chơi dân gian…

Không chỉ là một điểm du lịch tâm linh, chùa Đậu Thường Tín còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống của dân tộc tự ngàn đời…