Trang chủ Tin tức Chùa Phật Tích và công tác chuẩn bị nghênh đón tượng Phật...

Chùa Phật Tích và công tác chuẩn bị nghênh đón tượng Phật Ngọc

109

Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của dịp đại lễ này, chùa Phật Tích đã có những chuẩn bị hết sức cho đáo vừa để đón tượng Phật Ngọc vừa để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Du khách về chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Phật Tích trong dịp đại lễ sẽ còn được khám phá nhiều điều chưa biết về ngôi chùa cổ này.

“Đại công trường” chùa Phật Tích

Đến chùa Phật Tích trong những ngày chuẩn bị nghinh đón tượng Phật Ngọc Thích Ca Mâu Ni, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí làm việc hối hả và gấp rút từng giờ ở nơi đây để hoàn thành công tác chuẩn bị.

Ngày 10/05/2009, phía trước cổng chùa, mô hình ngôi chùa cổ Bắc Bộ một trái hai mái, nơi tượng Phật Ngọc sẽ an tọa trong những ngày ở chùa Phật Tích vẫn đang bề bộn những giàn khung sắt thép. Theo những chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Hữu Nghị, người đang trực tiếp thi công anh em gấp rút hoàn thành công trình này: “Để có thể hoàn thành được mô hình ngôi chùa cổ Bắc Bộ mang đậm dấu ấn văn hóa chùa chiền Bắc Bộ, chúng tôi đã phải kì công rất nhiều trong việc khảo sát những hoa văn, họa tiết tại những ngôi chùa cổ làm sao để chuyển tải được nhiều nhất những giá trị văn hóa dân tộc vào trong đó nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến thế giới”.

Chuẩn bị cho ngày đại lễ, phần trang trí cây cảnh được chuẩn bị hết sức công phu. Ba cây tùng La Hán hơn 100 tuổi duy nhất Việt Nam gồm 1 cây 5 tán và 2 cây chín tán sẽ được chuyển đến từ Kim Đào, Lương Tài, Bắc Ninh đặt ở hai trái chùa đón tượng Phật Ngọc, cây duối cổ hàng trăm năm tuổi tạo thế “Long chầu mặt nguyệt” đón “Ngài” từ cổng chào…

Phụ trách phần cây cảnh của ngày đại lễ được giao cho nghệ nhân nổi tiếng Phùng Văn Hùng, hội viên hội sinh vật cảnh quận Hoàn Kiếm, hội viên hội sinh vật cảnh nghệ thuật Hà Nội.

Đặc biệt, bệ đài sen tượng Phật Ngọc ngự trên cũng đã hoàn thành. Đây là một công trình tinh xảo với bệ có đường kính 5,2m, cả đài sen cao 1,25m làm hệt bông sen thật kết hợp lụa, mây và sắt. Các cánh sen nhỏ nhất cũng hơn 60cm. Phải mất hơn 3 tuần, các nghệ nhân mới hoàn thành công trình tinh xảo này và chuyển đến chùa Phật Tích vào ngày 13/05/2009. 

Công việc khai quật khảo cổ tòa tháp cổ ngự ngay dưới nơi an tọa của tượng A Di Đà bằng dá xanh nổi tiếng đang gấp rút hoàn thành. Xung quanh khu vực khảo cổ tòa tháp quí đều đã được lập hàng rào bảo vệ hết sức cẩn thận. 

Để chào đón ngày lễ kỷ niệm Thăng Long nghìn năm, công trình tạc pho tượng A Di Đà cao 27m trên đỉnh ngọn núi cũng đang gấp rút hoàn thành. Du khách đến với ngày đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc Thích Ca Mâu Ni cũng sẽ được chiêm ngưỡng phần chân đế và lưng của pho tượng khổng lồ.

Bác Nguyễn Thị Lan, bán nước lâu năm tại chân đường lên núi chia sẻ nhiều cảm xúc về ngày đại lễ: “Chúng tôi, những người dân xung quanh, những phật tử cảm thấy vô cùng sung sướng và hồi hộp. Có lẽ đây là may mắn cả đời của chúng tôi. Ngày Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc, tôi sẽ tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho khách, quét dọn những bậc đá và thắp hương cho các tháp ở đây”. 

Chiều ngày 10/05/2009, những đoàn khách nước ngoài đầu tiên đã đến chàu Phật Tích tham quan và chiêm bái pho tượng đá xanh cùng những hiện vật cổ khai quật được dưới linh tháp để chuẩn bị chờ đợi nghinh đón tượng Phật Ngọc. 

Cổ vật đào được tại chân tòa bảo tháp

Cổ vật đào được tại chân tòa bảo tháp

Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni làm bằng đá ngọc thạch cao gần 4m, nặng gần 4 tấn được đưa về từ Úc và lần đầu tiên triển lãm ở Việt Nam. Tượng được tạc từ nguyên khối ngọc thạch nặng 18 tấn tìm thấy ở miền Bắc Canada vào năm 2000. Phải mất đến 8 năm miệt mài làm việc, hơn 30 nghệ nhân, chuyên gia điêu khắc và Phật học đến từ Thái Lan, Nepal, Úc…mới hoàn thành pho tượng đặc biệt này. 

Tượng “Phật Ngọc cho hòa bình thế giới” sau hành trình dài đến với những điểm đầu tiên của Việt Nam là chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), chùa Đại Tùng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Phổ Quang (TPHCM), chùa Hoằng Pháp (TPHCM) và chùa Vạn An (Đồng Tháp), ngày 16/ 05/2009 pho tượng quí sẽ đến với chùa Phật Tích, Bắc Ninh.

Trong buổi họp báo chiều ngày 12/05/2009, Đại đức Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích đã chia sẻ rất nhiều thông tin về việc gấp rút chuẩn bị đón tượng Phật Ngọc.

Vấn đề giao thông đặc biệt được coi trọng. Theo như đại đức Thích Đức Thiện cho biết, đường vào chùa Phật Tích sẽ được phân luồng nghiêm ngặt. Bất kể là ai khi vào chiêm bái tượng Phật Ngọc trong những ngày đại lễ đều phải tuân thủ đi bộ trên đường 287 và đi ra qua đường 295. Nhà chùa sẽ tổ chức phát cơm chay cho chư vị phật tử về chùa chiêm bái tượng Phật Ngọc. Sẽ có khoảng hơn 3000 suất cơm chay và khoảng hơn 1000 suất bánh sẽ được phát cho phật tử. 

Để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm với cơm chay phát cho phật tử, sở y tế tỉnh Bắc Ninh và phòng y tế huyện Tiên Du sẽ liên tục có những biện pháp kiểm tra và xử lí. Bên cạnh đó, tại chùa liên tục có một phòng y tế tạm thời để xử lí những trường hợp khẩn cấp. 

Tuy nhiên, đại đức Thích Đức Thiện cũng cho biết, do khuôn viên của nhà chùa còn bề bộn đang trong quá trình trùng tu và tôn tạo nên sẽ không thể có chỗ nghỉ qua đêm cho phật tử từ xa tới. Xong, chùa Phật Tích đã tích cực liên hệ với các chùa Đồng Kị, Bồ Đề hướng dẫn cho bà con phật tử ở xa về nghỉ qua đêm. 

Trên con đường dẫn đến công trình pho tượng A Di Đà khổng lồ trên đỉnh núi, không ít những hộ dân xung quanh chùa cũng tranh thủ cơ hội ngàn vàng san những khoảng đất, dựng lán bán hàng. Anh Nguyễn Văn Nam, một người đang dựng lán chia sẻ: “Được tượng Phật Ngọc về an tọa, nhân dân quanh chùa chúng tôi thấy vui mừng và hạnh phúc quá. Đây có lẽ là cơ hội duy nhất trong đời chúng tôi. Vì thế, chúng tôi không ai bảo ai dựng cái lán bán hàng nước cốt là để lấy chỗ cho du khách nghỉ chân, hướng dẫn cho du khách và cùng nhà chùa bảo vệ di tích”. 

Công trình tượng A Di Đà trên đỉnh núi đang thi công

Người dân tranh thủ san đất dựng quán trong những ngày đại lễ

Một điều khá đặc biệt là hai bên con đường bậc đá dẫn lên đại công trình Phật A Di Đà là những cây keo, cây thông đang mùa trổ hoa mà loại sâu róm nhỏ gây ngứa thì nhiều vô kể. Đã bắt đầu có những du khách bị trúng sâu róm mẩn đỏ hết khắp cổ. Vì thế, bác Vũ Thị Hạnh Lợi, vừa bán hàng nước dưới chân dốc vừa sãn sàng chữa sâu róm cho du khách miễn phì chỉ từ một mảnh vải. Bác Lợi cho biết: “Tôi hơ nóng mảnh vài lên bếp lò rồi lấy hết lông sâu róm ra khỏi chỗ ngứa cho mọi người. Tự động sẽ hết ngứa. Bà con phật tử có thể yên tâm thưởng ngoạn trên đồi thông mà không lo lắng nữa”. Bác vừa nói vừa cười móm mém, hở cả hàng lợi đỏ nước cốt trầu.

Bác Nguyễn Thị Hạnh Lợi chữa sâu róm cho khách

Thông điệp hòa bình từ đại lễ nghinh đón tượng Phật Ngọc

Về dự đại lễ nghinh đón tượng Phật Ngọc tại chùa Phật Tích, chư vị phật tử sẽ có cơ hội biết thêm nhiều điều đặc biệt về ngôi chùa cổ này. Pho tượng A Di Đà đá xanh cổ nhất Việt Nam được coi là “linh vật” của ngôi chùa ngự trên một chân linh tháp cổ mà các nhà khảo cổ vừa mới khai quật được phần chân tháp. Pho tượng cổ và chân linh tháp vẫn an tọa tại đó cả nghìn năm và chư vị phật tử có thể tư do chiêm bái. 

Trong quá trình khai quật linh tháp cổ vốn đã bị đất đá vùi lấp hàng trăm năm, các nhà khảo cổ học đã tìm được rất nhiều những cổ vật ở nơi đây như bát, đĩa và đồ trang trí mang những hoa văn và họa tiết đặc trưng của thời nhà Lý. Đại đức Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích đích thân trông nom và cất giữ những linh vật này và rất có thể nhà chùa sẽ mang ra trưng bày cho bà con phật tử chiêm bái nhân ngày đại lễ nghinh đón tượng Phật Ngọc. 

Đặc biệt, theo lưu truyền từ những phật tử sống xung quanh chùa Phật Tích thì ở ngay khu vườn phía trên bậc đá vào chùa có 2 cây mít trĩu quả. Song, lạ ở chỗ tất cả những quả mít này đều xù xì và có hình dạng đặc biệt như khuôn mặt của phật. Chúng nằm chen nhau có khi cả vài quả trên một cuống nhỏ mà không hề bị gãy. Đây sẽ là điều rất thú vị cho bà con phật tử về chiêm bái. 

Theo công bố về lịch trình của 7 ngày đại lễ tại chùa Phật Tích, sẽ có một đêm hát quan họ truyền thống của vùng kinh Bắc có sự tham gia thưởng thức của nhiều đại diện quan khách từ các nước nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuổi những sự kiện kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc tại chùa Phật Tích sẽ kết thúc vào ngày 22/05/2009 với lễ cầu siêu long trọng cho những anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trong chiến tranh và cầu nguyện hòa bình. Với tất cả những hoạt động trong 7 ngày đại lễ tại chùa Phật Tích, một thông điệp lớn lao sẽ được chuyển tải đến cả nhân loại: Hòa bình trong tâm mỗi con người là hòa bình vĩnh cửu của nhân loại.

Với công tác chuẩn bị chu đáo như vậy, nhất định 7 ngày đại lễ tại chùa Phật Tích nghinh đón tượng Phật Ngọc Thích Ca Mâu Ni sẽ thành công tốt đẹp.

Tượng Phật ngọc tại Cảng

Dựng Tượng Phật Ngọc tại Đà Nẵng