Trang chủ Văn hóa Chùa

Chùa

89

Vậy chùa được hình thành từ khi nào?

Sau khi đức Phật giác ngộ giảng dạy chánh pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, lúc này mới bắt đầu hình thành ngôi Tam bảo, song chưa cần đến chùa viện, vì phong tục của người xuất gia tu hành tất cả các giáo phái khác đều sống theo kiểu ngày đây mai đó, hoặc ngồi dưới gốc cây tĩnh tu nghiên tầm triết lý v.v…

Nhưng về sau, số lượng người tại gia và xuất gia theo đức Phật để học hỏi tu tập mỗi ngày một đông hơn, có khi lên đến hàng ngàn người, dần dần nảy sinh nhu cầu một nơi bán định cư và cuối cùng phải cần có nơi định cư.

Từ thực tế đó, nhà vua Bình Bà Sa La đã hiến dâng và xây dựng khu Trúc Lâm tịnh xá, để đoàn thể có nơi tu học, sinh hoạt cố định. Chính nơi đây đã trở thành trung tâm tư tưởng học thuật, cơ sở đào tạo đầu tiên lớn nhất đương thời, nhìn từ góc độ giáo dục thì đây là trường đại học đầu tiên đào tạo với quy mô hơn vài ngàn người, tập trung nghiên cứu học hỏi, và thực tập về lĩnh vực triết học và phương pháp thực hành đi đến giải thoát khổ đau.

Dần về sau, đây chính là nơi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đến để học hỏi và trao đổi về các môn như triết học, xã hội học, đạo đức học, ngôn ngữ học v.v… quan trọng và hiệu quả nhất là họ đã đạt đến mục đích cuối cùng của con người đó là hạnh phúc, niềm hạnh phúc thực sự.

Khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc:

Hồng Lô tự, Bạch Mã tự, tự viện này có nghĩa là chỉ cho nơi làm việc của các phái đoàn ngoại giao, và sau đó đã chuyển đổi thành trung tâm dịch thuật giảng dạy giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Ấn Độ, nơi ấy được chính quyền đương đại xây dựng ủng hộ. Các nhà chính trị, thương nhân thì học hỏi ngoại ngữ văn hóa v.v… để tìm cách bang giao liên kết quyền lực chống lại giặc phương Bắc của Trung Hoa, thương gia thì học ngôn ngữ để tiện việc thương mại trao đổi hàng hóa.

Còn chùa tên gọi quen thuộc ở Việt Nam buổi ban đầu cũng là nơi đào tạo giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, người tu sĩ trở thành thầy giáo dạy ngoại ngữ, Việt ngữ, văn hóa đạo đức cho nhân dân, vì nơi cửa Khổng sân Trình thường chỉ giành cho tầng lớp quý tộc. N

hững con em đó đã lớn lên với kiến thức trong chùa, vì chùa không có phân biệt giàu nghèo nam nữ. Với nét đặc thù của chùa viện là không ai có quyền được sở hữu, thầy trụ trì hay người xuất gia chỉ có quyền điều hành mọi hoạt động trong chùa, không có quyền chuyển nhượng tùy ý, nên cơ sở này không bị mai một với thời gian và ít bị các thế lực chính trị gây ảnh hưởng.

Chùa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chốn thanh tịnh uy nghiêm làm nơi quay về cho tất cả mọi tầng lớp của xã hội. 

Đi qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa là bảo tàng chứa đựng tất cả kỷ vật của thời gian, trung tâm văn hóa giáo dục, nơi lưu trữ dấu vết của phát triển của nhân loại qua các công trình nghệ thuật kiến trúc điêu khắc, bên cạnh đó chùa còn là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt chùa được ví như thư viện gìn giữ Kinh điển, sách vở, bia ký, hoành phi, đối liễn v.v.. của nhiều đời.

Làm sao để có thể phát huy hết giá trị tồn tại miên viễn này, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những hành động cụ thể và cách suy nghĩ của mỗi con người của chúng ta.

Để lòng ai, cửa Từ Bi khép hở
Tiếng kinh cầu, vang vọng đến vô biên.