Trang chủ Văn hóa Chuyến du lịch của vị thứ trưởng và nhà sư

Chuyến du lịch của vị thứ trưởng và nhà sư

63

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Lê Tiến Thọ ngồi hàng ghế đầu trong Nhà hát tuồng Việt Nam, bàn tay áp lên mặt chỉ để hở đôi mắt. Người nghệ sĩ tuồng lừng lẫy một thời đặt cái nhìn không chớp lên tấm màn nhung đỏ. Đằng sau đó là dàn nhạc dân tộc cũng hồi hộp chờ màn lên. Ông Thọ đến nhà hát tối 7.5 gần như với tư cách người nhà. Tối đó, anh em diễn viên tuồng có đêm diễn trong chương trình ra mắt Nhóm xã hội làm du lịch – TSG (Travel social group) mà Nhà hát tuồng là một thành viên.

Nhóm xã hội này có hạt nhân là các hướng dẫn viên của 10 đơn vị du lịch khác nhau. Họ gặp nhau đầu tiên vì nhu cầu chia sẻ thông tin khi làm nghề. “Nhiều nhóm khách với những yêu cầu khác nhau khiến chúng tôi đối mặt với việc không biết phải đưa khách đi chơi, đi ăn uống, tham quan ở đâu cho hợp. Chia sẻ thông tin là tất yếu. Nếu có thông tin của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cung cấp thì hành trình càng đặc sắc, càng quý, khách càng mê”, sáng lập viên, ông Đỗ Công Đức chia sẻ.

TSG cung cấp thông tin trên hai kênh. Một, tổ chức ngân hàng kiến thức để các thành viên tự học, tự đào tạo nghiệp vụ. Hai, quảng cáo dịch vụ du lịch của các công ty tham gia nhóm tới từng thành viên để tiện liên kết. Các buổi sinh hoạt nhóm được tổ chức dưới dạng dã ngoại hoặc như đêm đầu tiên: xem biểu diễn tuồng. Khách mời cũng đến nhiều vì trong thư mời nêu rõ sẽ có giới thiệu ý nghĩa và biểu diễn một số trích đoạn tuồng. Đưa các giá trị văn hóa Việt Nam thành sản phẩm du lịch chính là mục tiêu thứ ba của nhóm.

“Chúng ta có nhiều di sản văn hóa thế giới như ca trù, quan họ. Tuồng, tuy chưa được UNESCO công nhận di sản song cũng là một loại hình nghệ thuật có giá trị. Tôi rất mong việc quảng bá cho loại hình nghệ thuật này được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong du lịch”, ông Thọ phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt.

Học thiền và nấu món chay

Cũng trên hàng ghế đầu còn có đại đức Thích Thanh Phương ngồi thanh thản. Ngài là trụ trì của chùa Sủi, chùa Báo Ân (Gia Lâm) và tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo Vĩnh Phúc. Nếu như ông Thọ đến vì tuồng thì đại đức đến để giới thiệu một dịch vụ du lịch tâm linh mới: học thiền và nấu món chay tại chùa Sủi.

“Bắt đầu là du lịch tâm linh và tuồng. Sau đó, theo kế hoạch, cứ mỗi tháng tại buổi sinh hoạt chung, TSG sẽ hỗ trợ giới thiệu 1-2 sản phẩm du lịch mới. Thông tin về những chương trình này sẽ được gửi tới mọi thành viên. Đây là một hỗ trợ quan trọng”, ông Đức cho biết.

“Khi một chương trình du lịch được đưa ra, TSG cũng sẽ đóng góp qua phản biện, qua việc mời các chuyên gia cùng phản biện. Tour sinh thái sẽ có các nhà nghiên cứu cây góp ý. Bản thân tôi đã chạy thử chương trình du lịch ẩm thực nhiều lần khi hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài. Giờ, nó là một phần của du lịch tâm linh. Khách học nấu và thưởng thức món chay sau khi làm quen với kỹ năng thiền cơ bản”, TS khảo cổ học Vũ Thế Long, tổng thư ký hội ẩm thực Việt Nam tiết lộ.

Trước giờ diễn Ảnh: Ngô Vương Anh

Ghi tên tham gia TSG hoàn toàn không mất tiền. Chỉ những sản phẩm được quảng cáo là cần có đóng góp. Nhưng những đóng góp này cũng không bằng tiền mà dưới dạng những xuất ngủ đêm trong khách sạn, bữa ăn ại nhà hàng, vé xem đêm diễn miễn phí.

Với những người mê xê dịch, khám phá, điều này càng trở nên hấp dẫn. “Tôi bắt đầu mê tuồng rồi. Chắc chắn tôi chắc chắn sẽ đăng ký thành viên của nhóm xã hội này”, một du khách nói tiếng Pháp cho biết sau khi vờ khom lưng, tự vuốt chòm râu tưởng tượng, bắt chước ông già cõng vợ – một mảnh tuồng hay ông vừa được xem.

“Quan trọng nhất, những sản phẩm du lịch sẽ ra đời sau các liên kết phi hành chính. Trong khi đó, ngành Văn hóa – thể thao và du lịch hiện đang loay hoay với việc tạo sản phẩm du lịch cũng như quảng bá nó. Ít tốn kém, lại lan tỏa trong cộng đồng nhanh hơn, đó là lợi thế của nhóm xã hội mà chúng tôi muốn tận dụng”, ông Vũ Thế Long khẳng định.