Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Cô hồn

Cô hồn

138

Tháng bảy âm lịch là tháng nhớ về công ơn tổ tiên,cha mẹ,là mùa báo hiếu.Nhưng ngoài cha mẹ,ông bà ,tổ tiên ra,phong tục của chúng ta còn nhắc nhớ đến những người đã khuất mà nay tuy thể xác không còn tồn tại nhưng hồn của họ có thể còn phảng phất đâu đây vì lý do nào đó chưa được siêu thoát,chưa được đầu thai kiếp khác hoặc còn phải bị đày đọa trong địa ngục.Do đó mà những người đang sống phải có bổn phận giúp đỡ những linh hồn vất vưởng này sớm được đầu thai.Theo Phật giáo,có người gọi những hồn này là ngạ quỷ.Việc giúp đỡ các cô hồn này gọi là chấn tế cô hồn.

Theo Thích nguyên Liên (Báo Giác Ngộ)

Ðại để theo kinh điển mô tả, chúng sanh trong loài ngạ quỷ có thể phân chia thành ba loại, là quỷ đa tài, quỷ thiểu tài và quỷ hy tự.

Trong ba loại ngạ quỷ trên, loại quỷ hy tự là đối tượng chính trong khoa chẩn tế cô hồn mà chúng ta cúng tế cho họ. Loại ngạ quỷ này có hình thù rất kỳ dị, như trong luận Tỳ Bà Sa nói: "… có loại bụng lép như chó đói, đầu rối nùi, chân như khúc củi khô, miệng mũi thường chảy ra nước mũi nước dãi, lỗ tai sanh mủ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phựt ra lửa, thân hình hôi hám, lông cứng nhọn gai. Các loài ngạ quỷ khác thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa".

Như thế, do nghiệp tham lam bòn sẻn đời trước mà chiêu cảm quả báo đời này, loài ngạ quỷ có thân hình kỳ dị, bụng to như cái trống, cổ họng nhỏ như cây kim. Với bụng to như cái trống, loài ngạ quỷ này có thực lượng rất lớn, nhưng khổ nỗi yết hầu của chúng lại nhỏ như cây kim, nên không thể nuốt được cơm cháo. Do đó, chúng luôn bị nạn đói khát giày vò, vô cùng bi ai thống khổ. Ngày đêm chúng luôn tơ tưởng đến miếng ăn, nhưng chưa từng lúc nào có được sự no đủ.

Huống nữa, do quan hệ nghiệp báo mà loài ngạ quỷ này rất khó nhìn thấy vật thực, hoặc như có nhìn thấy thời vật thực đều biến thành cát sạn hay máu mủ. Vả lại, một khi chúng có đưa được thức ăn vào miệng, thức ăn ấy cũng biến thành lửa dữ, phụt mạnh ra từ miệng khiến chúng nóng khổ vô cùng. Bởi ngọn lửa dữ luôn phụt ra từ miệng, nên loại ngạ quỷ hy tự còn có tên là quỷ diệm khẩu.

Nhân thấy sự khổ đau cùng tột của loài ngạ quỷ, Ðức Phật với tâm từ bi vô tận đã thuyết ra nhiều pháp môn phương tiện để cứu độ. Một trong các pháp môn phương tiện để cứu độ loài ngạ quỷ đó là pháp chẩn tế cô hồn. Trong pháp nghi này, Ðức Phật đã thuyết ra rất nhiều chơn ngôn thần chú, như Phổ triệu thỉnh chơn ngôn, Tịnh nghiệp chướng chơn ngôn, Phá địa ngục chơn ngôn, Khai yết hầu chơn ngôn, Biến thực chơn ngôn, Biến thủy chơn ngôn…

Tại trai đàn, chúng ngạ quỷ sẽ nương vào thần lực cứu độ của chư Phật, vào oai lực của thần chú và sức gia trì chú nguyện của chư vị pháp sư, sẽ được ăn uống no đủ. Sau đó, vị pháp sư sẽ thay Phật vì họ tuyên dương Chánh pháp, chỉ cho họ thấy được đâu là nẻo chánh đường tà, khiến họ dứt trừ được tâm tham lam bỏn sẻn, hồi tâm hướng thiện một lòng tu hành, được vĩnh viễn thoát hẳn các sự khổ não của cảnh giới ngạ quỷ.

Ðấy chính là tác dụng và mục đích của pháp chẩn tế cô hồn, mà trong các chùa, sau khi kết thúc bất kỳ một pháp sự nào, đều có tổ chức nghi thức cúng cô hồn này.

Cũng tương tự như Đạo Phật,bên Công Giáo cũng có những Linh Hồn Mồ Côi và hàng ngày,giáo dân vẫn cầu nguyện cho họ dưới một hình thức khác Phật giáo.

Theo tập tục dân gian có pha lẫn ảnh hưởng Phật giáo,từ sau khi xong lễ Vu Lan(rằm tháng bảy âm lịch)có khi ngay tại chùa hoặc tại các gia đình,người ta tổ chức các buổi cúng cô hồn.Không hẳn là theo ý nghĩa và mục đích mà Thích nguyên Liên vừa nêu ra ở trên mà rất thực tế là cúng cho các vong hồn uổng tử đói khát,thiếu thốn được một bữa no bụng bằng những thực phẩm như bánh trái,gạo,muối,mía,cháo loãng(cho các ngạ quỷ cổ dài,thực quản nhỏ chỉ có thể nuốt được cháo loãng),giấy tiền vàng bạc và cả tiền thật nữa.Dĩ nhiên là phải có nhang(hương) để khói hương lan tỏa,kêu gọi các vong hồn biết mà về dự.Tại chùa thì cúng chay còn dân gian thì có khi cả đồ mặn nữa như heo quay, gà quay v.v…

Trong dân gian có người tin rằng cúng cô hồn là hình thức hối lộ để khỏi bị vong hồn quấy nhiễu và không chỉ vào sau rằm tháng bảy,những ngày mười sáu hàng tháng nhiều nhà buôn bán vẫn cúng cô hồn,mong được phù hộ cho mọi việc buôn bán hanh thông,gia đình hòa thuận. Nhiều người đã kể trong chiến tranh,oan hồn phá phách trong những ngôi nhà từng có nhiều người chết trong lúc giao tranh,chủ nhà sau đó về ở ban đêm nghe những tiếng giầy đinh đi lộp cộp,tiếng gào thét ghê rợn v.v..không thể ngủ yên được .Chỉ sau khi cúng cô hồn xong những hiện tượng trên mới chấm dứt !Điều đó càng củng cố cho niềm tin vào việc cúng cô hồn mang lại nhiều lợi ích.

Cúng cô hồn đối với trẻ con là những ngày vui vì có dịp “giựt cô hồn”,có bánh kẹo,trái cây vv.. và nhiều lúc còn vồ được một ít tiền.Trong những dịp này trẻ con trong những xóm bình dân luôn hỏi tin nhau những nhà sẽ cúng cô hồn trong khu vực để chúng căn me chờ giựt.

Thoạt đầu,gia chủ đem đồ cúng ra bày biện trên cái mâm hoặc cái chiếu trước nhà,đại khái là bánh,trái cây,mía khúc,gạo,muối,giấy tiền có khi cả tiền thật(tiền xu,tiền giấy),nhang,đèn cày;có nhà còn bày cả con gà luộc hoặc heo quay.Sau khi chủ nhà khấn vái cúng lễ xong thì vãi gạo và muối ra chung quanh và đám người cướp cô hồn nhào vô giựt đồ lễ.Tuy nhiên ngày nay cúng cô hồn thường không kịp xong lễ thì đã bị cướp sạch đồ cúng.Thậm chí gia chủ đang cầm trên tay con gà còn nóng hổi đã bị sớt mất chưa kịp khấn vái câu nào.Có người còn cho rằng chưa cúng mà cô hồn đã ăn là may mắn và còn tỏ ra vui vẻ nữa.

Tuy nhiên có nhà giầu khi cúng tổ chức rất chu đáo,cho nhân viên bảo vệ đông đảo mặt hầm hầm rất hình sự đứng thành vòng tròn bảo vệ mâm cúng,gia chủ ra làm đủ mọi nghi thức sau đó mới cho giựt cô hồn.Trong trường hợp này đồ lễ có cả tiền mặt là tiền xu và tiền giấy trị giá nhiều triệu đồng.Cô hồn sống vớ được mớ bở!

Trong văn chương có bài văn tế cô hồn nổi tiếng,tôi xin trích một đoạn ngắn để độc giả đưa hồn vào một thế giới huyền bí.

Văn tế Thập Loại Chúng Sinh (Nguyễn Du)

“Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ
Hoặc là nương thần từ Phật tự
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre …….

Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.

Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ
Phép thiên biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô chư Phật, Pháp, Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.”

Ngày nay nhiều người không tin rằng người chết có thể về hưởng những bổng lộc vật chất mà người sống dâng tặng mà theo tinh thần giáo lý của các tôn giáo chính chẳng hạn như Phật giáo ,trong lễ cúng cô hồn “vị pháp sư sẽ thay Phật vì họ tuyên dương Chánh pháp, chỉ cho họ thấy được đâu là nẻo chánh đường tà, khiến họ dứt trừ được tâm tham lam bỏn sẻn, hồi tâm hướng thiện một lòng tu hành, được vĩnh viễn thoát hẳn các sự khổ não của cảnh giới ngạ quỷ.”Đạo Công Giáo cũng cầu cho các linh hồn cô đơn mà họ gọi là các linh hồn Mồ Côi theo lòng xót thương của Thiên Chúa,tha thứ những lỗi lầm cho họ khi còn sống.

Con người là thực thể vật chất thì biểu lộ lòng yêu thương và thành kính bằng các lễ vật vật chất là điều đương nhiên,cúng kiến bằng của cải vật chất là lẽ thường tình,còn người chết có ăn được hay không và có cần ăn hay không là ngoài sự hiểu biết của người sống.