Trang chủ Văn hóa Cổ vật quý chùa Huế

Cổ vật quý chùa Huế

144

Những cổ vật quý ở chùa Trúc Lâm


Chùa Trúc Lâm là một trong những ngôi chùa xuất hiện muộn vào đầu thế kỷ 20. Chùa do sư bà Diên Trường khởi công xây dựng vào năm 1902 đến năm 1903 thì xong và mời hòa thượng Giác Tiên từ chùa Tây Thiên qua làm trụ trì, đứng tên làm tổ khai sơn. Chùa không lớn lắm, nằm khuất trong vùng núi Cầu Lim thuộc xã Thủy Xuân thành phố Huế. Cho đến nay, chùa Trúc Lâm chỉ mới tròn 100 năm. Ở Huế, những ngôi chùa có độ tuổi như vậy được coi là trẻ.


Tuy trẻ nhưng chùa Trúc Lâm sớm nổi danh bởi giữ được những cổ vật  rất có giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.









Bộ kinh Kim Cang được thêu trên nền gấm lót nhiễu điều lớn nhất Việt Nam

Thứ nhất là bộ kinh Kim Cang bằng gấm lót nhiễu điều thêu chỉ ngũ sắc từ thời Tây Sơn, được đánh giá là bộ kinh thêu lớn nhất Việt Nam.


Toàn bộ bản kinh dài 2,47m, rộng 0,234m; số lượng chữ được thêu khoảng chừng gần 7.000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hòm gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp dài 29 cm, rộng 10 cm, cao 7,7 cm.


Nguồn gốc của bản kinh này rất ly kỳ, gắn liền với triều đại nhà Tây Sơn và đầu triều các vua Nguyễn. Bản kinh ra đời vào ngày mùng một tháng mười một năm Cảnh Thịnh thứ 8 (16-12-1800). Phần lạc khoảnh trong bản kinh có ghi tên người thêu là tỳ kheo ni Diệu Tâm.


Bản kinh từng có một thời gian lưu lạc trong dân gian. Nhiều người đạo cao đức trọng như hòa thượng Phước Huệ ở chùa Thập tháp Di Đà (Bình Định) trong thời gian ra Huế giảng dạy tại chùa Tây Thiên biết có một bản kinh quý đang lưu truyền trong dân gian bèn sai môn đồ dò tìm. Sư bà Diệu Không lần ra tung tích và mua lại cả chiếc hộp và bản kinh với giá 250 đồng thời bấy giờ (tương đương 7 lượng vàng). Sau đó, hòa thượng Mật Hiển ra sức bảo quản, gìn giữ. Đến nay, bản kinh này được cất giữ chu đáo như một bảo vật.


Trong chùa còn có nhiều pháp bảo vô giá khác như chiếc lư bằng gốm sứ có tráng men mầu, đường nét, họa tiết hình rồng, các hàng chữ rất đẹp, rất công phu. Lư gồm hai tầng, chung quanh chạy hàng chữ nổi “Từ Sơn phủ, Đông Ngàn huyện, Bảo Sơn tự, Lê triều Long Hưng Chính Hòa” như vậy chiếc lư mang dấu ấn đời Lê. Chính Hòa là niên hiệu của vua Lê Hy Tông từ năm 1680 đến 1704 tương ứng với thời các chúa Nguyễn ở Đàng trong như Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu.


Theo quý thầy trong chùa cho biết chiếc lư này do Thượng thư Hồ Đắc Trung – bố của sư bà Diệu Không – đem từ Thanh Hóa vào dâng cúng cho chùa. Nhưng theo dòng chữ trên chiếc lư thì đây là tự khí của chùa Bảo Sơn ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), điều này cho thấy nguồn gốc chiếc lư cũng như quá trình di chuyển của nó mang nhiều công lao của nhiều người có tâm cất giữ và dâng cúng. Chiếc lư hiện nay đang được chùa Trúc Lâm dùng để xông trầm và thường xuyên đặt ở nơi rất dễ vỡ nên nhà chùa cần có biện pháp bảo quản thích hợp.








Bình bát chu sa của hòa thượng Thạch Liêm, tác giả của Hải ngoại kỷ sự
Một pháp bảo vô giá khác là chiếc bình bát bằng chu sa, chiếc muỗng gỗ và bức tiếu tượng của hòa thượng Thạch Liêm – tác giả bộ sách quý Hải ngoại kỷ sự – mà chùa Trúc Lâm đang sở hữu. Đây là những pháp bảo quý hiếm còn lại của hòa thượng Thạch Liêm có niên đại từ những năm 1694-1695.


Về gốc tích những pháp bảo này, nguyên để tại chùa Khánh Vân thuộc làng Lựu Bảo, huyện Hương Trà, được hòa thượng Giác Tiên phát hiện và thỉnh về đây để tiện gìn giữ. Nhờ vậy mà pháp bảo quý hiếm này còn lưu lại đến ngày nay.


Chuông chùa nổi tiếng


Ngoài chuông chùa Linh Mụ nổi tiếng được đúc vào năm Canh Dần (1710) thời Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), nặng 3.282 cân xưa, cao 2,50m, chu vi vòng miệng 4,36m, đường kính 1,56m, ở Huế còn có nhiều quả chuông đồng cổ rất quý ít người biết đến.








Chuông chùa Linh Mụ – Ảnh: L.Thoại 
Chuông chùa Thiên Thai nặng 855 kg, do ngài Tế Hiệp – Hải Điện cho đúc, sau khi trùng tu chùa lần thứ nhất vào năm Cảnh Hưng thứ 8 (1748), Chưởng cơ Thái giám Mai Văn Hoan đã đứng ra làm hội chủ quyên tiền. Đại thi hào Nguyễn Du lúc vào kinh đô Huế đã từng có thơ hoài vọng cảnh cũ người xưa: “Chuông cũ Cảnh Hưng còn treo đó/ Nhớ hồi năm trước đã lên chơi…” (Vọng Thiên Thai).


Chuông chùa Sùng Ân, làng An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Ngôi chùa cổ nằm trong một làng quê sông nước hữu tình này hiện vẫn còn lưu giữ quả chuông được đúc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1678) dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Đàng trong. Chuông có chiều cao 1,24m, đường kính 0,62m. Trên chuông có khắc đầy đủ tên các nhân vật chốn cung đình từ chánh cung đến thái tử, đặc biệt có tên vị Thủ bạ Trần Đình Ân, pháp danh Hồng Minh và Vệ úy Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Tuyên là những tín chủ đã phát tâm cúng dường để đúc quả chuông này.


Tuy nhiên, quả chuông được đánh giá là độc đáo và kỳ lạ nhất ở Huế  là quả Đại Hồng Chung của chùa làng La Chữ. Chuông được đúc vào năm Quang Trung thứ 4 (1791), do vợ chồng võ tướng Điện tiền Thái bảo ngự giá Quận công Võ Văn Dũng, một vị võ tướng dưới triều Tây Sơn cùng với nhạc phụ (bố vợ) là ông Lê Công Học đứng ra làm hội chủ quyên góp trùng tu chùa làng La Chữ và đúc chuông.


Quả chuông này cao 0,92m, đường kính miệng chuông 1,78m và các hoa văn trên chuông không mang nặng dấu ấn Phật giáo mà được trang trí bằng bộ “Tứ thời”: Xuân – Hạ – Thu – Đông.


Ô Xuân trang trí hai cái lược sưa, lược dày và gương hoa (các vật dụng trang điểm của phụ nữ), nhiều người cho rằng đây là khung biểu thị cho phái đẹp.  Ô Hạ, hoa văn trang trí là ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho sự quyết liệt của các đấng mày râu. Ô Thu có hai bầu rượu quấn dải lụa mềm mại. Ô Đông trang trí hình chiếc quạt lá vả và cuốn sách.


Dưới các ô văn ấy có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới… Đây là những hoa văn trang trí rất lạ so với phong cách trang trí trên các pháp khí của chốn thiền môn thường gắn liền với những biểu tượng mang dấu ấn triết lý Phật giáo như: từ bi, hỷ xả, giới, định, tuệ…


Bên cạnh chuông chùa La Chữ, tại làng Hạ Lang cũng có một quả chuông đồng được đúc vào thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 (1799). Nhưng quả chuông này không phải được đúc tại Thuận Hóa mà tại tỉnh Hà Đông, rồi chuyển vào.