Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Cuộc đời như tên gọi

Cuộc đời như tên gọi

113

Chiều dần buông bên Bến Bình Đông. Đám trẻ em lang thang, nghèo khó, trẻ mồ côi cứ quấn quýt xung quanh một thiếu nữ, đó là những học sinh và cô giáo. Cô giáo ấy có cái tên thật đẹp: Phạm Như Nguyện, hiện là Bí thư Chi đoàn kiêm thành viên Ban Điều hành KP11 (P11 Q8 TPHCM).

Dù rất bận rộn vì đang theo học đến 3 chương trình (cử nhân Anh văn Trường ĐH KHXH-NV TPHCM; trung cấp kế toán; cử nhân Phật học) nhưng cô gái 24 tuổi này vẫn đều đặn đến với các trẻ em nghèo, người già neo đơn trong khu phố.

Bữa cơm nhân ái

Sinh ra ở Long An, nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo, Phạm Như Nguyện sống với bà nội ở KP11 từ năm lên 10 tuổi. Càng lớn, Nguyện càng trăn trở: sao khu phố mình nhiều người nghèo, nhiều người thất học quá? Việc được kết nạp Đoàn vào năm học lớp 9 đã thực sự tạo nên bước ngoặt lớn với cô.

Nguyện kể: “Ban đầu, chỉ đơn giản là vì thích đeo cái phù hiệu Đoàn trên ngực áo, nhưng không ngờ, những lý tưởng học được từ đó lại làm tôi thấm thía, tâm đắc, nó thôi thúc tôi quyết tâm hành động”. Và không chỉ “nói hay” với bài thu hoạch lớp đối tượng Đoàn loại xuất sắc, cô còn “làm giỏi” với chuỗi ngày làm công tác xã hội không biết mệt mỏi sau đó.

Cách đây 6 năm, Chi đoàn khu phố tổ chức ngày hội “Bữa ăn dinh dưỡng” dành cho các cụ già neo đơn, do các bạn đoàn viên tự nấu. Khi bưng những phần ăn đến cho các cụ già ốm yếu, không có con cháu, không nơi nương tựa, Nguyện nhận thấy đây là một việc làm hết sức cần thiết, ý nghĩa và phải được duy trì thường xuyên, chứ không chỉ một bữa ăn.

Nhưng chi đoàn không có kinh phí, bản thân là sinh viên, không có tiền, Nguyện loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán khó: mỗi ngày 1 suất cơm cho người già neo đơn! Qua tìm hiểu, được biết chùa Lâm Quang ở đường Bến Bình Đông có trại dưỡng lão, Nguyện nghĩ nhà chùa sẽ đồng cảm và có thể sẻ chia, nên đánh liều vào chùa xin cơm.

Được sư trụ trì nhiệt tình ủng hộ, thế là ngày ngày, cứ vào khoảng 10 giờ – 10 giờ 30, cô rủ thêm 2 bạn đoàn viên đến chùa mang thức ăn đem đến tận nhà cho 16 cụ già neo đơn. Hôm nào không có ai đi, Nguyện vẫn một mình tận tụy với công việc này. Hè về, khi các bạn học sinh – sinh viên được nghỉ học, Nguyện có thêm lực lượng tham gia vận chuyển cơm.

 

Thấy mấy bạn nhỏ gần nhà suốt ngày chơi game, nghiện “nét”, cô rủ đi đưa cơm cùng. Ban đầu, bọn trẻ ra điều kiện đưa xong phải cho một suất để ăn, nhưng khi gặp các cụ già, các bạn nhỏ xúc động và hiểu được ý nghĩa của công việc. Từ đó, nhiều em trở nên ngoan hơn, bớt thời gian chơi game để cùng Nguyện đi đưa cơm.

Và lớp học tình thương

Với vai trò của một bí thư chi đoàn khu phố, Nguyện rất buồn khi thấy trên địa bàn còn một số đông người lớn mù chữ, thanh niên thất học, trẻ em lang thang. Cái nghèo làm cho họ khó thể ý thức được rằng, có tri thức mới có thể thay đổi cuộc sống. Mượn được văn phòng của ban điều hành khu phố, Nguyện kiên trì đến nhà vận động từng người đến lớp học chữ.

Ngoài việc xóa mù cho người lớn, dạy chương trình sách giáo khoa và Anh văn miễn phí cho các em nhỏ, cô còn chạy đôn chạy đáo xin cho các thanh thiếu niên dở dang việc học đến các lớp bổ túc văn hóa của quận. Hễ có dịp xuống địa bàn công tác là Nguyện lại không quên tranh thủ điều tra, khảo sát tình hình thanh thiếu niên, trẻ em thất học, người lớn mù chữ và thuyết phục họ tham gia lớp học.

Dù bận rộn nhiều công việc của chi đoàn, của khu phố và hàng ngày phải đi học tại Học viện Phật giáo ở Q.Phú Nhuận, nhưng tuần nào Nguyện cũng dành ra 3 buổi, 6 – 8 giờ tối, để đi dạy chữ, dạy Anh văn miễn phí. Nhiều em nhỏ cũng tìm đến lớp học để được Nguyện giải thích những kiến thức mà khi học ở trường các em chưa hiểu.

Thời gian qua, Nguyện đã vận động thêm 9 thanh niên theo học lớp phổ cập của quận. Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm của mình, Nguyện đã dành hỗ trợ học bổng cho 2 thanh niên khó khăn và mua dụng cụ học tập cho 5 em thiếu nhi trong khu phố.

Nguyện xúc động khi kể về trường hợp của em Nguyễn Ngọc Châu, cha của em phạm pháp, mẹ em không thể nuôi nổi 3 chị em Châu cùng ăn học, Châu đành gác lại giấc mơ đi học khi vừa đậu vào lớp 10. Hiểu được hoàn cảnh của Châu, Nguyện đã động viên mẹ Châu cho em đi học bổ túc, hiện giờ em đang học lớp 11 và là phó bí thư chi đoàn KP1. Ngoài ra, Nguyện còn tham mưu với Ban Công tác Mặt trận KP11 tặng Châu một xe đạp để tiện việc đi lại.

Điều trăn trở của Nguyện hiện nay là trụ sở dạy học đã bị thu hồi lại. Do đó, Nguyện phải tìm trụ sở mới tại KP2 nhưng còn thiếu thốn bàn ghế, khó khăn cho việc giảng dạy. Cô rất hy vọng trong thời gian tới các ngành cấp ở địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ Nguyện hoàn thành ước nguyện của mình.

Khi được hỏi có khi nào vì bận đi tìm kiếm sự nghiệp, lo cho gia đình riêng mà Nguyện từ bỏ những việc đang làm không, cô cho biết cho dù đi làm ở đâu, thì điều kiện đầu tiên là phải phù hợp để cô có thời gian làm công tác xã hội.

Nguyện đang nộp đơn xin công tác ở UBND phường để có điều kiện tiếp tục gắn bó chăm lo cho người nghèo trên địa bàn. “Làm những việc tốt đó, Nguyện thấy nhiều người vui nên càng thấy vui, lại càng muốn làm nhiều hơn nữa”. Với nhiều bà con nghèo, mỗi lần nhắc đến cô, mọi người thấy Nguyện đã sống đúng với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho cô: Phạm Như Nguyện.