Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Đặc sắc mô hình vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”

Đặc sắc mô hình vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”

3251

Kiệt tác được cấu trúc một cách đặc biệt theo tinh thần của văn hoá trào tiếu dân gian là xây dựng những tình huống “ngược” và “lạ”. Một người vợ Thị Kính hiền ngoan, đảm đang, yêu chồng lại bị vu oan thành kẻ giết chồng…

Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” toả sáng vào bầu trời văn hoá Việt Nam đã mấy thế kỷ, làm mê đắm, thổn thức hàng triệu trái tim bao thế hệ bởi được thu nhận những ý nghĩa nhân văn tận thiện, tận mỹ. Bởi được xây cất bằng vật liệu tư tưởng về con người của văn hoá dân gian, văn hoá Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo nên đa dạng, nhiều vẻ về cấu trúc hình tượng. Bởi được khúc xạ và tích hợp từ nhiều nguồn mỹ học nên đa nghĩa và phát ra những ánh sáng văn hoá lạ, độc đáo.

Kiệt tác được cấu trúc một cách đặc biệt theo tinh thần của văn hoá trào tiếu dân gian là xây dựng những tình huống “ngược” và “lạ”. Một người vợ Thị Kính hiền ngoan, đảm đang, yêu chồng lại bị vu oan thành kẻ giết chồng.

Cái nguyên cớ bên ngoài là “hiểu nhầm” nhưng sâu xa bên trong là tính cách yếu nhược, nông cạn của người chồng học trò Thiện Sỹ, là tính cách gia trưởng, độc đoán của “nhà chồng” Sùng Ông Sùng Bà cay nghiệt thiếu nhân tính. Giả trai đi tu lại bị vu “mượn màu thiền dở thói mưa mây” mà có con với Thị Màu. “Lạ” ở chỗ Thị Kính “đành chịu tiếng thế tình mai mỉa” mà chịu “phận nữ nhi khôn đường phải trái”, “oan thì oan cũng chẳng nói sao”.

Nàng cam chịu, nhẫn nhục, vừa đáng thương, vừa đáng trách. Bên cạnh Thị Kính, nạn nhân của tục quyền, thần quyền, thiếu cá tính, dân gian đặt Thị Màu phơi phới một tâm hồn khoẻ khoắn mạnh mẽ. Cũng là cái “lạ đời”…

Hai nhân vật đối lập nhau để bật ra cái khát khao xuân tình, cái hừng hực táo bạo đến liều lĩnh của tâm hồn đòi được yêu thương. Từ cái nền “ngược” và “lạ” này, dân gian đã tài tình xây cất một tòa lâu đài nghệ thuật, trong đó nhân vật cũng đều “ngược” và “lạ”.

Là sự hợp lưu ánh sáng từ quan niệm lành mạnh, khoẻ khoắn, táo bạo của dân gian; quan niệm từ bi hỷ xả của đạo Phật; từ cái nền nếp khắt khe của Nho giáo nên tác phẩm đã tạo ra những cuộc đổi ngôi nhân vật ngược đời mà vẫn hợp lý. Trong đó nhân vật Thị Kính bị “lộn ngược” một cách triệt để nhất, đau đớn nhất. Bi kịch cuộc đời nàng lại có nguyên nhân khởi đầu là lòng tốt, là tình vị tha.

Tại sao Thị Kính tốt, hiền lành cam chịu như thế mà bị oan, mà oan thảm, oan hai, ba lần? Hạt nhân hợp lý ở đâu? Cái ý bật thoát ra thật sâu sắc: Trong cái xã hội đầy tai ương, đầy mâu thuẫn, phi lý như thế thì người tốt, cái tốt không tồn tại được. Mà muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại thì phải thay đổi cả cái xã hội ấy. Đó là việc không thể.

Dân gian biết rõ thế. Mà người tốt cái tốt thì rất cần phải có, nên dân gian đã làm một cuộc hoán vị thân phận mà đổi ngôi cho họ. Đó cũng là một cách trốn tránh cái phi lý ở đời. Thế nên mới thấy tại sao Thị Kính dễ chấp nhận nỗi oan, cái tiếng than của nàng cũng yếu ớt, và chỉ cất lên ít lần, một lần than với mẹ đẻ, hai lần than với cha đẻ (Oan con lắm, mẹ/cha ơi!), một lần than với làng (Trình lạy làng, oan kẻ tu hành này lắm!), một lần than với Sư cụ (Oan con lắm, thày ơi).

Cũng không nhiều lần Thị Kính “độc thoại nội tâm” (hát sử rầu, vãn láy): “Oan này nhẫn chịu, thác rày thời thôi!”. Tức chấp nhận nỗi oan đến hết đời, đến chết, cũng tức là chấp nhận sự đổi ngôi thân phận. Từ kiếp gái bị đổi thành kiếp trai rồi kiếp tu hành rồi bị đổi về kiếp đàn ông và kiếp làm cha. Cuối cùng mới được đổi thành kiếp Phật.

Đây vừa là quan niệm nhà Phật “Đời là bể khổ trầm luân!” nhưng cũng là quan niệm “hoá kiếp” nhân ái của tín ngưỡng tình thương (với người Việt trước khi giết con vật gì dù nhỏ cũng nói câu Hóa kiếp mày thành kiếp khác!). Đời người khổ quá nên dân gian “hoá kiếp” cho nhân vật để được sống sung sướng hơn. Quan niệm “Ở hiền gặp lành” trong văn hoá Việt đã gặp gỡ tinh thần “cứu độ” Phật giáo để cùng đưa Thị Kính hóa thân thành Quan Âm trong vòng hào quang thánh thiện của tình người.

Thị Mầu cũng đổi ngôi từ phận nữ nhi con nhà giàu nõn nà xuân tình thành phận gái chửa hoang kinh hoàng, rồi kiếp làm mẹ tủi phận. Từ tính cách trong sáng (lên chùa cầu Phật) đến lẳng lơ (với Tiểu Kính) liều lĩnh ngược đời với “tình yêu” kẻ đi ở (anh Nô), đáo để bất chấp (với làng) rồi trắng trợn (với Tiểu Kính và Sư cụ) là một quá trình nổi loạn của một tính cách chống phá mãnh liệt.

Một mình cô Thị Mầu chống lại cả một xã hội nặng nề ngột ngạt của sự hà khắc cai trị bởi chính quyền, thần quyền, tục quyền… Cô “đổi ngôi” để chống lại, hay vì chống lại mà bị đổi ngôi, cũng là một vấn đề triết học nhân sinh cần bàn sâu. Cũng cần lý giải tương tự, Thị Mầu đáng thương hay đáng trách, đáng giận…?

Nhưng không ai phủ nhận Thị Mầu là một biểu hiện sức sống rờ rỡ, mãnh liệt, đầy cá tính khát khao đổi thay. Đây đích thực là hình tượng nghệ thuật bởi sự vươn lên khỏi cái tầm thường nhợt nhạt. Nó sẽ mãi vĩnh cửu bởi vẻ đẹp, bởi sự đa nghĩa. Thị Kính chủ yếu đối thoại với chính mình, với phận mình còn Thị Mầu đối thoại với cả xã hội, với cả kiếp người. Đối thoại đã tạo ra tầm cỡ hình tượng. Dễ hiểu người đời sau nhắc nhiều đến Thị Mầu hơn là Thị Kính!

Lại có nhân vật được đổi ngôi thân phận từ thấp lên cao. Mẹ Đốp thông minh sắc sảo bao nhiêu thì xã trưởng lại ngu si lố bịch bấy nhiêu. Là vợ của mõ chứ không hẳn là mõ, tức không hề có địa vị gì, thân phận thấp nhất rồi, thế mà “đổi ngôi” thành thầy dạy của Xã trưởng (quyền lực cao nhất làng), sai bảo, bắt bẻ, đe nẹt Xã trưởng, thậm chí còn “đẻ” ra cả Xã trưởng. Đó chẳng phải là một biểu hiện rất đẹp và hợp lý về cái khát khao vươn lên trên quyền lực, sai bảo, chi phối, làm chủ quyền lực của nhân dân lao động đó sao?

Đó là sự mỉa mai quyền lực (thứ quyền lực phản động nằm trong tay kẻ có quyền hành) của người lao động. Trước sức sống phồn sinh phồn thực mạnh mẽ của dân gian thứ quyền lực ấy cũng thật ốm o thảm hại, cũng chỉ là thứ đáng vứt đi mà thôi!

Nhân vật quan lại, cường hào, nhà giàu được miêu tả theo nguyên tắc “thiểu năng” cả ngoại hình lẫn nhân cách. Đó là những nhân vật cụ Đồ điếc, Hương câm, Thầy mù…nhưng lại có quyền quyết định số phận, nhân cách con người (Thị Mầu, Thị Kính). Loại nhân vật này đã bị dân gian vật hoá thảm hại. Là kẻ có quyền mà lại kêu be be như dê (nhân vật Hương câm), là kẻ có oai quyền ngồi trên vai vế người khác, giữa chốn đình làng lại bị kẻ khác ngồi lên vai mình (thầy đồ mù ngồi nhầm lên vai cụ Đồ điếc!)… Rồi các quan “thực…sở thị” bằng cách “sờ” bụng Thị Mầu…Thế là tất cả đều “lộn ngược”!.

Tình huống bị lộn ngược, nhân vật bị đổi ngôi nên ngôn ngữ cũng cùng nằm chung hệ mỹ học ngược này. Thậm chí còn rõ ràng hơn, tiếng cười nhiều hơn, sắc sảo, cụ thể hơn. Ngôn ngữ “dân ngu khu đen” bỗng trở thành minh triết, sáng láng khác thường. Anh cu mõ cũng “trẩy tỉnh lĩnh bằng” (sự thực là đi hầu cụ Bá lĩnh bằng). Vợ mõ ra đình dõng dạc tuyên bố: “Nghề ăn nói tôi vào trang đúng mực”…

Còn khẳng định mình là “tiên chỉ” làng, dẫn đầu làng, nắm quyền phân xử ổn định của làng, tức có địa vị cao nhất: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái là tôi lên trước bảo…”. Mẹ Đốp tự xưng mình là “trang” (trang anh hùng), tức đấng bậc mà mọi người phải vị nể… “Minh triết” ở đây là Mẹ Đốp nói gì cũng đúng , hợp lý cả, không ai bắt bẻ được: “Dù việc sinh hay là việc tử/ Mọi hiệu lệnh một tay tôi nắm giữ …”.

Đó là tiếng cười dân chủ, tiếng cười không biết sợ. Nhân dân lao động đã gửi vào ngôn ngữ Mẹ Đốp (một hình thức của ngôn ngữ hề chèo) khát vọng công bằng. Chỉ có trên sâu khấu chèo người dân nghèo nhất mới có thể sai khiến được kẻ cường hào, bắt chúng làm kẻ đầy tớ. Tiếng cười của hề san phẳng các ngăn cách đạo lý, luân lý để đưa tất cả trở về với sự tự do tuyệt đối. Trái ngược hẳn với tính minh triết này, ngôn ngữ bọn quan lại cường hào luôn bị đặt trong xu hướng “rối loạn”, sa vào tình trạng nhại, nhầm lẫn.

Thế nên tất cả đám nhân vật này đều bị “mất ý thức”. Trong đối đáp với Mẹ Đốp, nhân vật Xã Trưởng bị lép vế đến mức nói gì cũng sai cả, lão ta chống chế lại bằng tiếng quát vô hồn “Láo!”, “Chỉ láo!”, “Con mẹ này chỉ láo”… Tiếng “láo” bị lặp tới 10 lần nói lên tính chất cơ giới, máy móc của nhân vật…

Đậm đà một tinh thần nhân văn, khát khao một tinh thần dân chủ, cháy bỏng một khát vọng yêu và được yêu, sâu sắc một tinh thần nữ quyền, vở chèo là một viên ngọc văn hoá toả sáng vào cả tương lai góp phần làm rạng rỡ thêm bản sắc Việt.

Nguyễn Thanh Tú