Trang chủ Người thời nay Đại đức Thích Minh Hiền: Hãy cởi bỏ mọi tâm trạng đan...

Đại đức Thích Minh Hiền: Hãy cởi bỏ mọi tâm trạng đan xen khi đi lễ chùa

167

Trao đổi với VietNamNet nhân dịp Năm mới, Đại đức Thích Minh Hiền, Phó Ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo VN, Trụ trì Chùa Hương, tỉnh Hà Tây nhấn mạnh đến hai chữ “tùy duyên”. 


“Tính tùy duyên ở Phật giáo là luôn đồng hành cùng dân tộc, tính nhập thế của đạo Phật, ở mọi quốc độ, mọi thời đại. Chính vì thế, Phật giáo có phương châm “Đạo pháp dân tộc và thời đại”.


“Đất nước ta năm nay đang đứng trước những vận hội to lớn phát triển kinh tế. Nhưng điều quan trọng là làm sao để sự phát triển ấy không bị lệch”, Đại đức Thích Minh Hiền nói.


Cân bằng phát triển kinh tế và văn hóa


Thưa Đại đức, trong xã hội văn minh, hiện đại, làm thế nào để giữ gìn đời sống văn hóa, đời sống đạo cho con người được cân bằng?


Hiện nay, với xu thế hội nhập, người ta thường hiểu một chiều: chỉ hội nhập phát triển kinh tế mà quên phát triển văn hóa, quên phát triển đạo đức, quên phát triển giáo dục. Như thế là phát triển lệch.


Trong cơ thể con người, có nhiều thành tố, có nhiều chi, anh không thể đứng bằng một chân, không thể chỉ phát triển một chân được.


Chính vì thế, ở mọi thời đại, Phật giáo luôn đóng vai trò cân bằng lại.


Chúng ta hiện cho phép mở nhiều lễ hội, nhưng đầu tư vào văn hóa lễ hội thì lại không có, rất ít. Chúng ta chỉ tìm cách lấy trên cơ thể sống của nó những gì đem lại cho chúng ta lợi ích kinh tế. Di tích lịch sử ta biến thành địa điểm du lịch, như thế tức là lấy hết phần hồn của di tích.


Đấy chính là điều chúng tôi rất lo. Ở nhiều địa điểm du lịch, người ta chỉ đến một lần thôi. Nhà chùa thì không làm du lịch, làm kinh tế được, nhưng để có một lễ hội Chùa Hương đều đặn như vậy, kéo từ năm này qua năm khác, nhìn từ góc độ du lịch thì tại sao không ai dám nói rằng nhà chùa làm du lịch giỏi, nhưng mà có đấy.


Nhà chùa không chỉ bây giờ mới làm mà làm từ mấy trăm năm nay rồi.


Người ta cần được giáo dục về văn hóa truyền thống từ khi còn rất nhỏ


Theo Đại đức, làm thế nào để vừa thu hút được khách thập phương đến tham quan đền chùa, lại vừa bảo tồn được cảnh quan cũng như những giá trị văn hoá ?


Chúng ta là những người của thế hệ mới, như nhiều người vẫn nói, là thế hệ @, chúng ta phải làm sao giáo dục về truyền thống văn hóa của đất nước, tổ tiên ông bà. Cái gì là truyền thống bền chắc nhất ở đất nước Việt Nam? Nho giáo ư? Hay Thiên chúa giáo? Không phải. Mà là Phật giáo.


Thế nhưng người ta cứ e ngại, không dám lấy nó làm nền tảng cho con người phát triển.


Nếu như chúng ta biết phát huy văn hóa, đạo đức của Phật giáo trong cuộc sống xã hội hiện đại, chúng ta sẽ dễ dàng cân bằng mọi chuyện.


Vậy việc giáo dục về truyền thống văn hoá phải được tiến hành như thế nào?


Phải giáo dục cho trẻ nhỏ từ trong gia đình. Còn nhà trường thì khó đấy, bởi nhà trường vẫn e đó là giáo dục về tôn giáo. Nhưng thật ra đâu phải như vậy.


Có ai đến nhà chùa thì chúng tôi tạo mọi điều kiện để giúp. Chúng tôi không nặng về lý luận, mà chú trọng hành động (action). Có lẽ giữa nhà chùa và nhà trường chưa cảm thông hoặc chưa nhìn nhận đúng về nhau, mà vẫn bị ám ảnh bởi hai chữ tôn giáo.


Chúng tôi sẵn sàng đón các em nhỏ và tổ chức những giờ học ở chùa. Đương nhiên, nhà chùa không thể thực hiện mọi chức năng về giáo dục đối với một đất nước có 80 triệu dân như thế này. Bao giờ tôn giáo và chính trị đồng hành, bộ trưởng giáo dục đồng thời là một vị sư thì điều đó trở thành trong tầm tay, còn nếu không, chỉ là những cố gắng ở cục diện rất nhỏ, ở mức làng, xã thôi.


Ngay cả khi đi chùa, người VN vẫn giữ tâm trạng đan xen


Trụ trì một trong những ngôi chùa thu hút đông khách thập phương nhất đất nước mỗi dịp Xuân về, Đại đức nhận thấy tâm trạng của người đi hành hương như thế nào?


Con người trong xã hội hiện đại càng sống trong những building, những tower, nghe tiếng xe cộ rầm rập, càng quý những giây phút bình an ở một mái chùa làng, trong một thôn xóm hẻo lánh.


Nhưng thử hỏi mỗi người dành được bao nhiêu thời gian để sống những giây phút đó? Ít lắm. Chúng ta cứ tự nhốt mình trong những tòa nhà cao tầng.


Người VN, tiếng là có 2 ngày nghỉ cuối tuần, nhưng 2 ngày đó lại làm việc nhiều hơn đấy. Có ai dám thực sự nghỉ để mà chơi, để đi lễ, đi tham quan, thư giãn đâu. Người VN đầu tắt mặt tối 365 ngày, ngày nghỉ cũng vội vội vàng vàng, tranh thủ, phải mua sắm, lo việc nhà.


Nhưng khi đi làm thì tranh thủ đi chợ một tý, tạt chỗ này chỗ kia một tý, đó là tâm lý, là tư duy của người VN. Chúng ta không rạch ròi được như người phương Tây. Chính vì vậy, khi đi lễ chùa, người ta cũng vẫn mang tâm trạng đan xen đó.


Khi đó, nhà chùa chúng tôi lại có vai trò ổn định, cân bằng lại. Đáp ứng khát vọng về hạnh phúc, đó chính là tôn giáo.


Xin cám ơn Đại đức!