Trang chủ Tin tức Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ hy sinh tại huyện đảo...

Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ hy sinh tại huyện đảo Phú Quốc: Tri ân những người vì nước quên thân

60

Không chỉ những ngày gần đây, mà gần hai tháng nay những người dân Phú Quốc, trong bộn bề công việc vẫn hướng lòng mình về những chiến sĩ quân đội năm xưa đã anh dũng hy sinh. Hơn bốn chục năm rồi, hài cốt của họ nằm đâu khi kẻ thù vùi lấp tùy tiện, không để lại dấu vết?


Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã xả thân vì nghĩa lớn, nhân dân Phú Quốc cùng các tổ chức Phật giáo, Ban liên lạc Cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Công ty Phương Trang đã làm hết sức mình để tìm kiếm hài cốt, làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ.


Từ lần cầu siêu lần thứ nhất (ngày 19-10-2008) đến nay vừa đúng hai tháng mà các lực lượng đã tìm kiếm được 1076 hài cốt liệt sĩ. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo huyện Phú Quốc nói rằng: Có được kết quả quá lớn ấy phải kể đến sự tìm kiếm miệt mài, hiệu quả của Cựu chiến binh, Đại úy Vũ Thị Minh Nghĩa (chị Năm Nghĩa). Trong suốt những ngày ấy chị đã lặn lội tìm kiếm cùng cán bộ, chiến sĩ đội K92 (Quân khu 9) và các Cựu chiến binh vượt mọi khó khăn, vất vả, không quản nắng mưa…


Mọi công việc tìm kiếm, tổ chức cất bốc trên hòn đảo xa phía Tây Nam Tổ quốc khó khăn và tốn kém rất nhiều. Lòng hảo tâm của cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Công ty Phương Trang đã góp phần khắc phục nhiều khó khăn trong suốt hai đợt tìm kiếm và tổ chức lễ cầu siêu. Tại lễ cầu siêu này, hai nhà hảo tâm còn trao cho Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Quốc 300 triệu đồng xây 30 nhà tình nghĩa, tặng 30 sổ tiết kiệm cho người nghèo và 50 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.


Đại lễ cầu siêu diễn ra thực sự trang trọng, hoành tráng, thể hiện sự tôn nghiêm và công phu của giới Phật giáo nước nhà. Đại đức Thích Thanh Phong, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Phó ban tổ chức Đại lễ cầu siêu cho biết:


– Chúng tôi xác định đây là công việc lớn trong năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, toàn bộ các Đại đức, tăng ni và một số phật tử của Tổ đình Vĩnh Nghiêm được huy động vào thực hiện công việc này. Theo tín ngưỡng dân tộc, trước khi đại lễ cầu siêu, chúng tôi đã tổ chức lễ triệu linh rất chu đáo ngay mép biển. Công việc này còn phối hợp chặt chẽ với Phật giáo Nam tông Khơ-me, thể hiện đậm nét tín ngưỡng địa phương.


Tại đây, mọi người còn dành những tình cảm trân trọng cho các cựu chiến binh đã từng bị kẻ thù giam cầm, tra tấn tại Nhà tù Phú Quốc. Họ từ mọi miền Tổ quốc về đây, tuổi trên dưới sáu mươi. Có người trở lại Phú Quốc nhiều lần, có người mới lần đầu về lại nơi đây, song ai cũng bồi hồi, xúc động.


Vợ chồng anh Nguyễn Dương Kế không nén nổi xúc động khi gặp lại người bạn tù cùng vượt ngục năm xưa – Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đồ. Anh Đồ từ Kim Thành, Hải Dương vào đây. Anh nói trong nước mắt: “Ai chẳng muốn vào thăm . Nhưng nhà mình nghèo quá, không thể đi được. May lần này Công ty Cổ phần Đồng Đội Việt Nam lo cho tôi”…


Nắm chặt tay anh Đồ, anh Kế nói với chúng tôi:


– Đúng ngày này 37 năm trước (20-12-1971), tôi bị tòa án binh Ngụy tuyên án tử hình, còn Đồ thì chung thân. Chúng tôi đều được anh em trong tù cử ra giết tên chỉ điểm. Sau khi tuyên án (2 án tử hình, 2 án chung thân), chúng nhốt 4 anh em vào Cô-nét (thùng sắt kín). May mà đáy thùng gỉ sét, chúng tôi đục ra rồi vượt ngục. Tôi là tổ trưởng phân công kế hoạch vượt ngục rất chặt chẽ. Tôi chui ra trước, còn Đồ khỏe hơn phải ra sau, có trách nhiệm xóa dấu vết và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh khi địch phát hiện. Cuối cùng Đồ đi lạc đội hình, bị địch bắt, tra tấn dã man, giam ở Chí Hòa, Côn Đảo. Năm 1974, Đồ mới được trao trả. Còn ba anh em tôi ở lại Vĩnh Long chiến đấu. Hai đồng đội sau này đã hy sinh.


Anh nhìn sang chị Mỹ Quyên:


– Tôi quê Nam Định. Bà xã nhà tôi là người Vĩnh Long đó!


Trong số cựu tù ra Phú Quốc lần này còn có vợ chồng các anh Nguyễn Đức Thắng, Trần Huy Tấn. Chị Lê Thị Ngọc Đào (vợ anh Trần Huy Tấn) rất vui không chỉ vì lần đầu được đến Phú Quốc mà còn vì ai cũng khen chồng chị khỏe mạnh, không tin nổi. Trước khi vào tù Phú Quốc, anh bị đạn kẻ thù găm vào sọ não, mất một mắt; đạn xuyên qua ngực, trong khuỷu tay vẫn còn viên đạn mà anh bước phăm phăm, giọng nói thật khỏe. Năm 1972, là con duy nhất của liệt sĩ, anh phải chích máu viết đơn tình nguyện mới được nhập ngũ vào chiến trrường. Tuy là thương binh nặng nhưng hiện nay anh vẫn làm tổ trưởng dân phố phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và là Phó giám đốc Công ty CP Đồng Đội Việt Nam.


Tại Đại lễ cầu siêu còn có những cuộc gặp gỡ xúc động giữa những cựu tù cùng vượt ngục. Có người từ các tỉnh vào, gặp người ở lại Phú Quốc chiến đấu và lập nghiệp. Đó là anh Lê Xuân Cát, quê Hưng Nguyên, Nghệ An với các anh Lê Việt Anh, Nguyễn Ngọc Toản. Các anh cùng vượt ngục thành công năm 1969. Anh Cát bị thương vào sọ não, sau giải phóng về quê rồi lại đưa gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp. Anh Toản và anh Việt Anh ở lại chiến đấu rồi gắn bó với Phú Quốc cho đến ngày nay.


Anh Cát còn gặp lại bạn chiến đấu Phạm Văn Mận. Anh Mận đang là chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc. Anh vui mừng nói với các đồng đội cũ và cũng là nói với chúng tôi:


– Thời gian qua, cả Phú Quốc dấy lên phong trào tìm hài cốt liệt sĩ. Hội CCB chúng tôi hưởng ứng tích cực với vai trò tư vấn rất hiệu quả. Chúng tôi coi đây là đạo lý, tình cảm và trách nhiệm.


Anh Toản ngậm ngùi nói:


– Cùng vượt ngục với tôi còn có những đồng đội sau đó chiến đấu hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mỗi lần làm lễ này tôi cảm thấy vong linh các đồng đội đã được siêu thoát. Nói như đạo Phật thì các đồng đội được an ủi về tinh thần, thảnh thơi trong pháp giới vô biên.


Suy nghĩ của anh có lẽ đồng cảm với các đồng đội và bà con dự Đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ.