Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Dâng tặng thân xác cho đời

Dâng tặng thân xác cho đời

76

Khi còn sống trên cuộc đời này, mỗi người trong chúng ta luôn cố gắng làm việc thật chăm chỉ để có một cuộc sống đầy đủ và sung túc. Ở mỗi thời điểm ta lại có những nhu cầu khác nhau, nếu như trước đây là ăn ngon mặc ấm thì ngày nay nhu cầu tăng lên phải là ăn ngon mặc đẹp.

Con người cứ sống mãi trong vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền và tìm kiếm những thú vui để đáp ứng nhu cầu của cá nhân. Thời gian cứ mãi trôi rồi tới một ngày chợt nhận ra rằng mình không thể trẻ mãi và tuổi già bắt đầu gõ cửa từng người.

Lúc này chúng ta cảm thấy lo lắng, bất an và nghĩ về mọi việc sau đó sẽ như thế nào. Một vài suy nghĩ xuất hiện trong đó có việc hiến tặng thân xác cho giới khoa học nghiên cứu, hay tặng bộ phận thân thể cho người sống.

Chúng ta thường hay lo lắng khi sắp lâm chung, hiến tặng thân xác có thể mất đi chánh niệm, không còn nhất tâm bất loạn; thậm chí sẽ đọa lạc nơi ba đường ác đạo. Đây là suy nghĩ của hầu hết chúng sinh nhưng những cách suy luận này không có căn cứ và không dựa trên nguyên tắc nhân quả nào.

Họ cho rằng người hiến tặng thân xác nhất định sẽ khởi tâm sân hận nghiêm trọng rồi đọa lạc. Song nguyên lý thọ báo của Phật giáo là khởi hoặc tạo nghiệp mới bị đọa lạc; việc tôi hiến tặng thân xác không tạo ác nghiệp mà ngược lại tạo ra thiện nghiệp, thì tại sao tôi bị đọa lạc?

Trên thực tế có thể nói thân thể thuộc quyền sở hữu của tôi, giống như tài sản của tôi vậy. Cũng như vậy nếu tôi muốn làm việc bố thí, đầu tiên phải xem ý nguyện của tôi. Giả sử tôi không có ý nguyện đem tài sản của mình cho quý vị nhưng bị quý vị cướp giật, khi đó tôi nóng giận ra tay giết hại quý vị thì lúc này tôi có thể bị đọa vào địa ngục. Việc bố thí thân thể cũng vậy, có thể chấp nhận hay không là do tâm trí của quý vị quyết định.

Đầu tiên chúng ta thử suy nghĩ xem khả năng của ta đến đâu và nên chuẩn bị tâm trí như thế nào, có bị đọa lạc hay không, không phải ở nơi hiến tặng thân xác, mà ở nơi tâm trí này.

Chúng ta phải thừa nhận rằng bất cứ vật gì trong vũ trụ này đều không thuộc quyền sở hữu ta. Ngay cả thân thể này cũng vậy, nó chỉ là tạm thuê, khi đến kỳ hạn thì phải hoàn trả. Nhưng chúng ta thường cho rằng ở lâu thì “ăn mày đuổi thần miếu” và lấy đó là của mình, giống như Phật giáo gọi đó là “chấp ngã”, thật ra thân thể này không phải là của ta.

Do đó, “hiến tặng thân xác” kỳ thật là “hoàn trả thân xác”. Vì thân “tứ đại” là của tự nhiên, chúng ta chỉ tạm thời bảo quản có thời hạn. Bảo quản lâu rồi thì lại muốn chiếm làm của riêng, giống như “khách trọ giành quyền làm chủ”.

Để có thể thuê được thân thể này quả không dễ dàng. Vì có những chúng sanh phải mượn đến thân kiến, thân rắn, thân trâu, thân ngựa v.v… để sinh sống. Vậy nên thân người khó được, mà thân thể này đang ở nơi có Phật pháp; không phải ở Châu Phi, cũng không phải ở khu chiến loạn, cũng không phải trong rừng nguyên thủy New Guinea. Có được điều kiện thuận lợi như vậy, được ở nơi đẹp và sạch sẽ thế này, lại khiến cho thân thể mỗi ngày khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ khổ, tự làm phiền phức chính bản thân mình và người khác, khách trọ này thật là quá xấu xa.

Cho đến một ngày, nơi ở quý vị thuê đã đến kỳ hạn phải hoàn trả, khi đó cả căn phòng sẽ bị phá hủy. Nếu như lúc ấy có người đến và nhặt lại những thứ còn có khả năng sử dụng, vậy thì hãy cứ để những thứ ấy tiếp tục phát huy tác dụng, nó sẽ mang lại nhiều giá trị tốt đẹp.

Nếu như tất cả chúng ta có được tâm niệm này, là trợ duyên cho vãng sanh, vì ta đã có sự chuẩn bị nên được vãng sanh rất nhanh chóng. Đã đưa cho người khác thì hãy vui vẻ thoải mái ra đi. Có những người quyến luyến thân thể, khế ước thời gian quy định hoàn trả tới, chủ nhà đến đuổi mà còn nấn ná chưa chịu dời đi. Hoặc là nhớ nhung níu kéo, nhất định phải gặp được người thân cần gặp mới chịu.

Chỉ cần có tâm nguyện, tâm bồ đề bố thí thì tôi cho rằng đó thật sự là một trợ duyên chân chánh. Ý thức hôn trầm hoặc trạng thái hôn mê không đồng nghĩa là ác niệm, không chánh niệm.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý trong quá trình phân giải của tứ đại lúc lâm chung, tuy có hiện tượng ý thức hôn trầm hoặc hôn mê nhưng không kết luận họ nhất định không có chánh niệm.

Khi đức Phật còn tại thế, có một vị trưởng giả thưa ngài: “Bình thường con có thể giữ gìn chánh niệm, vì còn biết nghĩ về đức Phật. Nhưng lúc con đem binh đi đánh giặc, hy sinh ở chiến trường, hoặc giữa đường gặp tai nạn, chết ngoài ý muốn, lúc đó con có chánh niệm không?”

Đức Phật dạy: không nên lo lắng, mỗi người sẽ theo niệm lực và tập quán riêng khi còn sống của mình mà ảnh hưởng đến lúc đó.

Đức Phật đưa ra ví dụ, một cái cây bình thường khi lớn lên hướng về phía tây, thử hỏi cái cây này khi ngã xuống nó sẽ hướng về hướng nào? Nhất định sẽ là hướng tây. Tâm niệm của ông bình thường đều hướng về điều thiện, về giác ngộ, trong bất cứ tình huống nào, thì sự phản ứng sẽ tự nhiên hướng về điều thiện, về giác ngộ.

Không nên cho rằng tỉnh táo thì đều hướng về thiện pháp, rất nhiều việc xấu cũng là từ trong tỉnh táo mà ra. Khi tỉnh táo không nhất định đều là chánh niệm, khi ý thức hôn trầm hoặc hôn mê không nhất định đều là ác niệm. Khi quý vị la mắng người khác đều là lúc tỉnh táo, không có ai lúc đang ngủ mà la; rất nhiều việc ác, pháp ác đều ở lúc rất tỉnh táo mà ra.

Ý thức hôn trầm hoặc trạng thái hôn mê cũng không đồng nghĩa là ác niệm, không chánh niệm, quý vị không nên lấy quan niệm này mà tùy ý luận đoán người chết có chết tốt không, đó là không có căn cứ.

Nhân vì trong lúc vận hành của nội tâm, chỉ cần người đó có tâm, thì sẽ có khả năng thành tựu thiện pháp. Có ít người lúc lâm chung khi còn hơi thở cuối cùng, kiên trì muốn hoàn thành một một việc tốt. Đặc biệt ở chiến trường, thân thể của họ có thể bị trúng bom đạn, mất rất nhiều máu, toàn thân không thể cử động, nhưng vẫn xung phong hy sinh thân mình để cứu đồng đội.

Một số bộ phim nổi tiếng nói về đề tài chiến tranh đã xây dựng hình ảnh này rất rõ và tràn đầy cảm xúc. Họ đã sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để hoàn thành sứ mạng được giao. Nội tâm chúng ta cũng vậy, tuy tứ đại đã phân giải rồi nhưng niệm cuối cùng vẫn là niệm Phật.

Quán Như dịch trong tác phẩm "Niệm Phật tam muội" của pháp sư Huệ Mẫn hiệu trưởng đại học Pháp Cổ Sơn Đài Loan