Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Đầu xuân ở chùa làng

Đầu xuân ở chùa làng

338

Đây còn là không gian để người dân mặc đồ đẹp chụp ảnh lưu niệm trong năm mới, mà còn là nơi người dân cả Kinh lẫn Thượng hòa chung nhịp sống để cùng vươn lên mỗi ngày.

Nhiều người dân tại vùng đất Yaly huyền thoại đã không còn lạ lẫm với tiếng chuông chùa vang lên đầu năm mới ở đây nữa. Từ khi chùa Phước Lâm được xây dựng, đây còn là không gian để người dân mặc đồ đẹp chụp ảnh lưu niệm trong năm mới, mà còn là nơi người dân cả Kinh lẫn Thượng hòa chung nhịp sống để cùng vươn lên mỗi ngày.

Chính điện được lợp bằng mái tôn, nhưng cây cột được xây bằng gạch và không tô trát, toát lên vẻ đơn sơ mộc mạc.

Chính điện chùa Phước Lâm.
Chùa Phước Lâm là ngôi chùa mới được thành lập và xây dựng, chính điện được lợp bằng mái tôn, nhưng cây cột được xây bằng gạch và không tô trát, toát lên vẻ đơn sơ mộc mạc. Ngôi chùa nằm giữa những vườn cây cà phê bốn bề đang mùa hoa nở đầu xuân. Hương thơm hoa cà phê hòa trộn với mùi hương trầm khiến nhiều người ngây ngất.

Những ngày đầu năm mới Tân Sửu, hàng ngàn người dân ở thị trấn Yaly, cùng các xa Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Ia Phí… của huyện Chư Păh (Gia Lai) lại tìm về ngôi chùa này để tịnh tâm, cầu an, cúng Phật. Bà Trần Thị Thêu, phật tử của chùa Phước Lâm chia sẻ: “Từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, khi nhà máy thủy điện Yaly bắt đầu được chuẩn bị khởi công, thì hàng chục ngàn công nhân xây dựng thủy điện đã về với vùng đất đầy nắng và gió với ngọn thác Yaly huyền thoại, nơi dòng sông Sê San luôn tuôn trào mang theo màu phù sa bazan. Vùng đất này đã tạo nên những dòng điện hòa vào lưới điện 500kv Bắc Nam. Khi công trình hoàn thành vào năm 1998, có rất nhiều người đã ở lại và sống cộng cư với cư dân Jrai bản địa, tạo nên tình đoàn kết Kinh – Thượng bền chặt mấy mươi năm qua”.

Đầu xuân đi lễ chùa.

Tuy nhiên, hàng chục ngàn người dân ở đây lại không có một ngôi chùa để bày tỏ lòng thành kính, cũng như mang đến những niềm an ủi về tinh thần. Và rồi, đầu tháng 03/2019, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Chùa Phước Lâm (thị trấn La Ly, huyện Chư Păh). Ngôi chùa hình thành đã thay đổi tập quán sinh hoạt trong đời thường cũng như trong dịp Tết của người dân địa phương.

Sư Cô Thích Nữ Tịnh Tâm, trụ trì Chùa Phước Lâm cho biết Chùa Phước Lâm là cơ sở Phật giáo vừa được hình thành cách đây hơn chỉ hơn 2 năm ở thị trấn Yaly (huyện Chư Păh, Gia Lai). Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Kinh sống quần cư với người Jrai bản địa.

Khuôn viên của chùa Phước Lâm dù còn khá khiêm tốn nhưng vẫn sạch sẽ.

Chùa mới được xây dựng, nguồn cây xanh còn hạn chế nên các Ni trong chùa phải vất vả chăm sóc từng ngày.

Giống như hầu hết các địa phương ở miền Trung – Tây Nguyên, người dân cả Kinh lẫn Thượng ở quanh đây mỗi khi đến chùa không chỉ mỗi cầu an cho bản thân và gia đình, mà còn chung tay làm công quả phật sự, cùng chung tay giúp đỡ mọi người trong cộng đồng vượt qua khốn khó, vượt qua những nỗi ưu phiền trong cuộc sống để từng ngày từng giờ sống tốt đẹp hơn như lời Phật dạy.

Sư Cô Thích Nữ Tịnh Tâm (giữa) cùng Ban Hộ Tự.

Cũng trong thời điểm nhận quyết định thành lập Chùa Phước Lâm, Sư Cô Thích Nữ Tịnh Tâm cùng Ban Hộ Tự cũng vui mừng cùng chư Ni và Phật tử cung tạo đại hồng chung. Chuông trong vườn chùa do một Phật tử người địa phương phụ trách gióng lên từng hồi. Giữa mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió, tiếng chuông chùa hòa lẫn với gió đại ngàn vi vui và vang vọng, hòa trộn với tiếng sóng của dòng Sê San hùng vĩ và ngan ngát hương thơm hoa cà phê nở trong mùa xuân, càng khiến nhiều người ngây ngất.

Chuông trong vườn chùa do một Phật tử người địa phương phụ trách gióng lên từng hồi.
Chuông trong vườn chùa Phước Lâm.


Dù mới được thành lập, mới được xây dựng và khuôn viên chùa vẫn còn cần nhiều sự bổ sung, xây dựng, nhưng Sư Cô Thích Nữ Tịnh Tâm cùng Ban Hộ Tự chùa Phước Lâm vẫn luôn tâm niệm phát tâm hoằng pháp độ sanh tại vùng sâu vùng xa của vùng đất này. Mong rằng các công tác xây dựng chùa và Phật sự tại địa phương ngày càng phát triển làm lợi ích cho nhân dân xa gần.


MINH NGỌC/TẠP CHÍ THỜI ĐẠI