Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy con từ thuở còn thơ

176

Ràhula là cậu bé thông minh nhưng khá tinh nghịch. Rahula xuất gia khi tuổi đời còn quá nhỏ, sống giữa một Tăng chúng gồm nhiều bậc trưởng thượng lại được tiếng con trai Phật, nên được nhiều người thương quý mà để cho tự do tinh nghịch theo lối trẻ con.


Mặc dù không sống chung, Đức Phật rất quan tâm từng lời ăn tiếng nói có vẻ đùa nghịch của con trẻ Ràhula. Ngài biết thời để dạy dỗ và uốn nắn Ràhula từng bước trở thành người xuất gia xứng đáng.


Đáp lại, nhờ biết vâng lời nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ràhula đã tiến bộ nhanh chóng trong đời sống tu học và được Thế Tôn ngợi khen là đệ nhất về hạnh ưa thích học tập và tiến bộ.


Phần đầu nội dung bài kinh “Giáo giới La Hầu La ở rừng Am-ba-la”, Trung Bộ, nói lên tình phụ tử mà Đức Phật dành cho Ràhula và cách thức Ngài dạy dỗ vị Sa môn trẻ thơ này:


“Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Ambalatthika, chỗ Tôn giả Ràhula ở. Tôn giả Ràhula thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và sau khi ngồi, Ngài rửa chân. Tôn giả Ràhula đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.


Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Ràhula:


– Này Ràhula, Con có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?


– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


– Cũng ít vậy, này Ràhula, là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.


Rồi Thế Tôn, sau khi đổ đi chút ít nước còn lại ấy rồi bảo Ràhula:


– Này Ràhula, Con có thấy chút ít nước còn lại ấy bị đổ đi không?


– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


– Cũng đổ đi vậy, này Ràhula, là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.


Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Ràhula.


– Này Ràhula, Con có thấy chậu nước bị lật úp ấy không?


– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


– Cũng lật úp vậy, này Ràhula, là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.


Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả Ràhula:


– Này Ràhula, Con có thấy chậu nước này trống không không?


– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


– Cũng trống không vậy, này Ràhula, là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo.


Này Ràhula, ví như một con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi.


Ở đây, người nài nghĩ rằng: “Con voi của vua… dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, nhưng bảo vệ cái vòi.


Con voi của vua (như vậy) không quăng bỏ mạng sống (của mình)”. Này Ràhula, nhưng khi con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường, khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng vòi.


Ở đây, người nài nghĩ rằng: “Con voi của vua… dùng đuôi, dùng cả vòi. Con voi của vua như vậy đã quăng bỏ mạng sống của mình, và nay con voi của vua không có việc gì mà không làm”.


Cũng vậy, này Ràhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Ràhula, “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”, này Ràhula, con phải học tập như vậy”.