Trang chủ Văn hóa Đêm hội cội nguồn yêu thương

Đêm hội cội nguồn yêu thương

90

Tọa lạc giữa lòng Hà Nội trong một không gian khá hiếm hoi rộng 7.000 m2 với cây xanh tỏa bóng mát, với hoa cỏ và hồ nước trong xanh, nhà hàng Long Vĩ Thiên hoa viên cũng là điểm đến của những người yêu kính Đạo Phật và những người con hiếu nghĩa nhân mùa Vu Lan- Báo hiếu.

Tháng Ngâu chiều mưa tầm tã. Không thể chăng đèn kết hoa, trải lụa, không thể bày tiệc buffet ra được. Chỉ có Đức Phật vẫn ngồi bình thản dưới ướt đẫm nước mưa. Ban tổ chức tuy lo lắng nhưng vẫn còn biết cố cười gượng gạo và méo mó. Vậy mà các vị khách cũng không phụ chúng tôi. Trong hơn 600 khách chúng tôi chỉ biết chắc chắn có 3 vị Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về Hà Nội công tác, có giáo sư Việt Nam học từ Mỹ tới, có 2 họa sĩ- Phật tử nổi tiếng chuyên vẽ hoa sen và đề tài Mạn đà la, có những nhà giáo dục rất tên tuổi, những doanh nhân thành đạt, cả những sĩ quan quân đội và công an… Họ không quản bận bịu, đường ngập nước, kẹt xe, vẫn mang theo ô che, áo mưa, trật tự và hân hoan đổ về đêm lễ hội. Và thật là lùng: hơn 1 giờ trước khi lễ hội bắt đầu thì mưa chợt ngừng hẳn, và trăng ló lên rồi cứ mãi treo lơ lửng trên bầu trời vẫn còn vần vũ mây sũng nước. Phải chăng có sự cảm ứng của đất trời trước những tấm lòng thiết tha mong cầu?

Đêm hội bắt đầu bằng lễ Thỉnh sư. Đoàn Phật tử nâng lọng, bưng khay trầm, đèn nến, hoa tươi rước quí Thầy đi trên cầu trong lấp lánh ánh sáng vàng và ngân nga nhạc niệm Quan thế âm Bồ tát. Mặt hồ nước thấp thoáng ánh nến lay động trong những đài sen đỏ. Tất cả người lớn và trẻ em chắp tay đứng trang nghiêm và chợt thoáng như lạc vào một không gian thơ mộng mà thật thiêng liêng.

Rồi tiếp sau, một đoàn tiên đồng váy trắng vụt ra làm không gian chợt đầy ắp những lời ca về tình cha, tình mẹ. Tốp ca câu lạc bộ Họa Mi đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng sự ngây thơ trong trắng, tươi sáng và phong cách biểu diễn nghệ thuật cao. Hai bé gái vừa hát bài “Mẹ yêu” vừa long lanh nước mắt. Bé trai như “xuất thần” qua bài hát về cha. Có phải không khí quá trang trọng, khán giả quá nhiệt tình, lại là lần đầu tiên được ca hát dưới Đức Phật uy nghi và trước các chư tôn đức từ bi đã khiến các con hát về tình yêu cha mẹ bằng cả trái tim của mình?

Cảm niệm Vu Lan của Phật tử An Vy khiến lòng những người con đã mất mẹ cha hay vẫn còn cha mẹ đều nức nở cảm động.

Những chia sẻ về tâm hiếu, hạnh hiếu của Đại đức Thích Trí Chơn- Ủy viên Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo VN, cố vấn Hội Phật tử VN tại CH Séc, trụ trì chùa Khánh An, chùa Giác Đạo- thật giản dị, gần gũi mà đi vào lòng người.

Pháp thoại của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm- Phó chủ tịch Hội đồng trị sự TW Giáo hội PG Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp TW Giáo hội PGVN, Trưởng Ban trị sự Thành hội PG Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIII- đã gắn kết thật nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời. Bài pháp của Thượng tọa thật thông thái và uyển chuyển, đã kết nối được từ gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên tới việc gìn giữ nếp nhà, vun bồi tâm hiếu cho thế hệ trẻ Việt Nam. Những câu chuyện gần gũi của Thượng tọa đã chinh phục được cả mấy thế hệ đang ngồi lắng đọng bên hồ: ông bà, bố mẹ và các cháu. Thượng tọa tán thán công đức của ban tổ chức đêm hội, của cả những người tham dự. Thượng tọa gọi đây là sáng kiến “thế gian hóa Phật pháp”.

Lễ Bông hồng cài áo cảm động và lễ thả đăng long trọng, lung linh diễn ra trong những lời ca thiết tha về tình yêu cha mẹ đã khép lại đêm lễ hội Cội nguồn yêu thương.

Các chư tôn đức và khách vừa hoan hỷ ra về, thì trời đổ mưa xối xả, mưa như trút, mưa tràn ngập sân nhà hàng Long Vĩ Thiên Hoa viên. Liệu đây có phải là sự nhiệm màu của Phật pháp?