Trang chủ Diễn đàn Diệm, Diệmist và Thích Trí Quang

Diệm, Diệmist và Thích Trí Quang

999

Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch

Trong khi giới Phật giáo thương tiếc, tưởng niệm, tán thán công đức của hòa thượng, thì các Diêmist (những kẻ theo Diệm, tôi dùng thành tố “Diệm” kết hợp với hậu tố “ist” chỉ những người đi theo, trước đây thường gọi là dư Đảng Cần lao Nhân vị), cũng ra sức công kích, chỉ trích hòa thượng.

Nhưng rất tiếc là rất ít, hầu như không có bài viết phản biện trở lại một cách tương xứng.
Điều đáng lo ngại hơn là các cơ quan truyền thông chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không quan tâm đến việc phản biện trở lại.

Trước việc Hòa thượng Thích Trí Quang viên tịch, trang tin BBC tiếng Việt đã có bài viết “Đi tìm chìa khóa giải mã “sự im lặng” của Hòa thượng Thích Trí Quang”, tác giả Quốc Phương (xem: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50433624), biên soạn từ video “Bàn tròn BBC: Vai trò lịch sử và di sản của Hòa thượng Thích Trí Quang”.

Trong bàn tròn này nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn và nhà báo Mặc Lâm (Đài RFA) đã có những nhận định tiêu cực về Hòa thượng Thích Trí Quang.

Trong khi đó, hai đại diện của giới Phật giáo, Giáo sư Võ Văn Ái và tiến sĩ Thái Kim Lan có những nhận định tích cực về Hòa thượng Thích Trí Quang, nhưng theo tôi không bác bỏ những nhận xét tiêu cực về Hòa thượng Thích Trí Quang một cách thích đáng và phù hợp với mong mỏi của người xem video, người đọc bài viết, đặc biệt là phản biện đối với phát biểu của ông Trương Nhân Tuấn.

Dưới đây là phản biện của tôi đối với phát biểu của ông Trương Nhân Tuấn. Xuất phát từ lợi ích của Phật giáo Việt Nam, tôi thấy cần thiết viết bài phản biện này. Tôi không có ý cho mình là giỏi hơn Giáo sư Võ Văn Ái hay tiến sĩ Thái Kim Lan. Nhưng tôi lấy làm tiếc một người có tài ăn nói như Nhật Từ lại không làm việc cần thiết này một cách tới nơi tới chốn.

Bình luận

Bài viết có tựa như trên của tác giả Quốc Phương ghi lời ông Trương Nhân Tuấn như sau:
“Cái thứ ba là tranh đấu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, mục tiêu này, thầy Trí Quang đã thành công hoàn toàn, nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện hai mục tiêu đó để làm gì, khi hai mục tiêu chúng ta vừa nói là tranh đấu cho đạo pháp và dân tộc không thực hiện được?

“Vấn đề là cho rằng chế độ của ông Ngô Đình Diệm là độc tài, gia đình trị, thì bây giờ mình cũng nên nhìn lại, nếu chúng ta so sánh bây giờ giữa ông Diệm và ông Hồ, hay là ông Diệm với những lãnh đạo châu Á cùng thời là Ferdinand Marcos, Tưởng Giới Thạch hay là Sukarno, hay là Mao Trạch Đông, thì rõ ràng ông Diệm là một người hiền hòa, bao dung, có đạo đức, thanh bạch hơn hẳn những ông kia…

“Ông Diệm, tôi thấy không có độc tài, ở một đất nước mà trong tình trạng chiến tranh, tự vệ ý thức hệ nữa, mà ý kiến chính trị gia, tôn giáo, được hưởng đầy đủ các thứ quyền tự do hết, còn hơn cả Malaysia hay là Indonesia bây giờ nữa, theo tôi mình so sánh những gì mình có thể so sánh được, nếu ông Diệm là độc tài, thì bây giờ mình đã nhìn thấy sự thật đó là như thế nào rồi,” ÔNG TRƯƠNG NHÂN TUẤN NÊU QUAN ĐIỂM TỪ GÓC ĐỘ CÁ NHÂN (người trích dẫn nhấn mạnh).

Nhà báo Quốc Phương đã có nhận định sai. Đây không phải là quan điểm của riêng cá nhân ông Trương Nhân Tuấn, mà là một nội dung cơ bản trong quan điểm của những người ủng hộ Diệm, những Diêmist.

Đây là nội dung mà lẽ ra Giáo sư Võ Văn Ái hay tiến sĩ Thái Kim Lan phải phản biện trực tiếp. Vì nếu không, sự nghiệp của Hòa thượng Thích Trí Quang trở thành vô nghĩa, nếu không muốn nói là tội đồ của dân tộc, như lời của ông Trương Nhân Tuấn: “Cá nhân tôi cho rằng phong trào tranh đấu của Hòa thượng Thích Trí Quang đã mở cửa đưa cho dân tộc Việt Nam vào một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nội chiến chấm dứt thì hai mục tiêu đạo pháp và dân tộc và công lý vẫn chưa đạt được.”

Sukarno, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch… đều là những nhà độc tài, Diệm cũng là nhà độc tài, nhưng Diệm là một nhà độc tài có những đặc trưng riêng rất khác biệt và Diệm thất bại cũng vì những đặc điểm riêng đó.

Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Sukarno và các nhà độc tài khác là độc tài quân sự, độc tài chính quyền trên đầu súng, như Mao nói.

Những nhà độc tài đó dựa trên cơ sở nhân sự, vây cánh là những tướng lãnh, quân nhân.

Bản thân họ cũng là những vị tướng, mạnh mẽ, có tài thao lược quân sự, được giới quân nhân phục tùng. Họ cứng rắn quyết đoán kiểu người lính, kiểu con người súng đạn
Diệm tàn nhẫn hơn, vì ông độc tài tôn giáo, không phải độc tài quân phiệt, không phải độc tài súng đạn. Nhà nước độc tài của Diệm là nhà nước Công giáo trị.

Nền tảng của chế độ Diệm, gắn bó với chế độ Diệm không phải là quân nhân, những người lính đã sống chết cùng vị tướng cầm quyền chuyên chính của họ. Mà cơ sở quần chúng của chế độ Diệm là giáo dân di cư.

Nhà nước độc tài Công giáo trị của Diệm xung đột với đa số quốc dân không theo Công giáo. Xung đột tôn giáo đó đặc biệt nhạy cảm so với xung đột giữa chế độ độc tài quân phiệt với nhân dân.

Trong khi đó, chế độ Diệm vì nhà độc tài không là quân nhân mà xuất thân thượng lưu phủ huyện, nên yếu ớt và nhu nhược. Diệm làm một đại ca độc đoán nhưng không có võ nghệ, súng ống, thao lược, can trường.

Diệm có vẻ chăm lo việc nước, nhưng tính chất Công giáo trị của chính quyền Diệm làm nóng cả chế độ, tạo ra mâu thuẫn đối kháng, bất tuân phục ở giới quân nhân.

Nhà nước toàn trị Công giáo, lãnh đạo tinh thần là một tổng giám mục, thường vụ là một gia đình Ca tô lích La Mã cực đoan, loan báo tin mừng, cải đạo bằng cách dùng bổng lộc, chức tước ưu đãi người theo Công giáo, kỳ thị tôn giáo với tôn giáo, kỳ thị Công giáo và không Công giáo, kỳ thị chính trong Công giáo (đạo dòng/đạo theo)… đã tạo nên sự căm ghét của toàn xã hội.

Những người nắm trong tay vũ khí, các tướng lĩnh, đã giải quyết mâu thuẫn Công giáo trị đó. Trước pháp nạn 1963 của Phật giáo Việt Nam, đã có hai vụ đảo chính do các sĩ quan nhảy dù và không quân tiến hành.

Chế độ Công giáo trị Diệm xung đột với tất cả lương dân, không phải chỉ xung đột với Phật giáo. Phật giáo Việt Nam chỉ là lực lượng tuyến đầu của cuộc xung đột và ở đó bùng lên điểm nóng.

Chế độ Công giáo trị của Diệm sụp đổ vì tạo ra những xung đột cực nóng và những người đốt nóng xung đột đó không có khả năng để tự bảo vệ, vì họ không phải là người từng trải chiến trận.

Hình thái nhà nước Công giáo trị kiểu Diệm là một hình thái độc tài tương đối lạ ở châu Á, nhưng mâu thuẫn dẫn đến chết người giữa những người không Công giáo và những người Công giáo là khá quen thuộc, không chỉ ở Việt Nam qua nhiều thế kỷ dưới chế độ phong kiến, mà còn ở Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc.

Mâu thuẫn đó không hẳn là mâu thuẫn tôn giáo (giữa tôn giáo với tôn giáo). Nó chỉ mang tính tôn giáo một phần. Cho nên, nó rất khó nhận biết kể cả khi “loan báo tin mừng” bằng bổng lộc, chức tước, chuyên chính như thời Diệm. Người ta căm ghét chế độ độc tài chuyên chính Công giáo của Diệm có khi một cách vô thức.

Các Diemist không ý thức được điều đó mà họ chỉ quy vào một hòa thượng Thích Trí Quang, nói kiểu như ông Trương Nhân Tuấn.

Mâu thuẫn giữa nhà nước chuyên chính Công giáo của Diệm với nhân dân miền Nam còn MANG TÍNH CHẤT DÂN TỘC. Khi đó, Ca tô lích La Mã chưa kết thúc Công đồng Vatican 2 và vẫn duy trì sự cấm đoán khắc nghiệt, xung đột với tập quán dân tộc như truyền thống thờ cúng tổ tiên.

Xung đột dân tộc với chính quyền Diệm không phải là hình thái đề kháng xâm lăng mà là xung đột giữa truyền thống dân tộc với yếu tố ngoại lai có tính cưỡng bức. Tính cưỡng bức hiện diện trong những chế áp từ chính quyền Diệm và trong những quy định ngặt nghèo theo đạo Ca tô lích khi đi theo đạo này.

Nền độc tài Công giáo trị của Diệm là một nền độc tài bạo liệt ý thức nhưng liều lĩnh. Va chạm của nó tạo ra đe dọa nguy hiểm cho chế độ Diệm nhưng chỗ dựa và lực lượng bảo vệ của nó yếu ớt. Mao, khi quyền lực suy yếu, còn có thanh niên, học sinh, sinh viên Hồng vệ binh làm Đại Cách mạng Văn hóa, còn Diệm, khi bị quân đội đảo chính, thì không có ai đứng ra liều mạng bảo vệ.

Phật giáo dưới sự lãnh đạo của hòa thượng Thích Trí Quang chỉ là lực lượng của cuộc đấu tranh chống Diệm trong ba tháng. Sau ngày 20/8/1963, các chùa bị tấn công, tăng ni bị bắt giam, thì mâu thuẫn giữa chế độ Diệm với đa số nhân dân miền Nam không Công giáo nổi lên rất rõ với cuộc đấu tranh tiếp tục quyết liệt và lực lượng quân đội đảo chính Diệm không có liên hệ gì trực tiếp với Phật giáo.

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không lật đổ chính quyền Công giáo trị của Diệm trong ý thức tôn giáo, nhưng trong hành vi đảo chính có yếu tố tình cảm tín ngưỡng (đối với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống phi Công giáo). Ngay cả Nguyễn Văn Thiệu một tín đồ Ca tô lích La Mã cũng tham gia đảo chính vì bị kỳ thị là “đạo theo”, không phải “đạo gốc”, đạo dòng (gia đình ông Thiệu là người đạo Phật, ông cải đạo sang Ca tô lích La Mã để cưới vợ, nên cũng bị kỳ thị).

Dưới chế độ Diệm không phải là không có tự do tôn giáo. Ông Trương Nhân Tuấn nói đúng, nhưng không đủ. Vì nhà nước Công giáo trị của Diệm vừa tuyên bố tự do tôn giáo, nhưng vừa kỳ thị tôn giáo và cưỡng bức cải đạo bằng quyền lực nhà nước.

Nhà nước ưu đãi một tôn giáo nào đó không hẳn tạo ra mâu thuẫn, nhưng khi dùng nhà nước để thay đổi tôn giáo đa số và tín ngưỡng truyền thống trong xã hội như Diệm làm, là đã biến ông ta thành một nhà độc tài tôn giáo đặc biệt ở châu Á.

Ông Trương Nhân Tuấn so sánh Diệm với những nhà độc tài châu Á như Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Sukarno, F. Marcos…(1) là một sự so sánh khập khiểng và hiểu biết thế nào là độc tài. Những nhà độc tài châu Á hầu hết đều mặc quân phục, trận mạc sinh tử, cùng quân lính của họ, không trường chinh thì cũng chỉ huy du kích. Còn Diệm chỉ là hàng loại độc tài dương xỉ, độc tài ký sinh, độc tài học đòi, mặc áo thụng, lấy chính quyền bằng cơ hội, chứ không phải bằng bạo lực xuất phát từ sức mạnh tự thân.

Diệm sống sót trong cuộc đảo chính thứ nhất do lừa được tướng Nguyễn Chánh Thi, không phải ông Diệm cầm quân chống trả.

Diệm sống sót trong cuộc đảo chính thứ hai (do Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử không kích Dinh Độc Lập) vì Diệm chạy xuống hầm kịp thời, có trái bom không nổ.

Diệm chết trong cuộc đảo chính thứ ba do không hề có ý nghĩ tổ chức lực lượng đề kháng,

chống trả đảo chính mà chỉ tính đường chạy và nộp mình để đi ra nước ngoài.

Cho nên, không phải “phong trào đấu tranh của Hòa thượng Thích Trí Quang đã mở cửa đưa cho dân tộc Việt Nam vào một giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử…” như ông Trương Nhân Tuấn nói, mà người làm điều đó chính là Ngô Đình Diệm, một nhà độc tài không có khí chất của một nhà độc tài, một ông quan áo thụng phản vua, không làm quân đội phục, kẻ đặt quyền lợi tôn giáo của mình lên trên quyền lợi dân tộc, tạo nên sự chia rẽ bất mãn.

Diệm là người thuyền trưởng không phẩm chất mạnh mẽ cần thiết nhưng dám đưa toàn đất nước vào cơn sóng dữ vì các quyền lợi của riêng tôn giáo mình.

Các Diemist vẫn cho rằng tình hình miền Nam Việt Nam hỗn loạn, rối rắm từ sau cuộc đảo chính 1/11/1963 và Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Quang, là tác nhân chính.

Thực ra, sự bất ổn của miền Nam đã bắt đầu từ khi cuộc đảo chính thứ nhất, cuối năm 1960 do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Miền Nam chỉ tạm thời ổn định từ 1955 đến 1960, sau cuộc trấn áp các giáo phái đến năm 1960, quân đội không còn thấy ở Diệm tư cách một nhà độc tài.

“Phong trào đấu tranh của Hòa thượng Thích Trí Quang” cụm từ của ông Trương Nhân Tuấn dùng không phải chỉ là phong trào Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo, mà là phong trào dân tộc phản ứng lại chính quyền Công giáo trị chuyên chế, cải đạo, để giữ gìn tín ngưỡng truyền thống. Lịch sử đã chọn Hòa thượng Thích Trí Quang để giải quyết những vấn đề dân tộc, trong đó Phật giáo Việt Nam đứng mũi chịu sào.

Các Diêmist vẫn cho rằng nếu không có biến cố Phật giáo, chế độ Diệm còn tồn tại thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ không sụp đổ. Họ vẫn không thấy được mâu thuẫn giữa Diệm và quân đội, khi các tướng lĩnh nhận ra Diệm không đáng là tổng tư lệnh của họ. Quan điểm tập trung mâu thuẫn giữa Diệm và Phật giáo khi bình luận lịch sử là phiến diện. Khi Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập, thì làm gì đã có điểm nóng Phật giáo?

Nếu không có Pháp nạn Phật giáo, thì chắc chắn quân đội với những tướng lĩnh bất mãn sẽ lại đảo chính Diệm lần ba, lần 4, lần 5… Mỗi lần như thế thì người Mỹ lại thấy càng phải thay Diệm. Diệm không chết bằng hình thức này thì cũng chết bằng hình thức khác.

MT