Trang chủ PGVN GHPGVN Diễn văn khai mạc Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật...

Diễn văn khai mạc Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân 701 ngày nhập Niết Bàn

116

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Đức vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, vị vua anh minh lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tu hành chân chính, là một vì vua xuất gia, tu hành đắc đạo, người được Phật tử Việt Nam tôn vinh là Điều Ngự Giác Hoàng.

Vì những đóng góp vĩ đại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trên cơ sở giáo lý đạo Phật, nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại của non sông đất nước ta, là người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, thực hiện Nghị quyết kỳ 2 khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định chọn ngày 01 tháng 11 âm lịch – ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn làm một trong những ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam.

Vì thế, Trung ương Giáo hội đã có thông tư số 545/TT.HĐTS ngày 27/11/2009, hướng dẫn Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước trọng thể tổ chức Đại lễ tưởng niệm 701 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt.

Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo tôi xin gửi đến Chư Tôn giáo phẩm, chư vị khách quý, chư vị đại biểu cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử lời chào trân trọng nhất. Sự hiện diện của quý vị khẳng định thêm truyền thống uống nước nhớ nguồn của hậu duệ con cháu đối với các bậc tiền nhân tổ tông, những người đã đóng góp trí tuệ và sức lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, truyền lại cảm hứng hào hùng của hằng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho con cháu ngày nay. Kính chúc Quý vị sức khỏe, an lạc và đạt nhiều thành tựu trong tinh thần đoàn kết hòa hợp.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Liệt vị,

Đức Phật đã dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, là đại diện tiêu biểu cho tinh thần hòa hợp giữa đạo và đời, đức vua Trần Nhân Tông đã phát huy tính khế lý khế cơ của Đạo Phật để xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị, đồng thời luôn vun bồi, giữ gìn Phật phát bền vững, xương minh, hướng con người đến với những giá trị chân thiện mỹ, khuyến khích những việc làm ích đời, lợi đạo.

Ở trên cương vị nào, là vị vua đứng đầu đất nước hay nhà tu hành, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có những đóng góp to lớn. Khi đất nước đứng trước lâm nguy, nhà vua đã cùng vua cha lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống lại quân xâm lược nhà Nguyên, đem lại độc lập, tự do và chủ quyền dân tộc cho nhân dân.

Khi đất nước yên bình, nhà vua xuất gia đến với đạo Phật, Người đã dồn hết tâm sức để làm xương minh Giáo hội, rạng rỡ Tăng đoàn, vẻ vang Phật pháp. Sự ra đời của dòng Thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập đã thống nhất sự phân chia của các Thiền phái Phật giáo, củng cố lại Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội và đưa hoạt động của Phật giáo đi vào nề nếp.

Đồng thời, việc xuất gia tu đạo của đức vua Trần Nhân tông cũng làm cho việc chính trị nước nhà trở nên hoà hòa và ổn địng, nhân dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.

Thể hiện sự nhập thế, nhằm đưa Phật giáo đến với quảng đại quần chúng nhân dân, phát huy những yếu tố tích cực của Phật giáo trong xã hội, làm cho con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn chính là mục tiêu mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa ra, đó vừa là để trợ giúp điều hành quốc gia, vừa là để “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” của một người con Phật. Đức vua Trần Nhân Tông đã khéo léo vận dụng sức mạnh của tinh thần đoàn kết và kết nối nhân tâm, thông qua những triết lý, tư tưởng đạo đức, những điều gần gũi và bình dị của Phật giáo để thu phục, xây dựng lòng người nhất tâm đồng thuận cùng hướng tới mục tiêu vì con người, xã hội với cá nhân tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì quốc gia tốt.

Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đi khắp nhân gian khuyến giáo người dân giữ ngũ giới và tu thập thiện. Người dân trong nước đều giữ được năm giới thì đất nước thật sự thái bình, yên vui. Người mà thân, miệng, ý khéo tu mười điều lành sẽ trở thành bậc hiền nhân. Người Phật tử khéo tu Ngũ giới và Thập thiện là đóng góp một phần cho quốc gia xã hội được tốt đẹp an vui. Được vậy, đạo Phật mới thật sự chuyển cảnh khổ thành cảnh vui, chuyển con người phàm tục thành con người thánh thiện.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa Quý Liệt vị,

Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông này, cũng là dịp để chư Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giới Phật tử và xã hội có dịp chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về thời đại nhà Trần hào hùng trong lịch sử đất nước với vị Vua – Phật đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất đất nước là vua Trần Nhân Tông, cũng là một vị Tổ sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói, kết hợp hài hòa giữa vai trò của một nhà vua và một nhà tu hành, Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc.

Cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không chỉ là một bài học về đạo trị nước an dân, tạo ra sự đồng cảm trong xã hội đương thời, mà còn cần được nghiên cứu và phát huy giá trị để áp dụng trong thực tế.

Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” hay nói một cách ngắn gọn là: “sống đời vui đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một minh chứng cho thấy ông cha chúng ta đã biết vận dụng các giáo pháp ưu trội của đạo Phật Việt Nam để đoàn kết lòng dân, xây dựng đất nước và tiến hành chiến tranh vệ quốc thành công, mặc dầu trong thời đại trước, nước ta chưa có những điều kiện quốc tế rộng mở như ngày nay, chưa có sự phát triển kinh tế xã hội và lãnh thổ như ngày nay.

Chính trong sự phát triển cao như ngày nay của đất nước là điều kiện thuận lợi để toàn dân và toàn xã hội có dịp nghiên cứu, đánh giá giá trị và kế thừa các bài học thành công trong quá khứ của cha ông, rút ra từ di sản của cha ông các tư tưởng về tự lập tự cường, bảo vệ bản sắc và chủ quyền quốc gia dân tộc dựa trên sự đồng lòng muôn người như một của nhân dân.

Điều đó chẳng những đã được khẳng định trong suốt thế kỷ 20 qua, mà còn thể hiện ngày một rõ nét trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hiện nay.

Kính bạch Chư Tôn đức,

Kính thưa Liệt quý vị,

Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đại hòa hợp của buổi lễ hôm nay, thay mặt Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự, tôi xin long trọng tuyên bố Khai mạc Đại lễ Tưởng niệm 701 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niệt bàn.

Ngưỡng nguyện cầu Tam bảo gia hộ chư Tôn đức giáo phẩm pháp thể khinh an, phúc tuệ miên trường. Kính chúc Quý vị khách quý, quý Phật tử vô lượng an lạc. Chúc toàn thể Pháp hội sức khỏe và an khang.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật