Trang chủ PGVN GHPGVN Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo...

Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Trí Thủ

232

Quý vị là biểu tượng của những đoá hoa sen nhiều màu nhiều vẻ, về đây kết thành lãng hoa vĩ đại, dâng lên Đức Phật để tỏ lòng sùng bái của hàng đệ tử suốt đời trung kiên với Đức Bổn Sư.


 


Quý vị cũng là những viên đá tảng, đúc kết bằng những ước nguyện thiết tha mãnh liệt của toàn thể tăng ni, và Phật tử cả nước về đây làm nền móng vững chắc để cho ngôi nhà Thống nhất Phật giáo được xây lên.


 



HT. Thích Trí Thủ (thứ ba từ trái sang) tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981


 


Trong những ngày đầu xuân mát mẻ của năm 1980, mở đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước, chúng tôi đã lấy Sài Gòn thành phố được vinh dự mang tên Bác, làm nơi hội họp đầu tiên. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã chiến đấu ngoan cường, liên tục trên một thế kỷ chống thực dân cũ và mới; thành phố của Nguyễn Thị Minh Khai, của Nguyễn Văn Trỗi, và bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc; thành phố của Hoà thượng Thích Quảng Đức, của nữ sinh Phật tử Quyách Thị Trang và bao nhiêu tăng ni, Phật tử đã hy sinh vì dân tộc và đạo pháp; thành phố đã động viên, cổ vũ chúng ta rất nhiều trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo này.


 


Hôm nay, cuộc vận động đã hoàn tất, một giai đoạn mới bắt đầu, giai đoạn thực hiện thống nhất, Ban vận động chúng tôi lấy ngôi chùa Quán Sứ lịch sử này, lấy Thủ đô Hà Nội, trái tim cả nước, làm nơi Hội nghị của đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thành phố được vinh dự lần đầu tiân lắng nghe Hồ Chủ tịch đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; thành phố đã chiến đấu ngoan cường chống âm mưu của đế quốc. Hà Nội ngày nay, thành phố Thăng Long ngày trước, được xây dựng gần 10 thế kỷ nay, do sáng kiến của Quốc sư Vạn Hạnh. Hà Nội và rải rác quanh đây, trên miến Bắc thân yêu còn ghi đậm nét bánh xe chuyển Pháp: Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, cách đây không xa, từ đầu thế kỷ thứ nhất, đã có cái nôi của Phật giáo Việt Nam, có vinh dự đón tiếp các vị Tổ đầu tiên đưa Phật giáo vào Việt Nam; núi Yên Tử với Tổ đình Trúc Lâm, nơi phát xuất dòng thiền Việt Nam, do ba vị vua anh hùng nhà Trần có công đánh đuổi quân Nguyên, chủ xướng. Chùa Côn Sơn, nơi yên nghỉ thân yêu của Nguyễn Trãi, nhà chiến lược thiên tài trong công cuộc quét sạch quân Minh và bao nhiêu di tích Phật giáo quý báu khác nữa, mà mỗi khi nghĩ đến, nhìn đến, là làm nổi dậy trong chúng ta bao niềm cảm kích, bao nỗi tự hào, quý trọng nâng niu. Lấy Hà Nội làm nơi Hội nghị, chúng ta tâm niệm, ước mong rằng chúng ta không chỉ được sự chứng minh của quý vị tôn túc, đại lão Hoà thượng trên cả nước, mà còn được sự chứng minh của Hồ Chủ tịch, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, đã đánh giá rất chính xác đạo Phật là “Đạo vô ngã, vị tha, lợi lạc quần sinh”; được sự chứng minh của tượng Phật Quan Âm ngàn tay, ngàn mắt ở chùa Bút Tháp, của 18 vị La Hán ở chùa Tây Phương, của nhà kiến trúc sáng tạo ra chùa Một Cột, của các văn nhân nghệ sĩ Phật tử quá khứ đã đóng góp cho nền văn hoá sáng chói của Phật giáo Việt Nam. Nghĩa là chúng ta ước mong hội nghị này không chỉ có sự hiện diện của hiện tại, mà còn có sự hiện diện của quá khứ, để giúp ý kiến cho chúng ta, động viên chúng ta xây dựng tương lai Phật giáo ngang tầm thời đại.


 



HT. Thích Trí Thủ và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng


 


Với hội nghị này, chúng ta đang đánh dấu một giai đoạn mới vô cùng quan trọng: vừa tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2000 năm truyền bá giáo lý của Đức Bổn Sư trên đất nước này, vừa viết những trang sử mới cho Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ 20.


 


Nhiệm vụ của chúng ta, do đó vô cùng lớn lao, không những đối với hoài bão, nguyện vọng chính đáng của Tăng ni, Phật tử trong hiện tại, mà còn đối với công đức của Chư Tổ và tiền nhân trong quá khứ, đã để lại cho chúng ta một nền văn hoá Phật giáo rạng rỡ, trong nền văn hoá dân tộc bốn ngàn năm.


 


Những quyết định của chúng ta trong hội nghị lịch sử này ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng của tiền đồ Phật giáo Việt Nam góp phần tích cực trong bước đi lên của dân tộc, đồng thời góp phần đem lại hoà bình an lạc cho Tổ quốc và nhân loại.


 


Đạo Phật với giáo lý Từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, đã tạo cho tín đồ một thái độ cởi mở rộng rãi, khoan hoà, không cố chấp. Do đó, trên bước đường truyền bá của mình, đi đến đâu, đạo Phật cũng có thể hoà mình với dân tộc ở địa phương đó, mà vẫn giữ được bản chất của mình.


 


Dù du nhập Vào Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ nhất, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo dân tộc, hoà mình với dân tộc, gắn bó vận mệnh mình với vận mệnh của dân tộc trong suốt lịch sử dài 2000 năm.


 


Phát xuất từ trong lòng dân tộc thông minh, sáng tạo lại được huấn luyện trong ánh sáng trí tuệ của Phật Đà, Phật giáo Việt Nam luôn luôn biết ứng phó với hoàn cảnh trong mọi tình huống, tìm được cho mình những pháp môn tu hành riêng biệt Việt Nam, thể hiện được những sắc thái độc đáo của một nền văn hoá Phật giáo gắn chặt với nền văn hoá dân tộc.


 


Phát xuất từ trong lòng một dân tộc yêu nước, lại được giáo huấn trong giáo lý tình thương “thương người như thể thương thân” biết vì người quên mình, Phật giáo đồ Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống yêu nước, yêu dân và truyền thống này đã được thử thách qua những giai đoạn nguy nan, hiểm nghèo nhất của đất nước, điển hình như cuộc xâm lăng của phương Bắc, và mới đây, các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân cũ và mới.


 


Phát xuất từ trong lòng một dân tộc đã sớm ý thức được phương châm “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”, Phật giáo đồ Việt Nam lại được rèn luyện trong giáo lý “Vô ngã, lục hoà”, nên lại càng ý thức sâu sắc sức mạnh vạn năng của sự đoàn kết.


 


Ba đức tính nói trên: tinh thần sáng suốt phụng đạo, truyền thống yêu nước, và truyền thống đoàn kết trong quá khứ cũng như trong hiện tại, luôn luôn là những yếu tố tích cực thúc đẩy giới Phật giáo chúng ta hoàn thành nhiệm vụ đối với dân tộc và đạo Pháp.


 


Ba đức tính ấy cũng là những yếu tố mạnh mẽ nhất đã thôi thúc hàng lãnh đạo các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo chúng ta ngồi lại bên nhau, trong những ngày đầu xuân năm 1980 tại Thành phố Hồ chí Minh để cùng nhau tìm những nguyên tắc làm nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.


 


Những nguyên tắc này, như quý vị đã biết, đã được công bố qua bản Thông bạch và nghị quyết của Ban vận động Thống nhất Phật giáo trong buổi lễ ra mắt tại chùa Quán Sứ Hà Nội ngày 9 tháng 4 năm 1980.


 


Từ đó đến nay, qua bốn hội nghị của toàn Ban Vận động Thống nhất Phật giáo họp tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những văn kiện căn bản cho việc thống nhất đã được soạn thảo với sự góp ý kiến sâu sắc của các ban lãnh đạo các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trên toàn quốc, và sẽ được trình bày trong hội nghị này để quý vị đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua.


 


Qua bản Thông bạch và các văn kiện dự thảo nói trên của Ban Vận động, sự thống nhất Phật giáo Việt Nam đặt trên nguyên tắc: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì.


 


Đây là một sự thống nhất thật sự, toàn vẹn và dân chủ.


 


Trong quá khứ, đáp lại nguyện vọng tha thiết của Tăng ni và tín đồ, nhiều tổ chức, giáo hội cũng đã cố gắng tập hợp Tăng tín đồ của nhiều hệ phái, đoàn thể Phật giáo dưới danh nghĩa thống nhất. Nhưng vì cơ duyên chưa hội đủ, hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, âm mưu chia để trị của thực dân cũ và mới, chưa có một tổ chức Phật giáo nào thực sự được thống nhất trọn vẹn, toàn diện, đúng với danh xưng.


 


Ngay nay, đất nước đã độc lập thống nhất thực sự, với sự khuyến khích, giúp đỡ của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với kinh nghiệm đã qua và sự quyết tâm của toàn thể tăng ni, Phật tử cả nước, chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất thực sự, đúng với danh nghĩa của nó.


 


Nền thống nhất này sẽ dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân. Tố chức này sẽ là tổ chức Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.


 


Mục đích của chúng ta trong khi hình thành ngôi nhà Thống nhất Phât giáo Việt Nam như trong nghị quyết đầu tiên của Ban vận động là: Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây Chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hoà giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của tăng ni và đồng bào Phật tử theo lời Phật day. Chúng ta quyết tâm củng cố hàng ngũ trong nội bộ Phật giáo ta, đoàn kết với các tôn giáo bạn, đoàn kết với các giới đồng bào, các dân tộc trong mặt trận đoàn kết toàn dân. Với sức mạnh đoàn kết đó, chúng ta tin chắc rằng sứ mệnh phụng sự đạo pháp và dân tộc, công cuộc đóng góp cho hoà bình thế giới và hạnh phúc nhân loại sẽ được nhiều hiệu quả hơn.


 


Ghi chú của Ban biên tập:


– HT. Thích Trí Thủ, nguyên là Viện trưởng cuối cùng của Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (hoạt động từ 1964 – 1981). Ngài là một trong những vị khởi xướng việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, với cương vị là Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Sau khi thống nhất Phật giáo cả nước thành một Giáo hội duy nhất – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – nay), HT. Thích Trí Thủ được Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam suy cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.