Trang chủ Văn hóa Du lịch tâm linh ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

Du lịch tâm linh ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên

88

 

Là một trong 3 thiền viện tầm cỡ lớn nhất của Việt Nam, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (TVTLTT) thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, được xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi đất linh mà còn là địa danh thu hút không ít những du khách hành hương về cõi Phật, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình. 


Nơi tĩnh tâm niệm ước


Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 (15/2 âm lịch) với tổng số vốn 30 tỷ đồng, có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha. Sau hơn 2 năm xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Từ đó tới nay, ngày ngày Thiền Viện đón hàng trăm phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về “cội nguồn Phật giáo Việt Nam“, thắp hương khấn phật và thưởng ngoạn cảnh đẹp rừng núi Tây Thiên.










  


 


Thiền Viện nằm ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, dần lộ ra với những đường nét kiến trúc, chạm khắc tinh diệu


Được xây dựng trên nền của ngôi chùa Thiên Ân Thiền Tự nên TVTLTT không chỉ là một nơi linh thiêng mà còn là nơi để các phật tử tĩnh tâm tu thiền. “Mất 3 tháng ròng, chúng tôi khăn gói cùng thầy Thích Kiến Nguyệt băng rừng, lội suối mới tìm ra nền cũ ngôi chùa Thiên Ân, nơi đã bị giặc Minh tàn phá”, nhà sư Đạo Hậu cho biết.










  


  


Cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”, độc đáo với những mái hiên chạm rồng, tượng Phật Thích Ca, Bát bộ Kim Cương, Thập bát La Hán…chính là điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp.


TVTLTT gồm chính giữa là toà Chánh điện cao 17m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1m, ở giữa là 3 tượng phật nói lên đường lối tu thiền: Phật tại tâm, cứu kính của sự tu hành là khai mở tuệ giác, phát triển tâm tử, đi đến giác ngộ phật pháp…. Bên trái là Nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn…. Ngoài ra còn có cổng Tam Quan, Lầu Chuông, Lầu Trống, nhà Tổ, Nội Viện….


Về cõi thiền linh


Mỗi sáng tinh mơ, khi cây cỏ còn đẫm sương đêm, du khách đã bắt đầu cuộc hành hương về Thiền viện. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, sương sớm phủ mờ từng khóm lau, ngọn thông bên dốc. Chúng tôi bước đi, trong lòng hướng phật, chợt thấy cảnh vật xung quanh bỗng thanh tịnh đến lạ lùng, chỉ nghe tiếng suối Tây Thiên róc rách, tiếng thông reo và tiếng chuông thiền ngân nga, vang vọng.










 



 



Chánh điện, tráng lệ, trang nghiêm, thanh tịnh, hướng tâm con người đến với cõi phật tiên. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên trong một ngày trời quang mây tạnh mới hấp dẫn lòng người biết bao.


 










 



 



Và đây Lầu Trống, Lầu Chuông, luôn vang vang trong những ngày lễ hội, luôn cùng hơi thở cuộc sống của phật tử nơi nơi.


Vượt qua Cửu Đính (9 dốc), trời sáng hẳn, những nét độc đáo của kiến trúc TVTLTT bắt đầu hiện ra dưới ánh nắng nhẹ còn đẫm sương mai. Cổng Tam Quan mở rộng như đón mời. Phật tử, du khách thập phương về đây đều mang trong lòng sự thành kính. Chánh điện uy nghiêm, tráng lệ, chỉ nghe rất nhẹ tiếng “nam mô…”.


Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt, trụ trì TVTLTT cho biết: “Ngôi chính điện này có thể dành cho 600 phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ hội. Hàng tháng có ngày đầu của tuần thứ 2 sẽ diễn ra các buổi giảng Phật pháp và ngồi thiền tĩnh tâm tu đức…”.


Đứng trên cao nhìn xuống, thung lũng mờ xanh, xóm làng san sát. Tất cả hút vào tầm mắt một cảm giác thư thái, khiến lòng người trở nên thanh tịnh. Đặc biệt, vào lúc hoàng hôn người ta rất dễ bắt gặp khoảnh khắc ánh chiều chiếu chếch xuống mái ngôi Thiền viện, quyện trong sương, tạo nên hiệu ứng ánh sáng, mái chùa như tỏa hào quang giữa rừng thông già ngàn tuổi. Thực là:


Địa khống tam biên, hoành nhất đái


Sơn liên thất điện, uất thiên bàn


(Đất trống ba bể, một dải ngang


Núi liền bảy điện, ngàn u tịch)


(Chu Thần – Cao Bá Quát)


 










 



 



Không ồn ào như những ngày hội, ngày lễ. Lên Thiền Viện Trúc LâmTây Thiên đã thực sự trở thành một điểm du lịch văn hoá “không thể không đến“ trong mỗi lần hành hương về nơi đất tổ phật giáo Việt Nam.


 


Sự xô bồ, ồn ào, náo nhiệt không thể “len chân” đến nơi đây. Không gian yên ả.  Nét thâm nghiêm, trầm mặc  khiến du khách như rũ bỏ bụi trần, một lòng hướng về cõi Phật. Để rồi khi xuống núi, ai cũng thấy lòng mình bình an, thanh thản./.


 







Thiền viện Trúc Lâm là “viện nghiên cứu” về Thiền thuộc phái Trúc Lâm, một hình thức tu hành đã vắng bóng ở Việt Nam gần 100 năm nay. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội. Ông là đệ tử đầu tiên của 2 nhà truyền giáo Sona và Uttara (những người đã truyền bá Phật giáo vào Việt Nam). Không chỉ là người sáng lập ra Thiền học Việt Nam, Khương Tăng Hội đã có thời đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc (thời Tôn Quyền). Cha ông là người nước Khương Cư (Sogdanne), mẹ là người Việt Nam. Sau khi mẹ mất ông đã xuất gia tu hành, khi mới 10 tuổi và dịch cuốn kinh dịch “An Ban Thủ Ý”.


Dòng Thiền có 3 tông là: Thiền tông, Tịnh Độ tông (tu theo pháp môn niệm Phật) và Mật tông (thiền tu theo phái bùa chú). Thiền tông Trung Hoa là trực chỉ phân tâm, tích tâm tích Phật. Thiền tông Nhật Bản có kiếm đạo, trà đạo…còn Thiền tông Việt Nam tu theo cách riêng, mang bản sắc của phái Trúc Lâm Yên Tử. 



Khảo sát, khai quật xung quanh khu vực thắng cảnh Tây Thiên, phát hiện 3 bia đá ở Đền Thượng Tây Thiên có ghi: Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư, Giác Linh Ngã…là các vị sư thiền. Điều đó cho thấy từ thời Hùng Vương ngoài đạo Phât ra, nơi đây cũng đã xuất hiện các vị Thiền sư truyền Thiền. Phần lớn các ý kiến cho rằng nơi đây là một trong những nơi được phái Trúc Lâm Yên Tử chọn điểm truyền bá thiền tự.