Trang chủ Nghiên cứu Triết học Duy ngã độc tôn và ngã

Duy ngã độc tôn và ngã

104

Toàn bộ ý nghĩa của câu kệ trên đều tập trung ở một chữ vô cùng quan trọng là chữ “Ngã”. Để bào chữa cho cái hiểu nông nỗi này, có nhiều người đã dịch câu trên theo một cách khác, đại loại: Có khi ta sinh lên cõi trời (thiên thượng), có khi ta sinh về cõi người hay các cõi dưới (thiên hạ) cũng chỉ vì cái “Ngã” này. Ta chịu sinh tử trong vô lượng kiếp (vô lượng sinh tử) cũng chỉ vì cái “Ngã” này, đến ngày nay là đã chấm dứt (Ư kim tận hỷ).


“Ngã” ở đây hiểu theo nghĩa nào? Nếu Phật chỉ là người thoát khỏi bốn thứ chấp Ngã si, Ngã mạn, Ngã kiến, Ngã ái thì Ngài chỉ là một A-la-hán đơn thuần. Ngã chấp đã tận, còn Pháp chấp thì sao?


Thực ra, đối với triết học hiện đại, luận đề về Ngã không còn là vấn đề để phải tốn nhiều giấy bút, nhưng đối với 2500 năm trước trong bối cảnh đa nguyên của Ấn Độ, “Ngã” là một phạm trù triết học cực kỳ quan trọng.


Trước hết, chúng ta truy nguyên chữ “Ngã” trong triết học Ấn Độ và quan niệm diễn tiến của nó qua các tông phái.  Theo PHẬT QUANG ĐẠI TỪ ĐIỂN, Ngã, tiếng Phạn là Àtman, nguyên nghĩa là hô hấp. Từ nghĩa này phát sinh nghĩa sinh mạng, tự kỷ, thân thể, tự ngã, bản chất, tự tính.


Ngã còn chỉ chung cho chủ thể độc lập vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc của tất cả sự vật và chi phối cá thể thống nhất. Từ thời Lê-câu Phệ-đà (Phạn: Rig- veda, khoảng 1500 năm trước TL) đã có sử dụng chữ “Ngã”, đến thời đại Phạm Thư (Phạn: Bràhman  từ năm 1000 – 800 trước TL) thì hơi thở (Phạn: Pràna  trong chủ thể hoạt động của sinh mạng dần dần diễn tiến thành hiện tượng sinh mạng theo ý nghĩa cá thể, còn “Ngã” thì lại là bản chất.


Như trong Bách Đạo Phạm Thư (Phạn: Satapatha), các hiện tượng sinh mạng như ngôn ngữ, thị lực, thính lực… lấy “Ngã” làm cơ sở để biểu hiện, xem “Ngã” là chủ tể đồng với Tạo vật chủ (Phạn : Prajàpati).


Đến thời đại Áo Nghĩa Thư (Phạn: Upanisad, từ năm 800 – 600 trước TL), tức cùng thời đại Đức Phật, “Ngã” được xem là cái sáng tạo ra vũ trụ, ngã là cá nhân (tiểu ngã) đồng thời cũng là nguyên lý trung tâm của vũ trụ (Đại ngã, Phạn: Brahman).


Tiến xa hơn, thời kỳ này còn chủ trương chỉ có “Ngã” mới là chân thực tại, ngoài ra đều là hư huyễn (Phạn: Màyà). Tóm lại, có bốn quan niệm về “Ngã” : Cá thể là Ngã (ngũ uẩn), sinh mạng trung tâm trong các cá thể là Ngã, nguyên lý vũ trụ là Ngã và tính chất (tự tính) cá hữu trong mỗi yếu tố tồn tại là Ngã.


Trong các kinh Nikàya và Àgama đều phủ nhận bốn quan niệm về Ngã trên. Đức Phật cho các quan niệm trên là Ngã sở và Ngã sở kiến. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ tuy phủ định ngã của sinh mạng cá thể (tức nhân ngã), nhưng thừa nhận ngã thật thể (tức pháp ngã, yếu tố tạo thành tất cả sự tồn tại) là hằng hữu.


Độc Tử Bộ, Chính Lượng Bộ chủ trương Ngã và Ngũ uẩn bất tức bất ly. Kinh Lượng Bộ thì có thuyết Bổ-đặc-già-la thắng nghĩa… Còn Phật giáo Đại thừa chẳng những phủ nhận cái ngã cá thể (nhân ngã) mà còn phủ nhận cả pháp ngã tồn tại đã được các bộ phái thừa nhận. “Tất cả pháp vô ngã” được xem là 1 trong 3 hoặc 4 pháp ấn của Phật giáo.


Tiểu thừa chủ trương nếu diệt trừ hết phiền não thì đạt đến cảnh giới Niết-bàn; còn Đại thừa thì chủ trương tất cả sự tồn tại là Không, cảnh giới Niết-bàn là tuyệt đối tự do. Sự tự do tuyệt đối này chính là “Ngã” của Phật, là Niết-bàn của Đại thừa, Pháp thân của Như Lai. 


Kinh Niết Bàn  23 viết: Niết-bàn có bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Giác ngộ được cảnh giới Niết-bàn này thì vĩnh viễn bất biến, đó gọi là Thường. Cảnh giới ấy không có khổ, chỉ có sự an vui, đó gọi là Lạc. Tự do tự tại, không có mảy may câu thúc, đó gọi là Ngã. Không có sự nhiễm ô của phiền não, đó gọi là Tịnh. Cái ngã ở đây là Chân ngã, khác xa cái ngã chấp trước của phàm phu và Nhị thừa.