Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Ghé thăm chùa Trấn Quốc- Ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất...

Ghé thăm chùa Trấn Quốc- Ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất Việt Nam

Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa hơn nghìn năm tuổi, lâu đời nhất ở đất Thăng Long, mang giá trị cả về mặt tâm linh, lịch sử và nét đẹp kiến trúc. Đây được coi là điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với Thủ đô Hà Nội.

126

Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ của Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, từng được coi là trung tâm Phật giáo của triều Lý – Trần tại kinh thành Thăng Long. Nơi đây cũng từng được bình chọn là 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới.

Cứ vào ngày mùng 1 hoặc 15 hàng tháng thì các tăng ni, phật tử trở về chùa để thắp nhang, du ngoạn, hành hương, khấn phật. Vào dịp lễ tết, chùa không chỉ đông đúc tấp nập người dân Hà Nội mà còn cả du khách thập phương. Nhiều người ghé thăm chùa Trấn Quốc còn có thể kết hợp tham quan hồ Tây, hồ Trúc Bạch.

Du khách có thể đến chùa Trấn Quốc vào bất cứ thời điểm nào trong năm để tận hưởng cảm giác an nhiên nơi cửa phật. Chị Ngọc Thương, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Nhà cũng gần đây và là một người theo đạo phật nên ngày lễ tôi thường bớt chút thời gian để đến chùa Trấn Quốc thắp nén nhang thơm dâng lên đức phật, vừa thưởng thức được không khí uy linh chốn chùa chiền vừa là để cầu cho gia đạo bình an, cầu tài lộc cho vợ chồng và con cái luôn luôn có sức khoẻ, thuận hoà, yên ấm”.

Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện chùa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.

Theo sử sách ghi lại, Trấn Quốc tự được xây dựng năm 541 thời Tiền Lý và có tên gọi ban đầu là chùa Khai Quốc. Thuở ban đầu, chùa nằm tại bãi đất làng Yên Hoà là làng Yên Phụ ngày nay.

Đến năm 1440, vua Lê Thái Tông đã đổi tên chùa thành chùa An Quốc với mong muốn đất nước được bình an, lâu bền. Năm 1615, dưới triều vua Lê Kính Tông, chùa được dời sang khu vực đê Yên Phụ, xây dựng trên nền cũ là điện Hàn Nguyên của nhà Trần và cung Thuý Hoa của nhà Lý.

Năm 1639, chúa Trịnh đã cho xây dựng hành lang hai bên tả hữu và tu sửa lại cổng tam quan. Đến thời vua Lê Hy Tông, chùa được đổi tên một lần nữa thành chùa Trấn Quốc. Chùa được đúc chuông, đắp thêm tượng và tôn tạo lại vô cùng hoành tráng vào đầu đời nhà Nguyễn.

Năm 1821, vua Minh Mạng đã ngự giá tới tham quan chùa và ban 20 lạng bạc để mở rộng và trùng tu chùa. Tới năm 1842, vua Thiệu Trị ban 200 quan tiền và 1 đồng vàng lớn đồng thời cũng đổi tên chùa thành chùa Trấn Bắc. Nhưng dân chúng từ xưa vẫn quen gọi chùa với cái tên Trấn Quốc, nhờ vậy mà cái tên này vẫn được giữ mãi đến ngày nay.

Dưới tác động của thời gian, chùa Trấn Quốc ít nhiều đã phải trùng tu nhưng vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo. Từ trên cao nhìn xuống, chùa được xếp theo hình chữ Công với 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện. Đặc biệt nhất về kiến trúc tại nơi đây phải kể đến Bảo tháp hay còn gọi là Cửu phẩm liên hoa.

Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng vào năm 1998, đến năm 2003 thì hoàn thành và tạo thành khu vườn tháp của chùa. Tòa Bảo tháp này bao gồm 11 tầng, có diện tích khoảng 10.5m2. Phía bên trong bảo tháp thờ tượng phật A Di Đà được làm bằng đá quý. Ngoài ra, trong tháp còn có khoảng 66 pho tượng khác. Bên trên tòa tháp còn được đúc một tòa sen 9 tầng (cửu phẩm liên hoa) được làm bằng đá quý sáng lấp lánh, tựa bông sen đang nở rộ và tỏa ngát hương thơm. Bảo tháp làm tăng vẻ uy nghi, linh thiêng cho ngôi chùa nhưng vẫn giữ được nét mềm mại của lối kiến trúc tổng thể.

Sau khi tham quan Bảo tháp, du khách có thể đến khấn phật tại nhà Tiền đường. Tòa Tiền đường được xây dựng về phía Tây, đằng sau có nhà Tam đảo, hai dãy hành lang hai bên của nơi này là nhà thiêu hương và thượng điện. Nơi này để thờ rất nhiều các pho tượng đẹp và quan công rất độc đáo. Nổi bật nhất có lẽ là tượng phật Thích Ca Nhập Niết được làm bằng gỗ và sơn son thiếp vàng. Cùng với đó là rất nhiều pho tượng phật được đúc bằng đồng sáng lung linh.

Đằng sau thượng điện có một gác chuông được xây dựng thành căn nhà 3 gian, xây bằng gỗ cùng mái ngói đỏ vảy cá tạo nên nét cổ kính. Bên phải của gác chuông là nhà thờ tổ, bên phải là nhà bia. Chùa Trấn Quốc hiện nay còn lưu trữ 14 tấm bia khắc các bài thơ của những vị tiến sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ.

Chùa Trấn Quốc còn có cây bồ đề được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng – nơi đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Tương truyền rằng: “Cây bồ đề mọc ra từ một nhánh lấy từ chính cây gốc ở Bodh Gaya bên Ấn Độ, nơi đức Phật đã ngồi tu và đạt giác ngộ”.

Còn rất nhiều ý nghĩa tâm linh liên quan đến cây này. Cây bồ đề có ý nghĩa biểu trưng cho trí tuệ của Đức Phật, cùng với tấm lòng nhân ái, vị tha của ngài đối với con người. Mỗi năm có rất nhiều khách du lịch về đây để hành hương khấn phật và bái lễ trước cây bồ đề này.

Chị Hiền Trang, du khách đến từ Phú Thọ cho biết: “Đến chùa Trấn Quốc thưởng ngoạn, du khách như chúng tôi cảm thấy lòng thanh tịnh hơn. Được biết, nơi này là chùa cổ có niên đại hơn nghìn năm tuổi. Trong chùa có cây bồ đề, đến vào mùa hè thấy bóng râm của cây bồ đề cũng khiến cho khung cảnh và không khí trở nên thoáng mát hơn”.

Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Trải qua bao thăng trầm, chùa Trấn Quốc tiếp tục được đời sau bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo để xây dựng vẻ đẹp trang nghiêm cho ngôi chùa này, mang lại nét yên bình và cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập.

Thanh Hoài