Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Giật tít câu view: Lộ diện truyền thông hời hợt, bất lương

Giật tít câu view: Lộ diện truyền thông hời hợt, bất lương

Truyền thông định hướng sai lệch, giật tít câu view, kiếm like quảng cáo đang dần lộ diện sau một số vụ việc liên quan đến Phật giáo, đặc biệt qua vụ nữ sinh giao gà và chùa Ba Vàng.

1691
Những tờ báo bất lương

Về vụ việc chùa Ba Vàng, có một thứ truyền thông bất lương cắt cúp lời nói, lời thuyết giảng của người khác để câu view câu like, cố tình làm sai lệch bản chất vụ việc.

Thực tế sau vụ Bát Nhã, Lâm Đồng, là người trực tiếp tham gia tìm hiểu vụ việc, tôi đã mất niềm tin vào truyền thông và báo chí, từ VTV đến các báo lá cải (dày đặc các tin cướp giết hiếp) và báo lá ngón (muốn tấn công ai thì sẵn sàng bôi bẩn, dồn họ vào đường cùng, tuyệt lộ).

1. Ngay từ đầu năm 2019, Phật giáo bị truyền thông tấn công dồn dập chung quanh chuyện dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. Nếu không có chuyện “Không có 50 ngàn bị từ chối dâng sao giải hạn”, thì câu chuyện tín ngưỡng kia đã trở nên khác, cũng chỉ là chuyện đến hẹn lại lên như bao lễ hội vào mùa.

Nhưng tâm điểm của việc này liệu có phải vì dâng sao giải hạn không phải nghi thức của Phật giáo?

Đây là nghi thức được thực hành từ rất lâu trong Phật giáo bắt nguồn quan niệm “tam giáo đồng nguyên” (Phật Đạo Nho cùng chung một nguồn), với ý nghĩa nhân văn là hoà hợp, khoan dung tôn giáo. Cũng chính đặc điểm cởi mở này mà hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu châu Á cho rằng nhờ đó mà châu Á không có chiến tranh tôn giáo.
Đặc biệt ở phía Bắc, trong điện Phật có thờ cả Đế Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu…, những vị thần của đạo Lão. Lễ dâng sao giải hạn chính là lễ nhương tinh cầu an trong nghĩ lễ truyền thống.

Hầu hết các ngôi chùa ở phía Bắc đều thực hiện nghi thức cầu an này vào dịp đầu năm mới. Trước đây ở miền Nam cũng khá phổ biến, nhưng sau này dần dần một số nơi thay thế bằng pháp hội Dược Sư cầu an.

Chính việc nói rõ giá tiền ở chùa Phúc Khánh dù không ai bị ép phải thực cũng đã khiến cho nghi lễ này bị gắn mác “trục lợi tâm linh”.

Có thể nói đây là thời điểm cần thiết để Phật giáo xem xét lại một số hình thức nghi lễ, như chúng ta đang loại bỏ dần tục đốt vàng mã ra khỏi chùa chiền, dư luận đã ủng hộ tích cực.

Còn đối với nghi thức cúng sao giải hạn và các hình thức thờ cúng đạo Lão, tuỳ vào văn hoá tín ngưỡng vùng miền, nên bỏ hay giữ cần có một cuộc hội thảo nghiêm túc giữa các nhà khoa học và giới nghiên cứu Phật giáo. Thậm chí tạo tiền đề bước đầu để tách các yếu tố văn hoá tín ngưỡng Tam giáo ra khỏi Phật giáo, như không thờ các tượng Lão giáo và đưa nhà thờ Mẫu ra khỏi khuôn viên ngôi chùa.

Nên hay không nên, đó là một lĩnh vực văn hoá tín ngưỡng ở tầm định hướng quốc gia chứ không hoàn toàn chỉ là chuyện nội bộ của Phật giáo.

Bằng không, cứ theo luận cứ “không có trong Phật giáo”, thì truyền thông sẽ tiếp tục công kích vào đó để tạo sóng dư luận: từ chùa cúng dâng sao, đến Phật tử hầu đồng, thậm chí y cứ vào kinh điển nguyên thuỷ, thì không có cả chuyện cầu an cầu siêu, cúng giải oan bạt độ, giải oan cắt kết, cúng 49 ngày, thờ phụng ảnh tượng, cho đến nhận tiền cúng dường…

Nhưng ở một chiều ngược lại, một số tôn giáo phương Tây lại bắt đầu cho thờ cúng ông bà tổ tiên, tín đồ cũng ngầm theo đạo Mẫu hầu đồng, xây nhà thờ với hình dáng giống đền chùa, Đức Mẹ đội khăn đống mặc áo dài…

2.Với một vài ngôi chùa to lớn của đại gia Xuân Trường như Bái Đính, Tam Chúc, báo chí đã thổi bùng lên câu chuyện “chùa chiền to lớn kỷ lục mọc lên như nấm”.

Ở điểm này rất cần tách bạch, vì đây là trung tâm du lịch gắn mác tâm linh, có chùa thờ Phật trong đó, một số vị chức sắc giáo hội được mời về làm trụ trị biểu tượng, chứ ngôi chùa chưa được hiến cúng trên văn bản pháp lý cho Giáo hội. Vì thế nó không phải tài sản, bất động sản, giáo sản của Giáo hội.

Khi nó là tài sản của đại gia, thì bất cứ khi nào đại gia kia gặp các tình huống bất trắc như khủng hoảng tài chính, phá sản…, thì tài sản bất động sản, hoặc sẽ được mua đi bán lại, hoặc do vi phạm pháp luật sẽ bị tịch thu phát mãi. Chẳng hạn nếu một đại gia theo đạo Hồi, đạo Công giáo, Tin lành…mua lại, họ hoàn toàn có thể khai thác nguồn lợi sẵn có, hoặc họ sửa đổi nó thành nơi thờ Chúa…

Ở phương Tây không ít nhà thờ đóng cửa giao bán, và đã có không ít qúy sư mua lại rồi cải tạo thành không gian thờ Phật.

Thực tế, ngoài những ngôi chùa kỷ lục này ra, đa số chùa được xây mới ở phía Bắc đều là những ngôi chùa được phục dựng trên nền móng cũ, hoặc trên những ngôi chùa đã xuống cấp.

Nếu nơi nào chính quyền đã thu hồi đất chùa cho các cơ sở công thì cấp đổi ở một nơi mới. Thực tế không gian chùa còn lại đã bị giới hạn rất nhiều, chứ đất hương hoả của chùa xưa vốn rất rộng.

Tôi chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ khi đi nghiên cứu khảo sát cùng Viện nghiên cứu Tôn giáo tại Nghệ An, theo số liệu của Ban Tôn giáo, toàn tỉnh có khoảng 500 ngôi chùa, hiện mới phục dựng được khoảng hơn 30 ngôi.

Vâng nếu tất cả các tỉnh, đều căn cứ trên nền móng cũ để phục dựng thì số chùa chiền hiện nay sẽ nhiều hơn con số hiện có. Nếu đòi lại đất hương hoả của chùa mà chính quyền thu hồi cấp cho dân hay làm trụ sở… thì không thể tính đếm hết được.

Chỉ xin các nhà báo có trách nhiệm khi viết hãy nhìn vào đúng thực tế lịch sử ấy, đừng vì cảm tính mà thổi bùng thêm mâu thuẫn xã hội, hạ thấp vai trò của một tôn giáo gắn bó và đồng hành với lịch sử dân tộc.

Ngay mới đây thôi, Giáo hội tự lo kinh phí đứng ra tổ chức Đại lễ Vesak, nhà nước hỗ trợ thủ tục pháp lý, an ninh, nhưng người ta đã lời ra tiếng vào rằng nhà nước dùng tiền thuế của dân cho lễ Vesak.

Tuy là vậy, nhưng Phật giáo cần có hoạch định phương án ưu tiên phát triển ở vùng sâu vùng xa, vùng phên dậu Tổ quốc, vùng biển đảo. Tránh tình trạng nơi tập trung dày đặc chùa chiền nơi thì gần như xoá trắng. Đồng thời cân nhắc với các công trình có tính chạy đua kỷ lục. Đưa các di sản ở cấp quốc gia cấp tỉnh vào quản lý nghiêm ngặt, phải có ý kiến cuối cùng của giáo hội và giới chuyên môn trước khi trùng tu tôn tạo, tránh tình trạng chùa cổ nghìn năm thành chùa 1 tuổi như làn sóng trùng tu tự phát trước đây.
Mặt khác cần phải đưa giáo dục trụ trì thành một chuyên ngành đào tạo. Vì nhiều bất ổn, tạo sóng dư luận đều bắt nguồn từ lối sống ứng xử với tín đồ, với dân một cách thiếu chuẩn mực.

3. Vụ việc chùa Ba Vàng, căn cứ trên kinh điển, cần tổ chức một cuộc Hội thảo nghiêm túc giữa các nhà khoa học và Phật giáo về các vấn đề liên quan đến trị liệu tâm linh, xác định và làm rõ quan điểm thế nào là “mê tín dị đoan”, không thể nghe một cách đơn giản những từ như vong nhập, vong báo oán, kiếp trước kiếp sau, linh hồn, địa ngục, ma qủy mà hời hợt xếp nó vào “mê tín dị đoan”.

Mới đây thôi, năm 2018, ngay tại tòa Thánh Vatican, giáo hội Công giáo còn cho mở hẳn hội thảo và tổ chức một khoá học trừ ma qủy cho các linh mục khắp nơi trên thế giới.
Vậy các vị sư theo truyền thống mật tông, các vị sư đang thực hiện các nghi thức nhốt trùng, trừ ma, luyện chú có nên truyền kinh nghiệm này cho những người muốn học hay không?

Bằng không thì phải có phương pháp, cách tiếp cận và nếu cần thiết thì phải ngăn chặn không để lan rộng những hình thức này. Làm rõ những nghi thức này sớm chừng nào sẽ tránh được các tác động không mong muốn của truyền thông sớm chừng đó,

Mặt khác, các phương thức thực hiện nghi lễ, các phát sinh trong nội hàm tín ngưỡng tôn giáo, sự hình thành các tông phái mới, sự du nhập các hình thức thực hành tâm linh mới, đều là đối tượng tìm hiểu khách quan, cần định hướng rõ ràng, tránh gây hoài nghi chia rẽ tông phái, tổ chức.

Việc cúng tiền hay thay bằng làm công quả, bệnh nhân tuỳ chọn để ở lại làm việc, nghe kinh, nghe giảng, sám hối tiêu trừ nghiệp chướng, cần lý giải rõ có phải “trục lợi tâm linh” không.

Giáo hội từ nay có thể học hỏi các tôn giáo bạn, định ra mức tiền phải đóng cho mỗi nghi thức không?

Việc đóng tiền cho các nghi thức nghi lễ, hay việc cúng dàng có phiếu thu, sẽ là căn cứ để sau này nhà nước quản lý thuế, hay hoàn thuế cho tôn giáo khi số tiền đó được phục vụ cho các lợi ích cộng đồng.

Đương nhiên, vì lòng từ bi, không cho phép từ chối các nghi thức tâm linh (nhập liệm ma chay…), nếu tín đồ hay người dân không có tiền.

Ngoài các buổi thuyết pháp thông thường, các buổi thuyết giảng từ các nhân vật đặc biệt, khách mời quốc tế, khi được tổ chức có nên thu phí hay không? Cần tạo ra các hình thức ứng xử rõ ràng và văn minh, tránh nhập nhèm muốn hiểu thế nào cũng được.

Cần phối hợp nghiêm túc với cơ quan chức năng làm rõ nguồn thu trăm tỉ từ thỉnh oan gia trái chủ mà báo chí nêu, vì đó là nguồn cơn tạo sóng dư luận một cách hết sức tiêu cực.

Cho đến nay chưa có bất cứ tờ báo nào chứng minh được con số này, nó từ nguồn nào đến và được trụ trì sử dụng vào việc gì.

Vẫn như các ý kiến trước tôi đã nêu, Giáo hội đã đặt ra quy chế phát ngôn thì cần tuân thủ nghiêm túc quy chế này. Đối với các vấn đề có liên quan đến các thành viên Giáo hội, ai được phép cung cấp thông tin và nêu quan điểm chính thức.

Tránh tình trạng các chức sắc lên phát biểu người này phủ định ý kiến người kia, gây hoang mang thêm cho dư luận.

Khi chưa có ý kiến chính thức của giáo hội, các thành viên giáo hội cần thận trọng không phát biểu tuỳ tiện, cảm tính, có tính chất kết luận áp đặt, định hướng dư luận một cách tiêu cực.