Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa...

Hà Nội: Tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay”

Mật tông – Kim cương thừa ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, những công trình nghiên cứu có giá trị chưa nhiều, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhận thức của xã hội. Trong bối cảnh đó, vào sáng nay ngày 26/3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), tọa đàm khoa học “Kim cương thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay” đã được Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tổ chức với sự tham dự của chư tôn đức, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

177

Tọa đàm có sự tham dự của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS; Thượng tọa Thích Nguyên Đạt – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó viện trưởng Học viện PGVN tại Huế; Thượng tọa Thích Giải Hiền – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Giảng viên Học viện PGVN tại Huế; Thượng tọa Thích Quảng Tiếp – Ủy viên HĐTS GHPGVN; cùng chư Tôn đức trụ trì các chùa, tự viện.

Về phía đại biểu có sự tham dự của Bà Trần Thị Minh Nga – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Phúc Nguyên – Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ; GS Lê Mạnh Thát – Phó viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, Cư sĩ Lương Gia Tĩnh – Phó viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN; TS. Lê Tâm Đắc – Phó viện trưởng Viện tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM; TS. Bùi Hữu Dược – Viện tôn giáo, Tín ngưỡng, Học viện chính trị quốc gia HCM cùng các nhà nghiên cứu, các giáo sư tiến sĩ, các học giả, các nhà tri thức.

Điều hành buổi tọa đàm là GS.TS. Đỗ Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương Đại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đào Thanh Trường – Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lại Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại.

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS TS Lại Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại đã phát biểu khai mạc vô cùng sâu sắc, với những trích dẫn cụ thể, nêu rõ về nguồn gốc của Mật Tông – là một trong những tông phái của Phật giáo, xuất phát từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII, sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản….và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, Mật Tông còn được gọi là Kim Cương thừa. Mầm mống tư tưởng Mật Tông xuất hiện sớm, nhưng thực sự thành tông phái với sự xuất hiện của bộ kinh Đại Nhật (Mahàvairocana Sùtra).

“Sự hiện diện và ảnh hưởng xã hội của Mật tông – Kim cương thừa ở Việt Nam là một thực tế. Xu hướng vận động của Mật tông – Kim cương thừa trong tương lai cũng là một thực tế không thể không quan tâm nếu muốn những giá trị chân chính của tông phái Phật giáo này được giữ gìn và phát huy một cách tích cực” – ông nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN cho rằng đây là một nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa quan trọng, song cũng rất khó khăn, cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà tu hành thực sự am hiểu với tất cả niềm tin, sự nghiêm cẩn. Nhất là khi những nghiên cứu về Mật tông – Kim cương thừa ở Việt Nam trên các phương diện lịch sử, hiện tại và dự báo xu hướng tương lai chưa nhiều, chưa thực sự xứng tầm. Thượng tọa mong muốn tọa đàm sẽ góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học mới có giá trị, qua đó góp phần làm rõ thêm vị trí, vai trò và những giá trị độc đáo, đặc sắc của Mật tông Kim cương thừa trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Báo cáo đề dẫn, GS.TS Đỗ Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương Đại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh “cuộc tọa đàm này được mở ra với mong muốn cơ bản là về học thuật, cố gắng tìm đến lời giải đáp có tính lý thuyết nghiên cứu cho vấn đề về Mật Tông – Kim Cương Thừa – là vấn đề khá phức tạp và thú vị. Có như vậy, giới Tôn giáo học mới có thể làm sáng tỏ những nguyên tắc cơ bản của công việc nghiên cứu như Tại sao Mật Tông Tây Tạng có thể tồn tại và phát triển như hiện nay, Tông phái này có thể phục vụ những gì cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam và cách riêng, với các nhóm Phật tử khác nhau của các dòng phái Mật Tông Tây Tạng, đặc biệt khi nó được coi là “khác biệt” với thực tế…”

Tổng cộng có 12 tham luận đã được trình bày tại tọa đàm, các học giả không chỉ làm rõ tính lịch sử mà còn nêu lên được vai trò của Mật tông Kim Cương Thừa trong đời sống tâm linh, dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đồng thời, có cái nhìn từ ảnh hưởng của Mật Tông tại một số quốc gia khác đối với sự phát triển Mật tông tại Việt Nam. Qua đó, góp phần làm sâu sắc và phong phú Phật giáo Việt Nam, phát huy những giá trị nguồn lực Phật giáo vào công cuộc xây dựng và hiện đại đất nước.

Diệu Tường – Thành Nam