Trang chủ Quốc tế Hang động thờ Phật nổi tiếng nhất thế giới

Hang động thờ Phật nổi tiếng nhất thế giới

75

Những khai quật


Việc phát giác ra động Đôn Hoàng phải kể từ tháng Tư năm 1946, trong cuộc Vạn lý trường chinh của chủ tịch Mao Trạch Đông. Ngay trong thời gian đầu chỉ tìm được 12 hang động hạng trung và 12 hang động hang lớn. Những hang động nhỏ khoảng 121. Nhưng trong thời chiến, các nhà khảo cổ học đã không thể đến Đôn Hoàng để  khai quật sâu hơn.


Vào tháng Giêng năm 1950, Hội đồng Văn Hoá Giáo Dục Trung Quốc  được chỉ thị vận dụng hết những phưong tiện sẵn có để khám phá toàn diện Đôn Hoàng. Chỉ trong 9 tháng, bản đồ toàn khu Đôn Hoàng được tổng kết. Nhiều học giả Tây Phương trong ngành cũng được mời tham gia. Họ xác định: Đôn Hoàng là  hang động thờ Phật Giáo phong phú nhất, đa dạng nhất và xưa nhất.


Tháng Giêng năm 1951, với 28 nhà khảo cổ học, sử học, tiền sử học đã liên tục đào sâu, nghiên cứu kỹ, dựng lên nguyên mẫu khu di tích Đôn Hoàng với 2.354 pho tượng, 26 gian thờ chính trong số 46 động lớn, 32 hậu viện trong số 321 động nhỏ và 76 kho chứa (theo Nhân Dân Nhật Báo – Bắc Kinh). Khoảng 4 phần 5 các di tích còn nguyên vẹn.


Cuộc nghiên cứu đã được hoàn tất và phân loại toàn khu vực hang động, các di tượng, hang thờ trong một diện tích rộng đến 298 mẫu tây trong dãy núi Chi Na Sơn và Bành Nguyệt Sơn ở Đôn Hoàng. Có thể tiến xa hơn thế nữa. Khó khăn trong buổi đầu chưa được bảo vệ an ninh,  một số  không nhỏ đã bị những tổ chức buôn đồ cổ lợi dụng quân cướp để tẩu tán. Sau này tượng Phật Đôn Hoàng đã thấy hiện diện ở Paris, London, Berlin, Los Angeles, Munich, Mexico City, Beirut, Prague… Chính quyền Bắc Kinh đã quyết liệt đối phó và bảo quản những tượng quý còn lại cho đến ngày nay. Những hang động được sửa sang lại, phân loại và bảo quản với hệ thống hữu hiệu nhất. Tháng 2 năm 1956, Đôn Hoàng đã mở cửa cho khách tham quan và hành hương chiêm bái. Vấn đề còn lại của những nhà nghiên cứu là ra sức tìm hiểu nguyên nhân lập hang, vị thế Đôn Hoàng và liên hệ giữa những hang động này, nơi khởi đầu “Con đường tơ lụa” (còn gọi là “Con đường hồ tiêu”) từ Á sang Âu hay ngược lại.


Sự thành lập động Đôn Hoàng: kỳ tích thế giới


Như vậy, khu hang động Đôn Hoàng được dựng lên trong thời gian nào? Tại sao xây dựng trong  vùng thâm sơn này? Có liên hệ gì con đường Á Âu, qua sa mạc Gobi? Sau đây là kết quả những công trình nghiên cứu.


Đôn Hoàng nằm trong địa hạt huyện  Chương Thương, phủ Thanh Quán, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Vùng này trước kia là trung tâm sinh sống của các bộ tộc Chiêng Hy, Cao Lan và Brê. Trước khi chưa mở con đường thông thương từ Đôn Hoàng đến những trung tâm quan trọng khác, thì vùng đất này vẫn còn hoang vu, thâm sơn cùng cốc. Bọn thảo khấu thường dùng làm nơi trú chân. Những hang động này chứng tỏ đã có những nhà ẩn tu gốc Ấn Độ hay Tây Tạng tìm đến để cố đạt đến đỉnh điểm giác ngộ cao nhất trên đường tu thiền định.


Có thể hiểu được những giá trị khác về lịch sử, địa lý, thời đại của những tranh tượng trong hang động Đôn Hoàng qua những phân tách của những học giả, theo góc độ khác nhau:


Nhà khảo cổ học Georges Elliott căn cứ theo cách xử lý dùng “phóng xạ C.14” để định thời đại khai sinh của Đôn Hoàng và ước chừng vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Phong cách tạo hình mang nặng nghệ thuật Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan. Cũng tìm được một số đường nét của Phật Giáo Tây Tạng nhưng chưa rõ thời gian nào!


Nhà sử học Thẩm Đình An (Đại Học Bắc Kinh), người đã mô tả kỹ càng con đường tơ lụa qua nhiều thế kỷ đã nhấn mạnh đến trọng điểm Đôn Hoàng là nơi chuẩn bị cho những chuyến đi xa trên hành trình xuyên quốc gia. Trước khi lên đường, họ thường cúng tế, lễ bái và cầu nguyện lành nhiều, dữ ít. Thông thường thì  trước khi lên đường, họ làm lễ cầu nguyện suốt một tuần lễ. Có vết tích những vật hiến sinh hay người hiến sinh của loại tín ngưỡng cổ đại còn rơi rớt lại.


Nhà đồ tượng học Denis Colani đưa ra nhận định: Những công trình điêu khắc và trang trí trong những hang động Đôn Hoàng có đủ các thể loại: Phật hình, Bồ Tát hình (nhiều nhất là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát), La Hán hình và Thanh Vân hình. Vẫn chưa có thể giải lý được những nghệ nhân kiến tạo hang động Đôn Hoàng đã dùng những chất liệu trang trí gì mà cho đến nay, đã qua 17 thế kỷ, nhiều biến dịch của khí hậu khắc nghiệt vùng nhiệt đới, mà vẫn có thể bảo lưu được những màu sắc sinh động đến như vậy. Việc đào sâu vào núi đá hàng trăm hang động kỳ khu đến như vậy cũng là điều đáng quan tâm trong nghiên cứu. Đôn Hoàng còn lớn hơn những hang thờ ở Ellora, Sanchi (Ấn) và Bamiyan (Afghanistan) nhiều. Sức thu hút mạnh mẽ của Đôn Hoàng đã khiến nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương đến tìm hiểu trong một thập niên gần lại đây. Như thế, giá trị nghệ thuật và lịch sử của vùng này còn được trình bày sâu sắc hơn.


Lật những trang sử cũ, có thể tìm hiểu những nhận định ban sơ của vùng này. Chẳng hạn:  Trong Nhật Ký của ngài Huyền Trang đời Đường (618-907) có đề cập đến vùng Đôn Hoàng như sau: “Nơi đây có nhiều thương gia của Trung Quốc, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác thường gặp gỡ để trao đổi hàng hóa, từ đó lan toả ra các vùng lân cận”. Phải chăng Đôn Hoàng là 1 điểm buôn bán quan trọng trên con đường tơ luạ xuyên Ấu – Á. Như thế, tơ lụa Trung Quốc được xuất cảng từ sớm, qua ngõ đường quan trọng và đầy nguy hiểm này.


Ngay trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng nói đến một địa danh vùng Cam Túc có tên là “Du Hồng”, ở đó có những cuộc tranh chấp giữa các tộc người về quyền chủ quản những hang động. Điều này có thể nghĩ ngay đến Đôn Hoàng, dù toàn bộ truyện chỉ là hư cấu.


Đến Đôn Hoàng ngày nay, du khách sẽ nhận được một bản chỉ dẫn chi tiết những phẩm vật của từng hang động, nghệ thuật tạo hình từng pho tượng, phiên âm những bi ký được khai quật. Nếu đi đúng theo hành trình hướng dẫn, người tham quan sẽ có được một nhận định sâu sắc về  sự mộ đạo của những thương nhân Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia vùng Trung Đông, Bắc Phi thường qua lại trên con đường du hành quan trọng này. Một trung tâm du lịch được thành hình; nhiều khách sạn năm sao được dựng lên, sách vở viết về  Đôn Hoàng có hàng chục cuốn, kể cả tư liệu bằng ngoại ngữ. Trong những chuyến đi “Tour” bao giờ Đôn Hoàng cũng được gắn vào, mà thị trường du lịch Trung Quốc gia tăng gấp bội điểm đến quan trọng này trong ba năm qua.
     
Đôn Hoàng là hang động thờ Phật nổi tiếng nhất trên thế giới, kể từ khi khám phá ra, tại miền đông tỉnh Cam Túc,  là đoạn đầu tiên phát xuất của “Con đường tơ lụa” còn được gọi là “Con đường hồ tiêu”. Cho đến năm 2007, thì Đôn Hoàng đã khám phá ra được 46 động lớn, 321 động nhỏ; tuy nhiên theo ức đoán của những nhà khảo cổ học và sử học thì có thể tìm nhiều hơn ở vùng chung quanh và giá trị di tích, di chỉ còn cao hơn nữa.


Điều mà các nhà khảo cổ học đặt vấn đề: Không hiểu sao những tranh lụa dài hàng chục thước ở đây được bảo lưu vững chắc đến thế? Chất liệu? Lớp sơn phủ? Khí hậu thích hợp bảo quản? Cho đến nay, không biết bao nhiêu luận điểm, nhưng màn bí mật vẫn còn bao phủ.   Đôn Hoàng gồm nhiều pho tượng Phật lớn, đủ kiểu, đủ dạng và màu sắc (cho đến nay) vẫn còn giữ được nét sinh động. Mỗi động lớn có khoảng 38 pho tượng cao trên 1m, hàng trăm pho tượng nhỏ. Cứ thế nhân lên, thì tổng số vô kể. Những hang thờ khác như ở Ajanta, Ellora, Sanchi… không thể nào sánh bì kịp Đôn Hoàng.


Đôn Hoàng ngày trước vốn là kinh đô của nhà Lương truớc khi thuyên chuyển về phía Đông  thành Trường An. Vì vùng Đông Hoàng là cửa ngõ trọng yếu giữa Tây Vực và Trung Quốc ngày trước, một điạ điểm trên trục giao thông quan trọng trước khi vào  “Con đường tơ luạ” của sa mạc Gobi, cho nên  vùng Đôn Hoàng là nơi chuẩn bị lên đường, đồng thời cũng là thị tứ đổi chác hàng hoá: Tơ luạ từ Trung Quốc sang Tây Phương và hồ tiêu từ Trung Đông đưa vào Trung Quốc, từ đó, chuyển đi các nước Đông bắc châu Á: Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ… Nhiều chứng tích cho thấy các ngài Phổ Hiền, Huyền Trang, Trúc Pháp (thường được xưng tán là Đôn Hoàng Bồ Tát) khởi hành cuộc hành hương chiêm  bái của họ từ Đôn Hoàng. Huyện Đôn Hoàng có nhiều hang động bằng đá cẩm thạch và sa thạch giữa hai rặng núi Triều Sơn và Bạch Đà Sơn.


Các nhà sử học minh định rằng: Những hang động đầu tiên của Đôn Hoàng bắt đầu khởi công từ niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ 3 (366), đời Tiền Tần. Nhân vật đến khai thác và lập hang động đầu tiên ở Đôn Hoàng là ngài Lạc Tỗn Minh Quang. Nhân vật kế theo là ngài Pháp Lương thiền sư. Viên thứ sử Kiến Bình Công, cũng là một tín đồ Phật Giáo đã giúp đỗ nhiều trong giai đoạn đầu tiên xây hang động Đôn Hoàng. Nhưng sử liệu rất hiếm có các chi tiết hơn. Đánh giá đầu tiên về hang động Đôn Hoàng, giáo sư Dumoulin cho rằng: Thoạt kỳ thủy,  hang động Đôn Hoàng được thiết kế tượng tự như hang động Vân Cương ở tỉnh Sơn Tây, động Long Môn ở thành Lạc Dương. Còn thấy vết tích truyền đạo và hành đạo của các ngài: Phật Đồ Trừng, Đàm Vô Sấm, Thích Đạo An, Cưu Ma La Thập…    Có thể thấy được hình ảnh hang động nguyên thủy này tưong tự kiểu cấuc trúc hang động Ellora ở Tây Ấn. Đông Hoàng còn có tên gọi là “Thiên Phật Động” (Động có nghìn pho tượng Phật!). Sử gia Hồ Thích viết: Động Đôn Hoàng có khoảng 320 hang, có chạm trỗ sâu hay nổi nhiều tượng Phật và chư Bồ Tát đủ loại. Bên cạnh đó, còn thể hiện rõ nét văn hiến Trung Quốc. Ngoài ra, còn dấu ấn của di tích Phật Giáo. Đây là kho sử liệu sống động giúp cho việc nghiên cứu nền văn hoá Phật Giáo Trung Quốc thời trước…” (trích Trung Quốc Phật Giáo Văn hoá sử, trang 145)


Nhưng tại sao hang động thờ lại được tạo dựng trong vùng hoang vu này? Thông thường có hai cách lý giải: Lý giải đơn giản nhất là: Đây là địa đầu của Con đường tơ lụa. Những khách buôn tơ lụa và hồ tiêu, gia vị trước khi lên đường băng qua sa mạc trùng trùng điệp điệp thường tế lễ ở đây để cầu phước. Cũng vì lẽ đó, tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát chiếm đa số. Lý giải thứ nhì: Vùng này nguyên trước là thủ phủ của bộ lạc Tse-Man (Tế Mân) thuộc dòng Thành Cát Tư Hãn lưu vong (?) – theo H.V. Grousset – 1912 –


Nhà nghiên cứu Cuningham là thám hiểm gia đầu tiên phát giác ra Đôn  Hoàng đã tìm thấy nhiều loại tiền La Mã, Hy Lạp, A Phú Hãn chứng tỏ là những đoàn buôn qua Con đường tơ lụa dùng Đôn Hoàng làm trạm trung chuyển. Ma túy cũng là nguồn lợi to lớn trong trao đổi tại Đôn Hoàng. Một số kinh sách Phật Giáo đã minh định phần nào ngài Huyền Trang đã từng dừng chân lâu ngày ở Đôn Hoàng. Nhiều lớp  bụi cát cao đến hàng chục mét đã khiến cho các nhà thám hiểm gặp nhiều trở ngại trong khai thác. Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc Vạn lý trường chinh đã dừng chân nhiều ngày tại Đôn Hoàng. Nhiều vết đạn lỗ chỗ trên các sườn núi chứng minh điều đó.


Điều mà các nhà hữu trách quản lý khu du lịch quan trọng này là các hang động bằng sa thạch đang bị xoi mòn trầm trọng, dù cho chính quyền đã ra sức che chắn và giảm thiểu sự hao hại lớn lao này. nếu không có được những cuộc trùng tu đúng mức, cơ nguy suy sụp Đôn Hoàng diễn ra trước mắt. Đó là chưa kể những kẻ cướp cổ vật quý giá này đã tìm mọi cách (kể cả nạn  hối lộ quan liêu) để cướp đi những pho tượng quý giá.


Những  hang động chính


Hiện nay, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc cùng các nhà khảo cổ học của nước này đã lập thành “Văn bản đồ” của khu hang động Đôn Hoàng, ghi tên các hang động có quy mô lớn như sau:  (dựa theo Bản đồ du lịch , điền dã Đôn Hoàng – 2006):


Hang  số 1 mặc dù đã bị phá phách, hư hại nhiều, nhưng các nhà khảo cổ học vẫn tìm thấy 128 tượng Phật bằng đất nung, 19 tượng bằng đồng, 54 tượng bằng gỗ quý, chịu đựng được qua sự tàn phá của thời gian. Có thể đoán định được khắc hoạ và đời Đường và đời Tống.


Hang số 3 được xem là hang động của Mật Tông Tây Tạng, vì có nhiều kiểu dạng Mạn Đà La và núi Tu Di (Méru). Học giả Kiều Mẫn Thu (TQ) cho rằng Mật Tông Tây Tạng trước khi bành trướng sang TQ đã dừng chân lâu ngày ở đây, gieo hạt giống Kim Cang Thừa một thời gian, trước khi đến những vùng chung quanh đô thị Trường An. Về sau (thế kỷ XX) giả thuyết nêu trên đây đã được xác lập trên tư liệu lịch sử.


Hang số 6: Đây là hang động lớn nhất, quy mô nhất và có mật độ những pho tượng có giá trị cao nhất. Những giá trị này có thể gom nhiều tượng qua nhiều thời đại. Nhiều pho tượng bị đập phá; bọn cướp tưởng rằng bên trong tượng có chứa nhiều vàng, cho nên đã gây những tổn hại kể trên. Hiện nay, chính quyền và Ban Nghiên Cứu PG đã dùng hang động này để làm Trung Tâm Triển Lãm Đôn Hoàng và Trường An.


Hang số 13 là một tu viện gồm  ba mưoi hai phòng lớn nhỏ và ở trung tâm có một Phật Học Đường. Ở đây còn lưu lại vết tích của những pho kinh Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Kinh văn được viết trên lá cọ, được phủ một lớp sơn trong rất mỏng.


Hang số 14 là hang động chứa những phẩm vật thời cúng qua nhiều thế kỷ khác nhau. Nhận thức được sự khác lạ này do phong cách kiến trúc, điêu khắc, tượng thờ và đồ họa của từng triều vua Trung Quốc. Theo nhà khảo cổ học R. Grousset là hang động này quả là “Một Bảo tàng viện PG Trung Quốc từ thời du nhập cho đến thế kỷ XVIII.


Hang số 22 là hang thờ lên đến 34 đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) có kích cỡ khác nhau.  Những tượng làm làm đồng, bằng đất nung, bằng gỗ có lớp sơn kín. Dường như tất cả còn bảo lưu khá toàn vẹn.


Hang số 25 gồm có những tượng phật: Đức Bản sinh Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Đương Lại Hạ Sinh Di Lạc Tôn Phật, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát…


Hang số 33 mặc dù đã bị cướp mất đi nhiều tượng quý, tuy nhiên vẫn cò bảo lưu được 125 pho tượng quý.


Hang số 39 cũng là một đại tu viện. Những phòng ốc được phân chia khá đều đặn, bao quanh. Trước đây, còn tìm thấy 3 viên ngọc xá lợi Phật. Tương truyền có xá lợi của đức Mục Kiền Liên và Ma Ha Ca Diếp. Hiện  nay, các viên ngọc này đang được giám định lại và được chuyển về các đại tự trung ương tại Bắc Kinh và Nam Kinh.


Hang số 41 là một dưỡng dường, vì theo những nhà khảo cổ học đã dùng chất phóng xạ C.14 để khảo sát cho biết: Có thể là những thương nhân và những người hành hương đã dùng hang động này để chữa bệnh trên chuyến Tây Du hay Đông Du đầy gian nan, nguy hiểm.


Vị trí Đôn Hoàng:  Trường An, kinh đô  của nhà Đường là nơi  gặp gỡ, trao  đổi Phật Pháp giữa các nhà  sư Nhật Bản, Triều Tiên  với  Ấn Độ,  Sri Lanka,  Trung  Á.  Hàng trăm  hang đá  ở Bamiyan (Afghanistan) có  khấc những bức  bích hoạ với  đường nét và  nội  dung rất giống  những bức họa trong các hang  động vùng Tân Cương  cùng thời gian đó.  Người ta  cũng tìm thấy những  chiế bình đồng từ  thời Chiến Quốc trong nhiều  di tích ở  La Mã. Các  nghệ nhân của  Trung Quốc vào thời đó đã cho mang đến Ai cập những tấm lụa trang trí chữ Ả Rập.  Tượng thần  bằng đồng từ thế  kỷ I tại đế  chế la Mã cũng  đã tìm thấy tại  Afghanistan, một di tích của đế chế Kushan. 


Trong khi ấy từ phía tây Trung  Quốc, vùng Đôn Hoàng,  người tộc người Hung Nô đã tràn xưóng trung tâm châu  Á và châu Âu, đến  Ấn Độ. Họ đã xây  dựng một đế chế rộng lớn  từ Trug Quốc đến Ba  Tư. Tiếp đó, các bộ  lạc người Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập những  “tiểu quốc’ ở giữa châu Á, cản trở  lưu  thông trên  các con  đường tơ  lụa lúc  ấy. Tuy nhiên, người Trung Quốc  vẫn mở đưọc những  con đường khác và  vận chuyển hàng hoá sang phương Tây.  Thực  ra, những  cuộc tiếp  xúc đầu  tiên giữa  phương Đông  và  phưong Tây  đã được Alexandre Đại  Đế tạo điều kiện  thuận lợi từ thế kỷ IV trước Công Nguyên  bằng những cuộc chinh phạt của mình, lật đổ  đế chế Achéménide, chiếm  Hy Lạp và tiến  quân đến tận Ấn Độ. Từ đó, nền văn hoá Hy Lạp được truyền sang châu Á, đặc biệt là văn  chương, tư tưởng,  ngôn ngữ, triết  học, kiến trúc;  đồng thời Alexandre và  các nhà thông thái Hy Lạp  cũng tiếp nhận tư tưởng của các nhà triết học châu Á cũng như các sản phẩm vật chất và văn hóa.


Maurya chiếm ngôi vương  quốc Ấn Độ, thành lập đế chế Maurya,  thừa  hưởng  di  sản  văn   hoá  của  người  Hy  Lạp  và Archéménide.  Đến đời  cháu của vua Maurya là Asoka  (A Dục) kế vị (274 – 237  trước Công Nguyên) họat động truyền  bá Phật Giáo rất mạnh, lan  đến Trung Á  và Viễn  Đông,  giao lưu với  Hy Lạp dưới triều  vua Alexandre  đại Đế  dù  lục  này đế  quốc rộng  lớn của Alexandre  đã  bị  chia  nhỏ  thành  đất  đai  của  các  dân  tộc Bactriance, Sogdiane…  Những con  đường tơ lụa mở  ra cho hoạt động  thương mải cũng như  việc truyền  bá Phật Giáo,  đạo Mani, đạo  Zoroastre lúc này  rất phát triển,  đặc biệt ở dọc  lưu vực các con  sông vùng Lưỡng Hà,  Trung Á và Ấn Độ. Ngoài những đoàn lạc đà lầm lủi,  việc khám phá ra hiện tượng gió mùa từ  một thế kỷ  trước Công  Nguyên  đã cho phép  con tàu viễn dương vượt Ấn Độ Dương từ tây  sang đông trong mùa xuân rồi ngược  trở về vào mùa đông khí gió đổi chiều. Những con tàu chở hàng này đã biến Ấn  Độ Dương thành một hành lang  hàng hải nối liền La Mã với các hải cảng Ấn Độ và bờ biển Trung Quốc. 


Khoảng thế kỷ thứ VII, người Lưỡng Hà mở con đường hồ tiêu bành trướng sang châu Á, châu  Âu, châu  Phi. Họ tìm hiểu  những tri thức khoa  học và triết học vốn rất phát triển của người Hy Lạp chứa trong những bản văn chép  tay. Người Ai Cập cũng tiếp xúc với Trung Quốc, Ấn Độ và tiếp thu những khám  phá mới về y  học, toán học, thiên  văn học, nghề làm giấy, thuốc súng, đồ gốm, vải lụa.  Người Ai Cập  trở thành môi giới trong cuộc  đối thoại mờ rộng từ Trung Quốc  đến các nước Châu  Âu. Họ truyền bá  khoa học và triết học Hy lạp sang  châu Âu cùng với môn toán học  của Ấn Độ, các ký hiệu viết sớ và hệ thập phân làm nền tảng cho khoa học hiện đại.Họ cũng đưa ra những quan niệm mới về vũ trụ và sư hình thành của vũ trụ,  kết hợp truyền thống  với những tri thức  khoa học, toán học mới trong lĩnh vực nghệ thuật và kiến trúc.


Đến nay, tinh thần của những con  đường tơ lụa vẫn tồn tại. Đó là  những sợi dây bền chắc thắt chặt mối quan hệ Đông Tây, duy trì sự hiểu biết  lẫn nhau giữa các  dân tộc. Như thế,  con đường tơ lụa cũng là con đường tri thức.


Tài liệu:


Annual Report –Archeological Survey of China –1916.
The Beginning of Buddhist Art and Other Essay on India, China and Central Asian Archeoloy – L.A. Thomas –1917
Buddhist Art in India, Chia –  Paris- A. Fouchet – 1918
Antiquities of India Tibet – Calcutta – A. Francke – 1926