Trang chủ Blog chùa Hưng Yên: Lung linh Đêm hội hoa đăng kính mừng Khánh đản...

Hưng Yên: Lung linh Đêm hội hoa đăng kính mừng Khánh đản Đức Phật A Di Đà tại chùa Thái Lạc

Tối ngày 06 tháng 12 năm 2022, nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần, tại chùa Thái Lạc (thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã trang nghiêm tổ chức đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử địa phương.

148
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Thượng tọa trụ trì Thích Quảng Hòa – Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Văn Lâm, trưởng ban tổ chức đêm hội; Thượng tọa Thích Thiện Tài – Giảng sư Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội cùng đại diện Chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa lân cận.

Về phía chính quyền có: Ông Trịnh Đình Thi – Chuyên viên Phòng văn hóa huyện Văn Lâm; ông Phạm Văn Hùng – Bí thư Đảng bộ xã Lạc Hồng; ông Đỗ Văn Tuyên – Phó bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cùng quý vị lãnh đạo đại diện các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân Phật tử trong vùng đã cùng về tham dự buổi lễ.

Sau khi cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đài, Thượng tọa trụ trì Thích Quảng Hòa đã tuyên đọc diễn văn khai mạc đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà. 

Tiếp theo là nghi thức dâng hương của chư tôn đức chứng minh. Trong không gian trang nghiêm, thanh tịnh, chư tôn đức và toàn thể đại chúng đã thực hiện nghi thức truyền đăng. Trước kim thân Đức Phật A Di Đà, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm từ từ đón nhận ánh sáng trí tuệ nơi bàn thờ Phật và truyền trao ánh sáng đó tới chư tôn đức Tăng Ni cùng hàng Phật tử. Từng ngọn nến được thắp sáng lên, sưởi ấm không khí chốn thiền môn giữa tiết trời đông giá lạnh. Ánh sáng ấy mang hơi ấm đến mỗi người con Phật, phá tan đi màn vô minh si ám, thắp sáng lên niềm tin, sự thông tuệ và khắc sâu vào lòng mỗi người con Phật.
Sau khi lắng nghe quý thầy tuyên đọc 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, cả đạo tràng cùng thành kính đối trước tôn ảnh của đức Từ phụ, trang nghiêm thành kính phát nguyện trọn đời niệm Phật, giữ vững niềm tin, học theo hạnh từ bi trí tuệ của Ngài để có được an lạc ngay trong thời khắc hiện tại và khi xả bỏ thân này sẽ sinh về cảnh giới Tây phương Cực lạc.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, nhắc nhở Hành giả tu Tịnh Độ cần nương vào Kinh A Di Đà để nhìn thấy một thế giới phẳng lặng, hòa bình, an lạc, hạnh phúc và bình đẳng. Một người tu tập phải chuyên chú nhất tâm theo Tín – Nguyện – Hành: tin sâu, nguyện chắc, hành chuyên, đặc biệt phải tin vào Giáo lý Nhân Quả. Đã từ rất lâu, Thánh hiệu 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” đã tồn tại trong các nghi lễ dù ở ngôi chùa, hay đình đền miếu mạo, hoặc ở nơi Từ đường thờ Tổ tiên của mỗi gia đình. Điều đó thể hiện sự dày công khuyến hóa mọi người và phổ cập câu niệm Phật vào dân gian của chư Tổ khi xưa. Một câu niệm Phật là có tất cả chư Phật trong câu niệm đó. Vì lẽ đó, người tu Tịnh Độ phải chuyên chú nhất tâm, không thể xa rời câu niệm Phật, bởi “Môn niệm Phật phổ thông đệ nhất – Thật rõ ràng đường tắt không sai – Kể từ cổ vãng kim lai – Hiền ngu già trẻ gái trai đều thành”. 
Hòa thượng mong mỗi người Phật tử cần dẹp bỏ 3 độc tham – sân – si, “nhất tâm bất loạn”, triển khai giáo lý về tư tưởng xây dựng Cực Lạc ngay trong đời sống hiện tại mới là chủ đích nhất mà chư Tổ đã thực hành theo bản hoài của Đức Phật. Bởi mục đích của chư Phật ra đời, chính là mong muốn cho tất cả chúng sinh được giác ngộ ngay trong cõi đời hiện tại. Hơn nữa, Hòa thượng cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Lời nguyện với mỗi người tu tập. Chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ đều lập ra những nguyện lớn, như Đức Phật Dược Sư khi còn tu nhân Bồ Tát đã lập ra 12 nguyện lớn, rồi Đức Phật A Di Đà cũng phát ra 48 lời nguyện khi còn tu nhân hạnh của giới tỳ khưu với Pháp danh Pháp Tạng…Vì vậy, mỗi người Phật tử đang học theo nguyện của chư Phật, hàng ngày đọc lời phát nguyện, thì cần phải phát nguyện là độ cho tất cả chúng sinh cùng được chuyển mê khai ngộ, về cõi Tịnh Độ an lành.
Qua đây, Hòa thượng cũng đã tán thán công đức của Thượng tọa trụ trì trong việc tổ chức ra đêm hội hoa đăng đầy quy mô này. Trong đêm hội này, việc thắp lên ngọn đèn, chính là biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ hào quang của Đức Phật. Phật giáo quan trọng hai chữ “Phúc” và “Tuệ”. Đức Phật là bậc lưỡng túc tôn, tức là bậc trí tuệ và phúc đức vẹn toàn tròn trịa. Hành động thắp lên ngọn nến trong đêm hội hoa đăng chính là để khơi dậy nguồn tâm trí tuệ, mở mang Phật tâm của mỗi người. Nguồn ánh sáng đi tới đâu, phá tan đi vô minh hắc ám nơi đó. Trí tuệ của Phật tỏ bày thì chúng sinh giác ngộ. Chính vì vậy, Hòa thượng mong rằng “Chúng ta hãy thắp sáng ngọn nến đó bằng trái tim của mình để mọi người luôn luôn có Phật hiện tiền. Có Phật hiện tiền thì ma chướng sẽ bị tiêu tan. Có Phật hiện tiền thì làm mọi công việc luôn được thành tựu trong tuệ giác. Có Phật hiện tiền thì sống trong sự tỉnh thức, yêu thương và tất cả những thói hư, tật xấu đều tiêu tan. Nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta ngồi trong pháp hội này, ngồi trong Đêm hội Hoa đăng này mới thực sự có ý nghĩa“.
Buổi lễ đã kết thúc trong tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” âm vang, trong niềm hỷ lạc của toàn thể hội chúng.
Diệu Tường