Trang chủ Tin tức HVPGVN TP.HCM: Lễ Tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ Phật học...

HVPGVN TP.HCM: Lễ Tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ Phật học 2015

105

Quang lâm chứng minh và tham dự có: HT.Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM, HT.Thích Giác Tường – Thành viên thường trực HĐCM, HT.Thích Trí Quảng – Phó chủ tịch HĐTS – Trưởng BTS PG TP.HCM – Viện trưởng HVPGVN TP.HCM, các phó Viện trưởng HVPGVN TP.HCM, chư tôn đức HĐTS, các ban ngành viện TWGH, BTS PG TP.HCM, các tỉnh thành,  và gần 500 tân Cử nhân, Thạc sĩ  Phật học  tốt nghiệp 2015 đồng tham dự.

Về phía chính quyền có ông Lê Hoàng Vân – Phó ban tôn giáo TP.HCM, cùng đại diện các sở ban ngành TP.HCM, quận Tân Bình đồng tham dự.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ HT.Thích Trí Quảng có nhấn mạnh:

“HVPGVN tại TP.HCM là trường đào tạo chuyên ngành Phật học cho nhiều thế hệ Tăng Ni trên toàn quốc. Sau ba thập niên tồn tại, HVPGVN đã đào tạo thành công hàng ngàn Tăng Ni sinh, mà hiện nay, đang đảm trách nhiều vai trò quan trọng trong Hội đồng Trị sự, các Ban ngành trung ương, các Ban Trị sự tỉnh thành PG, các trường Phật học trên toàn quốc và làm trụ trì các tự viện Phật giáo, phụng sự đạo pháp và dân tộc…

Theo xu thế toàn cầu, nền giáo dục thế học đặt nặng việc dạy chữ và dạy nghề. Vì chỉ học chữ, học nghề với mục đích nương vào đó để lập nghiệp, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và học viên, sau khi tốt nghiệp ra trường đã thiếu trầm trọng kỹ năng sống, thiếu lý tưởng phụng sự và khủng hoảng về đạo đức. Nền giáo dục Phật học nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là giáo dục đạo đức, giáo dục thiền định và giáo dục trí tuệ. Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người. Do thiếu về giáo dục đạo đức, nhiều thế hệ học sinh và sinh viên đối diện bế tắc, rơi vào các hình thái khủng hoảng, ảnh hưởng tiêu cực lên toàn xã hội.

Ngoài giáo dục đạo đức, người tu học Phật được hướng dẫn kỹ năng phát triển trí tuệ, gồm trí tuệ do học Phật, trí tuệ do thẩm nghiệm Phật pháp và trí tuệ do thực tập thiền định. Theo đó, người tu học Phật sở hữu được chìa khóa mở tung ngục tù khổ đau, chặt đứt xiềng xích bất hạnh, giúp con người tự cởi trói mình khỏi tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, và tiến xa hơn là giải phóng mình khỏi khổ đau của sinh tử và luân hồi. Nói cách khác, khi Tăng Ni nhận thức được vai trò đặc biệt của ngành Phật học, thì việc ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu, như con người cần không khí để thở, thực phẩm để ăn, nước để uống, trang sức phẩm để làm đẹp…

Sau lễ tốt nghiệp, Tăng Ni sinh hãy tiếp tục học nữa, học mãi cho đến khi không còn cấp bậc nào để học. Nên nhớ rằng, các bằng cấp cao nhất, ngay cả Tiến sĩ Phật học, không phải là mục đích của người tu. Học Phật là để giải phóng nỗi khổ niềm đau, do đó, sẽ là một sai lầm nếu vinh vào các bằng cấp để chứng tỏ ta đây, mà bỏ quên nhiệm vụ giải phóng tâm khỏi các khổ đau. Nói cách khác, song song với việc học Phật, sinh viên Phật học cần phải tu Phật, tức nỗ lực biến đạo Phật triết lý thành đạo Phật ứng dụng. Có như thế thì không uổng ích đời tu.

Tiếp theo chương trình, Hội đồng điều hành Học viện đã xướng tên các tân Cử nhân Phật học khóa 9 và Thạc sĩ Phật học khóa 1 bước lên đón nhận Văn bằng tốt nghiệp do Hòa thượng Viện trưởng trao.

Trên tổng số 719 Tăng Ni theo học khóa IX (niên học 2011-2015) có 440 Tăng Ni đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp cử nhân Phật học đạt 61%; còn 279 Tăng Ni còn nợ tín chỉ, trong đó có 78 vị đã thôi học. Học viện đã quyết định cấp văn bằng thạc sĩ cho 03 vị đã bảo vệ luận văn thành công (trên tổng số 05 vị được chỉ định bảo vệ đợt 1, năm 2015) và văn bằng cử nhân cho 358 vị khóa IX (khoa PGVN: 106; khoa Phật pháp Anh ngữ: 16; khoa Công tác xã hội: 19; khoa PaLi: 22; khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc: 27; khoa Hoằng pháp: 56 vị; khoa Lịch sử Phật giáo: 50; khoa Triết học Phật giáo: 59) và 122 cử nhân đào tạo từ xa.

Dịp này, Hội đồng HVPGVN TP.HCM cũng đã trân trọng trao Bằng Tiến sĩ danh dự cho Hòa thượng Yoshimizu Daichi tu sĩ Nhật Bản, bởi những đóng góp của Hòa thượng trong công cuộc đấu tranh Phật giáo 1963, cùng việc hỗ trợ giúp đỡ hàng ngàn Sinh viên du học tại Nhật Bản và gần 50 năm Hòa thượng đã giảng dạy, hoằng pháp tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, TT.Thích Huệ Thông – Phó văn phòng 2 TWGH cũng đã công bố quyết định tặng bằng Tuyên dương công đức của GHPGVN trao tặng cho cá nhân trong Hội đồng điều hành HVPGVN TP.HCM bởi những đóng góp to lớn trong việc đào tạo và giáo dục Tăng Ni sinh qua các khóa tại Học viện.

Phattuvietnam.net xin giới thiệu hình ảnh của buổi lễ Tốt nghiệp: