Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Không thể ước lượng

Không thể ước lượng

100

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:


Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Dễ ước lượng, khó ước lượng và không thể ước lượng.


Thế nào là hạng người dễ ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người tháo động, kiêu căng, lắm mồm lắm miệng, thất niệm, không tỉnh giác, tâm tán loạn, các căn buông thả. Này các Tỷ kheo, đây gọi là người dễ ước lượng.


Thế nào là hạng người khó ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người không tháo động, không kiêu căng, không lắm mồm lắm miệng, trú niệm, tỉnh giác, nhất tâm, các căn được bảo vệ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là người khó ước lượng.


Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không thể ước lượng? Ở đây, này các Tỷ kheo, bậc A la hán các lậu hoặc đã được đoạn tận. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người không thể ước lượng.


(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Đọa xứ, phần Không thể ước lượng, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.483)


LỜI BÀN:


Tất cả mọi biểu hiện qua hành vi, ngôn ngữ trong đời sống của con người đều được điều động, sắp xếp và chi phối từ trong tâm ý. Đức Phật từng chỉ rõ “Ý dẫn đầu các pháp” (Pháp Cú) hay “Tất cả do tâm tạo” (Hoa Nghiêm) để nói lên hoạt dụng vô cùng tận của tâm ý.


Khi một người chưa thiết lập được chính niệm thì tâm ý họ luôn rong ruổi theo trần, vọng động không ngừng khi đối duyên xúc cảnh. Với một đời sống hướng ngoại hoàn toàn, những người này rất dễ dàng bị ngoại cảnh cuốn hút, chi phối, vui buồn với những điều mắt thấy, tai nghe.


Cũng vì thiếu hướng nội nên đời sống của họ dần dần trở nên hời hợt, đánh mất sự vững chãi, sâu lắng và nhất là đánh mất cơ hội quán sát sâu sắc vào bên trong những biểu hiện bình thường của cuộc sống để hiểu nhau hơn. Do vậy, Thế Tôn gọi những người này là dễ ước lượng, dễ đo lường vì tâm họ theo cảnh mà phơi bày hết ra ngoài qua tham vọng, tật đố, si mê và tất cả phiền não nói chung.


Đối với người biết trú niệm, luôn chính niệm tỉnh giác và hộ trì các căn thì họ không giao động theo hoàn cảnh bên ngoài. Mặc dù tiếp xúc đầy đủ với mọi biến động của ngoại cảnh nhưng tâm họ vẫn bình an, bất động. Hạng người này luôn sống trong ung dung, tĩnh lặng mà sáng suốt tinh tường mọi sự. Không biểu hiện cảm xúc thái quá, an nhiên với mọi biến động nên khó mà biết được tâm ý của hạng người này.


Hạng người thứ ba, bậc A la hán đã diệt tận mọi lậu hoặc an trụ tâm siêu thế của các bậc Thánh nên không thể lấy suy xét phàm tình để đo lường, đánh giá hay “hiểu” được các ngài. Không chỉ loài người mà tất cả các loài khác như chư thiên, quỷ thần cũng không tìm ra dấu vết của những bậc đã an trụ tâm nơi vô sở trụ, thể nhập tính Không, tuệ giác vô ngã. Do vậy, Thế Tôn mới gọi các bậc A la hán là không thể ước lượng.