Trang chủ Đời sống Khu di tích núi Dinh: đã xanh lại rừng xưa

Khu di tích núi Dinh: đã xanh lại rừng xưa

166



  • Xưa – bảo vệ “vùng đỏ”…








Ni sư Thích Nữ Diệu Hòa, trụ trì tịnh xá Linh Sơn (bên trái) và thượng tọa Thích Vạn Thông bên vườn cây bạch đàn do nhà chùa trồng ở chân núi Dinh.


Chúng tôi bắt đầu chuyến du ngoạn lên núi Dinh dọc theo con đường lát đá, những viên đá núi xanh thẫm bám đầy rêu khô. Thượng tọa Thích Giác Quang, Chánh văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, từng có thời gian tu tập tại Linh Sơn vừa dẫn đường vừa kể: “Để có con đường này, các sư đã đổ rất nhiều công sức, mồ hôi và cả máu nữa. Thời kháng chiến nó chỉ toàn rừng là rừng, các sư phát cây thành con đường mòn nhỏ để làm lối đi. Sau giải phóng mới làm đến đường đá. Đá được các sư vác từ dưới chân núi lên từng viên một, phải mất mấy năm trời mới làm xong”.


Khu căn cứ núi Dinh nằm kề quốc lộ 51, chạy hình vòng cánh cung theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, đỉnh cao nhất là núi ông Trịnh, phần còn lại thoải dần về hai phía. Đầu thế kỷ XX, khu vực rộng lớn này là rừng nguyên sinh với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và các loại gỗ hiếm. Còn dưới tán rừng già là nơi cư trú của nhiều loài động vật như hổ, khỉ, nai, gioọc, gấu, heo, hoẵng, sóc, chồn, cầy hương, kỳ đà… Cuối năm 1952, Thị ủy Bà Rịa bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác (xã Long Sơn) về đây. Địa hình nơi đây phức tạp, hiểm trở, địch biết nhưng không thể nào tìm được nơi trú ngụ của lực lượng cách mạng.


Ni sư Thích Nữ Diệu Hòa, 72 tuổi, trụ trì chùa Linh Sơn kể: “Trong hai cuộc kháng chiến, núi Dinh là căn cứ an toàn che chở cho các đơn vị thuộc chiến trường miền Đông Nam bộ. Có thể nói, mỗi hốc đá, lùm cây, mỗi bờ suối đều là nơi cán bộ trú đóng, giúp chiến sĩ ta lập nên những kỳ tích anh hùng. Những năm 1962 – 1965, tổ đình Linh Sơn là nơi đóng chốt của đường dây Liên khu 5, biệt động Thành Đoàn TPHCM. Phong trào chống Mỹ sục sôi mãnh liệt, Linh Sơn trở thành hậu cần của lực lượng giải phóng quân.


Mặt trận liên minh lúc đó có hòa thượng Hưng Từ, Pháp Ngộ, cô Ba Xuyến Bến Tre, cô Năm Khéo Thành đoàn, chú Năm Bê bộ đội… thường ghé sinh hoạt tại tổ đình”. Chỉ vuông sân xi măng chừng hơn 20m2 nằm cạnh đường đi, ni sư Diệu Hòa bảo: “Ngay chỗ sân này nè, đêm nào cũng vậy, cứ 2-3 giờ sáng là cán bộ và bộ đội của mình về dừng lại nghỉ ở đây. Riết rồi quen, không đợi sư thầy bảo, chiều nào chúng tôi cũng nấu cơm để sẵn ở phía vách gỗ. Mấy chú ấy lấy cơm ăn, rồi tự dọn dẹp sạch sẽ lắm, không để lại một dấu vết nào”.


Năm tháng qua đi, nhiều người vẫn bồi hồi xúc động khi nhắc đến khu căn cứ núi Dinh với những địa danh từng gắn bó với cán bộ chiến sĩ qua từng trận đánh, qua những chiến công. Đó là những hang Dây Bí, hang Tổ, hang Mai, chùa Diệu Linh, bưng Lùng, hang Dơi… Ni sư Diệu Hòa nhớ lại: “Năm 1968, trên trời máy bay địch lượn như chuồn chuồn, dưới đất thì lính Mỹ đi tuần từng tốp. Chùa Linh Sơn bị bom phá đổ nát hoang tàn. Tôi và các ni chạy lên hang Tổ tránh bom và bị lính Mỹ bắt. Chúng tôi bị bịt mắt, đưa về sân bay Long Thành điều tra. Hai ngày trời thấy không khai thác được gì, chúng thả cho về”. Theo sư Diệu Hòa, lúc này hang Tổ là trạm trung chuyển lương thực của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa. Và trận đánh Mậu Thân năm đó, bộ đội Long Khánh trước lúc xuống đường đã tập kết tại đây.




  • Nay – nuôi dưỡng “vùng xanh”








Rừng tràm chưa đầy 1 năm tuổi do các tăng ni tịnh xá Linh Sơn trồng và bảo vệ dưới chân núi Dinh. Ảnh: M.A


Sau giải phóng, cả khu vực núi Dinh rộng lớn chịu thương tích nặng nề của bom đạn chiến tranh. Những người dân lại phá rừng lấy gỗ, hàng ngàn gốc cổ thụ quý hiếm còn sót lại bị chặt phá. Những cánh rừng chưa kịp lành vết thương lại một lần nữa oằn mình xơ xác. Đau lòng trước cảnh ấy, năm 1979, ni sư Huệ Giác vận động hơn 100 tăng ni phật tử chung tay, vừa tuyên truyền để người dân không phá rừng, vừa trồng cây phủ xanh cho những khu đồi trọc. Không chỉ phủ xanh hơn 25ha rừng trên khu vực núi, các tăng ni còn trồng thêm hàng chục hécta quanh chân núi.


Thượng tọa Thích Vạn Thông kể: “Tất cả mọi người đều tham gia trồng rừng, có cây gì trồng cây nấy. Được chừng 2-3 năm, người dân – hầu hết là dân kinh tế mới – kéo lên phá rừng lấy gỗ, vì lúc đó gỗ bán được  khá nhiều tiền. Không cho chặt đốn cây thì họ đốt rừng. Các tăng, ni phải chia ca canh giữ rừng cả ngày lẫn đêm. Không thể kể hết bao nhiêu vụ cháy, bao nhiêu cây bị đốn hạ, cứ 2-3 ngày là họ lại đốt rừng, cá biệt có ngày chúng tôi chữa cháy đến 3 lần”.
 
Năm 1987, UBND huyện Châu Thành có quyết định giao 15ha đất cho tổ đình Linh Sơn, theo chủ trương của nhà nước kêu gọi cá nhân, tổ chức tham gia trồng và bảo vệ rừng. Sư Diệu Hòa tâm tư: “Người dân ở đây đa phần là dân kinh tế mới, đời sống khó khăn nên chỉ quen nhìn những việc lợi trước mắt mà không biết đến cái hại về sau này”.


Vậy là phòng khám bệnh phát thuốc miễn phí ra đời, khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn người dân nghèo ở địa phương. Qua vận động tuyên truyền, người dân đã ý thức được tác hại của việc phá rừng và cùng nhà chùa tham gia nuôi dưỡng mầm xanh. Những cánh rừng tràm, bạch đàn, bằng lăng xanh mướt mọc lên đã phủ xanh vùng đồi núi trọc.


Đặc biệt, nhà chùa còn gây trồng những loại cây quý hiếm như sao, dầu, xà cừ, giá tỵ… Phấn khởi trước những kết quả này, ngay năm sau, huyện lại đề nghị giao tiếp cho nhà chùa 10ha đất khu vực quanh chân núi. Và tính đến nay, tổng diện tích đất nhà chùa nhận trồng và bảo vệ rừng lên đến hơn 300ha. Trong đó, nhà chùa đã gây trồng, chăm sóc và bảo vệ khu rừng khoanh nuôi 55ha, khu rừng phòng hộ 36ha và hơn 200ha rừng tạp…


Với khoảng 40 am cốc chung quanh chân núi làm “vệ tinh”, công tác bảo vệ rừng ngày càng được nhà chùa tổ chức theo quy mô chặt chẽ và nề nếp. Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Tân Thành, hòa thượng Thích Giác Cầu nhận xét: “Ngoài việc trồng rừng để cải tạo môi trường, nhà chùa còn sử dụng nguồn lợi thu được từ rừng chăm lo cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người dân nghèo. Đây là cách làm ý nghĩa, mô hình trồng và bảo vệ rừng hiệu quả, rất đáng khích lệ”.