Trang chủ Văn hóa Kim Dung: Đứa con võ hiệp của Phật giáo (phần một)

Kim Dung: Đứa con võ hiệp của Phật giáo (phần một)

78

Do vậy, thử nhìn sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, một trào lưu văn học đã tạo nên cơn sốt vào những năm 60-70 của thế kỷ trước chắc chắn sẽ cho người đọc nhiều bất ngờ.


Ai cũng biết rằng, Phật giáo không chỉ có một địa vị quan trọng trong các tôn giáo trên thế giới mà nó còn cấu thành nên một bộ phận hữu cơ của văn hóa Trung Quốc. Phật giáo truyền sang Trung Quốc từ Lưỡng Hán, dung hợp với nền văn hóa Trung Nguyên dần dần đã hình thành nên một tôn giáo mang nhiều đặc sắc Trung Quốc.


Do quá trình hình thành lâu dài, tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Quốc. Trong đó, sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến văn học cũng rất lâu dài và to lớn.


Không chỉ rất nhiều những giáo nghị, kinh điển, kinh văn,… (vốn được coi là những hình thức khác nhau của văn văn học) mà đơn giản như một câu chuyện ngụ ngôn của Phật giáo, những tác phẩm văn học mang triết lý Phật giáo (như Tây du ký hay Hồng lâu mộng) đều là những tác phẩm mang màu sắc Phật giáo rất phổ biến trong lịch sử văn học Trung Quốc. Chúng đều có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, tư tưởng cũng như cuộc sống của con người Trung Quốc.


Bên cạnh đó, văn hóa hiệp nghĩa trong các tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc cũng là một lưu phái rất quan trọng. Tới những năm 60-70 của thế kỷ XX đã đạt tới đỉnh cao mới. Trong đó, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong mà cả ngoài nước.


Do đó thử nhìn những ảnh hưởng của Phật giáo trong tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung nói riêng chắc chắn sẽ cho chúng ta những khám phá thú vị.


Trung Quốc và truyền thống tiểu thuyết võ hiệp


Là loại nhân vật có giá trị đặc biệt trong xã hội Trung Quốc cổ đại, hiệp khách, ngay từ thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc đã hoạt động rất mạnh. Tới đời Tống, một trong tứ đại kỳ thư – Thủy Hử – là tác phẩm khơi dòng cho tiểu thuyết anh hùng truyền kỳ, đồng thời cũng đã đặt nền móng cho nghệ thuật tư tưởng và quy mô sáng tác của tiểu thuyết võ hiệp thời Minh Thanh.


Thời Minh Thanh, tiểu thuyết võ hiệp thịnh hành chưa từng có, đánh dấu sự trưởng thành của một loại sáng tác cận văn học (hay còn gọi là văn học thông tục). Trong thời gian đó những Nữ nhi anh hùng truyện, Hiệp nghĩa phong nguyệt truyện, Tế Công truyện… đều được lưu truyền rộng rãi. Bản thân thể loại tiểu thuyết võ hiệp cũng xuất hiện nhiều biến hóa khác nhau.


Việc phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc được nhiều người giải thích là do nguyên nhân tâm lý:


“Người Trung Quốc rất có thiện cảm với tinh thần hiệp nghĩa của văn hóa dân gian. Đồng thời, tiếp nhận những thể nghiệm tâm lý của sự tự do tự tại của hiệp khách Trung Quốc giúp họ bù lấp về mặt tình thần nhu cầu tự do của mình.


Do tinh thần võ hiệp chính là một loại “vô thức tập thể” của người Trung Quốc nên không chỉ gợi dậy tâm lý phục cổ đối với tính quả cảm của dân tộc Trung Quốc mà còn giúp cho người tiếp nhận đạt được đến cảm giác siêu thoát của tự do. Đây chính là cơ sở tâm lý khiến cho tinh thần hiệp nghĩa luôn có ảnh hưởng sâu sắc không hề suy giảm trong tầng sâu tâm lý của người Trung Quốc”.


Tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc tuy nói là hình thành từ thời cổ đại nhưng thực chất chỉ hưng thịnh khoảng 200 năm trở lại đây. Cuối đời Thanh, xuất hiện Tam hiệp ngũ nghĩa cho đến Nhi nữ anh hùng truyện… là những đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp thời cận đại. Sau thời Dân quốc, Bình giang bất tiêu sinh, Hoàn Châu lầu chủ, Vương Độ Lư,… là những tên tuổi tạo nên đỉnh cao thứ hai của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc.


Thời đại thứ 3 là những người sáng tác vào những năm 50 của thế kỷ trước bao gồm những tên tuổi như Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long… Các tác giả này gây nên những cơn sốt thực sự trong công chúng. Ảnh hưởng của họ vượt ra khỏi phạm vi Trung Quốc sang cả Đông Nam Á, thậm chí là Âu Mỹ. Trong đó Kim Dung được coi là bậc “võ lâm minh chủ” của những tác giả võ hiệp.


Ông không chỉ là niềm mong đợi của các tác giả võ hiệp thế hệ thứ 3 mà điểm mặt toàn thể sự phát triển của tiểu thuyết võ hiệp, không thể tìm được người thứ 2 thành công như ông.


Phật giáo và tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa


Phật giáo trong văn hóa Trung Quốc không chỉ là một tôn giáo đơn thuần mà là một triết học. Trong văn hóa tinh thần Trung Quốc, nó tạo thành một bộ phận cực kỳ trọng yếu, là một viên ngọc quý trong di sản văn hóa của người Trung Hoa. Phật giáo không chỉ là tinh túy, là nguồn mạch trọng yếu được kế thừa từ đời này qua đời khác trong đời sống tinh thần của các văn nhân học giả mà còn là yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của dân gian.


Phật giáo hình thành từ thế kỷ VI TCN ở Ấn Độ, ra đời như một trào lưu chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp rất hà khắc khi đó. Nhưng sau đó, nhờ tư tưởng bình đẳng của nó, Phật giáo đã nhanh chóng tìm được sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Ấn Độ mà rất nhiều nước ở châu Á khác. Đời Lưỡng Hán, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc.


Sau đó, nhanh chóng kết hợp với tư tưởng bản địa sản sinh ra Thiền Tông, Thiên Đài Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Tĩnh Thổ Tông, Luật Tông, Mật Tông, Tam Luân Tông bao gồm 8 tông phái lớn.


Chính vì Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với người Trung Quốc nên “duyên phận” của tôn giáo này với văn học là chuyện không thể nghi ngờ. Ngoài việc dùng lời trong kinh Phật, hay Phật kệ là những thể loại văn học Phật giáo thì từ xưa tới nay những tác phẩm mang màu sắc Phật giáo, thể hiện tư tưởng Phật giáo là không ít.


Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung rất phong phú, bao gồm những vấn đề của văn hóa truyền thống Trung Hoa trong đó có không ít những tư tưởng tôn giáo. Phật giáo cũng không ngoại lệ, thậm chí có thể nói là tôn giáo có ảnh hưởng khá lớn đến tư duy tự sự tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.


Tuy nhiên, không phải Kim Dung biến tiểu thuyết thành những cuốn lý luận Phật giáo mà chỉ mang được tư tưởng với bộ phận lý luận Phật giáo. Do đó chỉ có thể nói đến màu sắc Phật giáo trong tiểu thuyết của Kim Dung mà thôi.


Ảnh hưởng của Phật giáo đến tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung – những biểu hiện tổng thể


Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tiểu thuyết Kim Dung thể hiện ở nhiều cấp độ: Cấp độ thứ nhất thể hiện ở việc ông trích dẫn hoặc sử dụng rất nhiều khái niệm bắt nguồn từ sách kinh Phật trong tác phẩm của mình. Thứ hai là tiểu thuyết của ông thể hiện tư tưởng mang màu sắc Phật giáo.


Trong tiểu thuyết của Kim Dung xuất hiện tên rất nhiều bộ kinh Phật, chẳng hạn như Đại Khánh Nghiêm luận kinh trong Anh hùng xạ điêu, Phật thuyết mẫu lộc kinh trong Thần điêu đại hiệp, Kim cương kinh trong Ỷ thiên đồ long ký, Diệu pháp liên hoa kinh trong Tiếu ngạo giang hồ


Ngoài ra, rất nhiều chiêu thức võ công trong tiểu thuyết của Kim Dung bắt nguồn từ kinh Phật. Chẳng hạn như: Bát trận bát quái chưởng, Đại cửu thiên thủ, Kim cương chưởng, Giáng long thập bát chưởng, Cửu âm bạch cốt trảo, Niêm hoa chỉ, Vô tướng kiếp chỉ, Tịch diệt trảo, Bát nhã kim cương chưởng, Đạt ma kiếm pháp, Đại từ đại bi thiên diệp thủ, Tiểu vô tướng công, Thiếu lâm cầm nã thập bát đả, Kim cương phục ma công,…


Từ đó có thể phân chia làm 4 loại chính: Một loại liên quan đến các khái niệm triết học của tôn giáo như huyền, nguyên, khí, thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, càn khôn, ngũ hành, thất thương, vô tướng, vô vọng, từ bi, tịch diệt, bát nhã,…


Một loại khác liên quan đến kiến trúc, địa danh, tổ chức lưu phái của tôn giáo chẳng hạn như: Thiếu lâm, Võ đang, Hoa sơn, Thiên trúc,… Một loại nữa liên quan đến các nhân vật tôn giáo như Phật, Như Lai, Thích Ca, Đạt Ma. Loại cuối cùng liên quan đến tư tưởng triết học tôn giáo như Tam độc, Nghiệp chướng, Danh tướng, Nhân quả,…


Ngoài ra, tư tưởng Phật giáo tồn tại khắp trong các chi tiết của tiểu thuyết Kim Dung. Chẳng hạn như trong Thiên long bát bộ, nhân vật Hư Trúc khi uống nước vẫn đọc kinh Phật: “Phật nhìn một bát nước, 8 vạn 4 ngàn con vi trùng. Nếu không giữ lời chú này, thì không khác gì ăn thịt chúng sinh”.


Hay như trong Tuyết sơn phi hồ, Liên Hồ Phỉ đối với tình yêu của Viên Tử Y cũng dùng khái niệm của Phật giáo để kết luận: “Toàn bộ chuyện ân ái thường không tồn tại lâu dài. Trên đời có nhiều điều phải sợ sệt, mệnh nguy cũng đã sớm lộ ra rồi. Vì tình mà sinh ưu sầu, vì tình mà sinh sợ hãi. Không bằng bỏ ái tình, không lo cũng không sợ”.


Phật giáo cho rằng, cuộc đời con người sinh ra đã là nghiệp, do vậy phải chịu nhiều nỗi phiền muộn, nhưng cơ bản có thể phân chia làm 3 loại là tham, sân và si.Đó là ba thứ gốc rễ gây nên phiền muộn của con người, khiến con người không được giải thoát, nên gọi là tam độc, cũng gọi là tam cấu (ba thứ dơ bẩn) hay tam hỏa.


Tham bắt nguồn từ cách dịch ý của từ Raga trong tiếng Phạn. Chỉ tham lam, ham muốn. “Tham lam tài vật thì gọi là tham”. Bao gồm loại người tham lam quyền lực, tiền bạc, danh tiếng, địa vị, tình nghĩa, nghệ thuật,… Nói cách khác là loại người muốn hưởng lạc và chiếm hữu.


Sân bắt nguồn từ ý của từ Pratigha trong tiếng Phạn. Chỉ tâm lý thù hận hay muốn làm tổn hại người khác. Trong Đại thừa ngũ uẩn luận nói: “Thế nào gọi là sân? Đó là lấy việc làm tổn hại người khác làm vui”. Sân bao gồm những loại người mang tâm lý thù hằn, đố kỵ, báo thù hay muốn làm hại người khác.


Si cũng bắt nguồn từ chữ Phạn là Moha hoặc Mudha. Tức là sự ngu muội vô tri, không biết việc gì. Cũng gọi là vô minh (bắt nguồn từ Avidya trong tiếng Phạn), cũng có gọi là hoặc (nghi hoặc) hay ngu hoặc.


Theo cách nhìn của Phật giáo thì chính vì sự tham dục này mới sản sinh ra sản phẩm văn minh xã hội (gồm vật chất và tinh thần). Vì thế, Phật giáo cho rằng văn minh xã hội là không thuần khiết, là nguyên nhân dẫn đến các loại tội ác. Do đó, việc con người theo đuổi những dục vọng chính là một sự ngu dại. Chính vì vậy, tham, sân, si mới được Phật giáo coi là “tam độc” (ba thứ gây hại).


Trong các tiểu thuyết của Kim Dung chủ yếu chú ý đến câu chuyện của loại người đầy tham dục này. Đó là loại người theo đuổi quyền lực, thanh danh của những vương vị, giáo chủ, chưởng môn, võ lâm minh chủ hay thiên hạ đệ nhất hay tham lam mỹ nữ và ái tình…


Cho nên, hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp đều là những câu chuyện ân oán giang hồ theo dạng: “gặp họa diệt môn – gặp cao nhân truyền thụ – thành nghệ xuống núi báo thù – cơ duyên trùng hợp, gặp được bảo đao, bảo kiếm hay võ công bí kíp, gặp được mỹ nhân”…


Như thế, tam độc nhân sinh cũng chính là mô thức tự sự của tiểu thuyết võ hiệp. Trong tiểu thuyết Kim Dung, chủ yếu là biểu hiện tham, sân, si đối với tiền bạc, địa vị, thanh danh, và quyền lực.


Chẳng hạn như nhân vật Càn Long trong Thư kiếm ân cừu lục vốn không phải là kẻ đại gian đại các, bất trung bất nghĩa nhưng lại là người theo đuổi tiền bạc, thanh danh, địa vị, quyền lực. Ông ta cho rằng bản thân mình không phải là dòng dõi Mãn tộc cũng đủ thấy lòng trung của ông ta đối với cha mẹ và dân tộc mình. Nhưng khi ông ta giành được quyền lực và địa vị thì ngay lập tức thay đổi, không chỉ quay ra tàn sát hàng loạt những đồng bào của mình mà còn lập mưu tiêu diệt tận gốc đối với Trần Gia Lạc, hội trưởng Hồng hoa hội, trở thành kẻ bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa.


Hay như Thành Cát Tư Hãn trong Thần điêu đại hiệp hay Gia Luật Hồng Cơ trong Thiên Long bát bộ đối với Quách Tĩnh và Tiêu Phong đều coi là người bạn, đàn anh có tình có nghĩa nhưng đối với người dân họ lại là kẻ làm chính trị, rất vô tình vô nghĩa. Họ chiếm thành, giết dân, coi người dân như cỏ rác. Họ có thể nói đều là những kẻ nô lệ của quyền lực, thanh danh và địa vị.


Đó là với những bậc vua chúa thành công, còn đối với những kẻ bị ức hiếp bên dưới, sự tham lam đối với quyền lực địa vị lại càng là vô hạn. Kẻ thất bại biến thành giặc cỏ như Lý Tự Thành trong Bích huyết kiếm hay kẻ đi đến thành công trở thành đấng quân vương như Chu Nguyên Chương trong Ỷ thiên đồ long ký đều là loại người tham lam quyền lực.


Cho nên những kẻ này bao giờ cũng từ một lãnh tụ nghĩa quân cứu dân khỏi cơn nước lửa biến thành kẻ cướp đoạt chính quyền, tác oai tác phúc với thiên hạ, từ kẻ giúp thiên hạ thoát khỏi thống khổ biến thành kẻ tạo ra thống khổ cho thiên hạ.


Do đó có thể thấy, sự tham lam đối với quyền lực, địa vị, thanh danh chính là tính chất chung của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến. Trong việc theo đuổi quyền lực và địa vị, họ đều dùng thứ logic cường đạo của chính trị: Thiểu số phải phục tùng một cách vô điều kiện đa số, cấp dưới phục tùng vô điều kiện cấp trên từ đó mà “hợp pháp hóa” lòng tham của cá nhân mình thành công việc mang lại lợi ích cho trăm dân, để trở thành “cứu tinh” của nhân dân đang lầm than.


Trong giới giang hồ, nhân vật Đoàn Diên Khánh trong Thiên Long bát bộ cả đời theo đuổi vương vị, hay Đinh Xuân Thu (Thiên Long bát bộ) cho đến Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành (Tiếu ngạo giang hồ) đều theo đuổi ngôi vị võ lâm minh chủ, thiên hạ đệ nhất.


Lòng tham dục này theo lý thuyết Phật giáo có mối liên thông chặt chẽ với tinh thần con người. Lòng người đầy tham dục thì thế giới tinh thần bao giờ cũng đại gian đại ác. Vì thế mà Đoàn Diên Khánh trở thành một trong tứ đại ác nhân, hiệu xưng là “Ác quán mãn doanh” (Tội ác khắp nơi), Đinh Xuân Thu trở thành “Tinh túc lão quái”, mối họa của giang hồ…


Ngoài ra, những người lãnh tụ nghĩa quân phản Thanh, phục Minh như Trần Gia Lạc hội chủ của Hồng hoa hội trong Thư kiếm ân cừu lục hay Trần Cận Nam hội chủ Thiên địa hội, từ giác độ nhân bản và phát triển của Phật giáo mà nói, thì không khác gì nhiều so với cuộc đấu tranh phục quốc của cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục trong Thiên Long bát bộ, đều bắt nguồn từ sự tham lam đối với thanh danh.


Bởi vì, thực tế, quốc gia dân tộc không ngừng có những biến động và phát triển. Vì thế việc theo đuổi một hình thái quốc gia, dân tộc đã là quá khứ là việc làm hoàn toàn vô vọng. Đó thực tế chỉ là cái cớ để họ theo đuổi lòng tham thanh danh và quyền lực của mình mà thôi.


Trở lên là những kẻ tham, sân, si đối với quyền lực, thanh danh. Phật giáo còn khuyên con người không tham, sân, si ngay cả trong tình yêu nam nữ. Vì vậy mới có những trường hợp như: Nam Lan trong Tuyết sơn phi hồ, dưới trăng trước hoa nghe những lời dụ dỗ ngọt ngào đã vứt bỏ đứa trẻ còn quấn tã; Mã Xuân Hoa trong Phi hồ ngoại truyện cũng vì như vậy mà làm mất tính mạng của bản thân và vị huynh đệ thiện lương của mình; Lý Mạc Sầu trong Thần điêu đại hiệp bởi vì thất tình mà thành ma, tàn sát người vô tội; Khang Mẫn trong Thiên Long bát bộ cũng vì không tình yêu của mình đối với Tiêu Phong không được đền đáp cũng gây nên tai họa lớn trong giới võ lâm… Tất cả những trường hợp này đều là không thoát khỏi sự ngu muội, vô minh của tình yêu nam nữ mà nhận lấy kết cục rất bi thảm.


Như vậy có thể thấy, Phật giáo từ khi truyền vào Trung Quốc đã ăn sâu trong tâm thức và trở thành một bộ phận cơ hữu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân của quốc gia này.


Sự ảnh hưởng của Phật giáo đến tiểu thuyết võ hiệp, đặc biệt là tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, trên nhiều cấp độ có thể cho thấy một biểu hiện quan trọng của những ảnh hưởng to lớn của Phật giáo đến đời sống văn hóa của người Trung Quốc trong xã hội hiện đại.


Hết phần một, xem phần hai