Trang chủ Quốc tế Kumari – Nữ thánh hộ quốc Nepal họ Thích Ca

Kumari – Nữ thánh hộ quốc Nepal họ Thích Ca

176

Nữ thánh đồng trinh Kumari tại Nepal là người bảo trợ cho Quốc vương và toàn bộ vương quốc. Người ta tin rằng Nữ thánh Đồng trinh có một quyền lực siêu nhiên có thể bảo trợ vận mệnh cho Quốc vương và làm cố vấn cho ngài mỗi khi có một vấn đề nan giải vì Kumari tại Nepal là hiện thân vật chất của Taleju Bhavani – Nữ thần Rắn (Naga Goddess) bảo trợ vương quốc Nepal (một trong các hóa thân của Nữ thần tối cao Durga). Nguồn gốc của việc tôn thờ một bé gái đồng trinh là hiện thân của Nữ thần Rắn Taleju đã khuất chìm trong những lớp sóng thời gian. Người ta tin rằng việc tôn thờ Kumari đã xuất hiện ở Nepal trước kỷ nguyên Tây lịch. Tuy nhiên, những văn bản cổ nhất đã được công bố của văn khố Nepal cũng chỉ có tuổi chừng 1.000 năm trở lại đây. Nhiều huyền thoại giải thích xuất xứ tục lệ này đã xuất hiện để bổ sung cho lịch sử. Một trong những huyền thoại thường được kể nhất và có tên tuổi nhân vật xác định là huyền thoại về vua Siddhinarasimha và con rắn đỏ.


Vào thời vua Siddhinarasimha trị vì (thế kỷ thứ XVII), ông luôn tôn kính thờ phụng Nữ thần Taleju. Mỗi khi có vấn đề cần được cố vấn, ông thường thỉnh nguyện và được Nữ thần Taleju hiện thân để giải đáp hoặc cho ông các lời khuyên. Một hôm, đang ngồi chơi Tripasa (trò chơi đổ ba con xúc xắc), ông thấy một con rắn đỏ như máu trườn vào phòng riêng của mình. Trước mắt ông như hiển hiện hình ảnh tuyệt mỹ của vị Nữ thần Taleju. Nàng có làn da đỏ rực như vàng trong lửa, đôi mắt lấp lánh trong bóng đêm, bộ ngực căng phồng đẹp như vầng trăng trên biển cả… Tâm trí ông khởi lên những dục niệm tình ái với hình ảnh ấy. Trong khi đó, bên ngoài căn phòng, hoàng hậu của ông đang nổi cơn ghen nhìn vào phòng qua lỗ khóa. Đáng sợ thay dục vọng! Đột nhiên Nữ thần Taleju xuất hiện thực sự trước mặt hai người. Nữ thần đọc được ý nghĩ của nhà vua và biết được hành động không đoan chính của hoàng hậu. Taleju kết tội hai người đã xúc phạm đến thần linh và xúc phạm đến chính bản thân họ. Để trừng phạt, Nữ thần tuyên bố sẽ không hiện thân cho nhà vua gặp nữa, kể từ lúc đó nhà vua muốn cầu xin hoặc thỉnh vấn Nữ thần phải ra khỏi hoàng cung và chỉ được thấy Nữ thần trong hình ảnh một bé gái đồng trinh con của một dòng họ thuần khiết. Dòng họ được chính Nữ thần Rắn Taleju chỉ định đó là dòng họ Shakya (Thích Ca).


Việc Nữ thánh Đồng trinh của Hindu giáo chỉ được là người của một dòng họ thuần khiết đạo Phật là điểm đặc sắc nhất của tục lệ này tại Nepal. Nó cũng gây nên bao nghi vấn cho các nhà nghiên cứu quanh một điểm hết sức mâu thuẫn: người hộ mệnh cho quốc vương và vương quốc theo Hindu giáo, được tất cả thần dân Hindu giáo thành kính tôn thờ lại là một Phật tử, hơn thế nữa có huyết thống với người đã sáng lập ra một tôn giáo vĩ đại trong xã hội Hindu giáo cổ đại.


Quá trình tuyển chọn một bé gái làm một Nữ thánh đồng trinh – Kumari cũng hết sức phức tạp và bí mật giống như việc tuyển chọn Đạt lai Lạt ma tại Tây Tạng. Còn nhớ, buổi đầu tiên đến Kathmandu, tôi lang thang thăm viếng các di tích di sản văn hóa thế giới. Lần mò tìm được chỗ ở của Kumari (Kumari Ghat) mới biết khách lạ không được vào trong gặp Kumari,  tôi đã phải đợi đến tận 4 giờ chiều chỉ để thấy cái bóng đỏ của Kumari xuất hiện trên một ô cửa sổ cao chưa đến mười giây. Cấm quay phim, chụp hình. Tôi và các du khách khác đành tiu nghỉu ra về. Sau này biết được Kumari là một Shakya, tôi lại có một may mắn nữa là quen biết với một vị Shakya có thành viên trong gia đình đã từng làm Kumari. Đúng là ước gì được nấy! Tôi được ông đưa đến diện kiến Kumari hiện tại. Trong một gian phòng mờ tối, nghi ngút khói hương, Kumari là một cô gái mười tuổi ngự trong một chiếc ngai thấp, hai tay vịn bằng bạc, một mũ miện hình mào chim công cũng bằng bạc gắn vào ngai ngay phía trên đỉnh đầu Kumari. Tôi thành kính lễ chào một thành viên họ Shakya – người được cả Vương quốc Nepal tôn thờ. Có lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên diện kiến Kumari. Nữ thánh cũng thế, cô thích thú khi lần đầu tiên gặp một Phật tử Việt. Cô ban phước cho tôi và làm một dấu Tikka (dấu hiệu ban phước thiêng liêng bằng bột màu đỏ ngay giữa trán) đỏ rực nơi trán tôi, đây là một ân sủng hiếm có vì nó chỉ được dành cho Quốc vương và Hoàng gia Nepal. Cô lấy bánh trái ban cho tôi và vui vẻ trò chuyện. Gần nửa năm sau, trong lễ hội Machhendranath gần đây, tôi mới có dịp gặp lại Kumari. Không ngờ Nữ thánh vẫn còn nhớ đến tôi, cô mỉm cười khi trông thấy tôi chen chúc trong đám đông chiêm ngưỡng cô. Chờ đến lúc bớt người, Nữ thánh vẫy tôi lại gần và một lần nữa lại ban cho tôi một dấu hiệu Tikka đỏ rực làm mọi người xung quanh trầm trồ ghen tỵ.


Như trên đã nói, Kumari chỉ được tuyển chọn từ họ Shakya. Tôi được ông Bijay Shakya cho biết sơ qua thể thức tuyển chọn một Kumari. Thể thức tuyển chọn này phối hợp cả Phật giáo và Hindu giáo. Đầu tiên, trong cộng đồng Shakya có một Ủy ban sơ tuyển mà thành viên là người đứng đầu các bahan. (Một bahan là một cộng đồng Shakya quanh một ngôi chùa, có thể coi như một khu phố). Ủy ban thông báo cho tất cả các gia đình Shakya có con gái từ hai tuổi trở lên tham gia tuyển chọn Kumari và sơ bộ xem xét huyết thống người dự tuyển. Kế đó, một nhóm 5 Panca Buddha (viên tư tế Phật giáo Vajracarya của họ Shakya – tương đương với tư tế Brahmin – Bà la môn của Hindu giáo) gọi là Gubhaju sẽ làm một cuộc sát hạch cô bé dự tuyển trong một gian phòng kín gần hoàng cung trước sự chứng kiến của vài thành viên trong gia đình cô gái. Tiêu chuẩn đầu tiên là cô gái phải có đủ 32 tướng tốt như Đức Phật. Tổng quát thì cô phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh đậu mùa, làn da tươi sáng, tóc và mắt đen, thân thể không hôi, chưa có kinh nguyệt và chắc chắn không thiếu mất một cái răng nào (vì cô sẽ là hiện thân của Thần Rắn Taleju). Cô cũng phải có gò má giống như sư tử, một dáng ngồi giống như một cây bồ đề. Các đức tính của cô phải trải qua kiểm tra là bình tĩnh và không sợ hãi. Các viên tư tế cũng chú ý đặc biệt đến những dấu hiệu tái sinh của các kiếp quá khứ của cô.


Sau khi được Gubhaju tuyển chọn, cô gái lại được đưa đến viên tư tế của Hoàng gia Bada Gurudu, người giữ đền Taleju, để vị này xem xét lá số tử vi. Lá số của cô phải tuyệt đối không được xung khắc với lá số của quốc vương đương trị vì. Nếu không có vấn đề gì thì chính vị Bada Gurudu sẽ bồng cô vào hoàng cung để nhà vua dâng tặng cô một đồng kim loại. Cô gái sẽ quay về nhà trong vòng 3 đến 4 tuần. Trong thời gian đó, Taleju sẽ từ từ thể nhập vào cô. Sau đó, một cuộc trắc nghiệm cuối cùng kiểm tra việc thể nhập của Nữ Thần Taleju vào cô gái đồng trinh qua sáu vị trí trên cơ thể của cô; nếu sự thể nhập này hoàn hảo, cô gái họ Shakya đó kể từ lúc ấy sẽ là Nữ thánh sống (Living Goddess) của cả Vương quốc Nepal, có nhiều năng lực siêu nhiên, đọc được ý nghĩ người khác,… Khi đã được chính thức là một Kumari, cô phải rời gia đình đến sống trong Kumari Ghat, phải luôn mặc đồ màu đỏ, vẽ một con mắt thứ ba giữa trán, chân nhuộm đỏ, mang những món trang sức lưu truyền từ Kumari đời trước, ngự trên một cái ngai chạm trổ hình rắn đặt giữa một Sri Yantra Mandala  đầy quyền lực của Taleju. Kumari sẽ không còn dùng tên thật, sống khép kín trong Kumari Ghat, không tiếp xúc với người lạ. Nữ thánh sẽ tự động trở về đời sống bình thường khi có kinh nguyệt lần đầu tiên, hoặc bị chảy máu vì bất cứ lý do gì, hoặc mất một chiếc răng. Nhiệm vụ của Nữ thánh là phải vận dụng tất cả quyền lực siêu nhiên của Taleju thể nhập trong cô để bảo vệ nhà vua và vương quốc như một Mẫu hậu tối cao. Hàng năm vào dịp Lễ Dasain, Quốc vương và các thành viên Hoàng gia cùng các vị đứng đầu Chính phủ phải đến diện kiến Kumari để được cô ban phúc lành và làm dấu Tikka.


Là một người họ Thích Ca, theo Phật giáo, nhưng cô ta được tín đồ của cả Ấn Độ giáo và Phật giáo tại Nepal tôn thờ như thánh sống. Đây là một bí ẩn lớn nhất của đời sống tôn giáo và Hoàng gia Nepal mà các nhà nghiên cứu hiện tại vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Trực giác của riêng tôi lại cảm thấy hình như có sự liên quan giữa bí ẩn này và câu chuyện vương tử Thích Ca kết hôn cùng Long nữ được ngài Huyền Trang kể lại trong hồi ký của mình.


Tôi tạm quên những nguyên nhân bí ẩn đó, chỉ biết rằng một thành viên của dòng Thánh tộc Shakya được Vương quốc Nepal tôn thờ là đủ. Tôi đã có được diễm phúc diện kiến Kumari, được Nữ thánh ban phúc lành, vẽ một dấu hiệu may mắn đỏ rực lên trán và trò chuyện cùng tôi. Đó là một kỷ niệm đẹp và quý giá của tôi tại Nepal. Một hạnh phúc không dễ gì tìm thấy được. Có lẽ Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi, dắt dẫn tôi tìm hiểu về những hậu duệ còn lại trong dòng họ của Người. Tôi tin như thế!


Patan, tháng 6-2006