Trang chủ PGVN GHPGVN Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN: Giáo hội Phật giáo luôn...

Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN: Giáo hội Phật giáo luôn cống hiến vì sự phát triển đất nước

152
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ TP Hồ Chí Minh nguồn lực chống dịch. Ảnh: CÔNG MINH

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa truyền thống hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Giáo hội đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo phương châm “Ðạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực

Phát huy truyền thống yêu nước, yêu dân tộc của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, động viên Phật tử thực hiện tốt đường lối chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nay là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Phật giáo đã có nhiều hoạt động của các cấp Giáo hội và đông đảo Tăng, Ni, Phật tử trợ giúp kịp thời, thiết thực, hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 chung tay cùng các cấp chính quyền và nhân dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, các trường hợp người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ tại miền trung.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều năm qua đã có những hoạt động thiết thực để góp phần làm giảm sự xuống cấp đạo đức trong thanh thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các hoạt động Phật pháp. Thông qua đó, giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo hiếu cha mẹ, thầy cô,… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tư tưởng nhập thế Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người, đưa con người đến cuộc sống “chân – thiện – mỹ”, từ đó làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngày nay, các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm, tòa thánh và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ðây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, nghe giảng và trải nghiệm đời sống thiền môn. Như vậy, các điểm hành hương tâm linh còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội. Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc chung tay cùng các cấp chính quyền giúp đỡ những người có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, sớm vượt qua để ổn định cuộc sống thông qua công tác phúc lợi xã hội như: Khám, chữa bệnh miễn phí tại các chùa, tự viện trên cả nước; đào tạo miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên.

Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, các công tác liên quan đến từ thiện xã hội đều được Giáo hội quan tâm sâu sắc, chỉ đạo động viên Tăng, Ni, Phật tử và các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Với hệ thống hơn 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hơn sáu trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, trên mười phòng khám tây y, đông tây y kết hợp đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tham gia củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân

Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của đông đảo Phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho Tăng, Ni, Phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Với tư cách là thành viên trong khối Ðại đoàn kết toàn dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm “Ðạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Các Ban Trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo trong toàn quốc thường xuyên động viên Tăng, Ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trên địa bàn khu dân cư. Tích cực tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội vì lợi ích của đất nước và dân tộc như tham gia ứng cử Ðại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều vị chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu làm Ðại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, phát huy được vai trò của người tu hành trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế – xã hội ở các địa bàn dân cư. Các vị Tăng, Ni tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa tới tận những vùng biên địa của Tổ quốc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Ðạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Ðổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử. Ðịnh hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của Tăng, Ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước….

 HT.Thích Gia Quang