Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Lá thư Huynh trưởng gia đình Phật tử: Một lần và mãi...

Lá thư Huynh trưởng gia đình Phật tử: Một lần và mãi mãi

145

Từ nay, qua mỗi cái thư ngắn viết cho các em trên trang báo này, anh sẽ tập trung vào một vài khía cạnh nhỏ có liên quan đến Tuổi trẻ, Dân tộc và Đạo pháp. Đặc biệt, anh sẽ xin phép thầy Cố vấn Giáo hạnh, bác Gia trưởng và các anh, chị Huynh trưởng trong mỗi đơn vị GĐPT mà các em đang sinh hoạt để kể cho các em nghe về thế hệ trẻ của các nước phương Tây đang nghĩ gì, làm gì và nói gì về đạo Phật. Anh cũng muốn mượn những dòng thư nầy để giúp các em nhận rõ hơn và nhìn xa hơn thế đứng và vai trò của người Phật tử trẻ trong đời sống tinh thần của chính mình và toàn xã hội.

Thư nầy, anh sẽ chọn đề tài" Một Lần Là Mãi Mãi" để kể cho các em nghe vì sao chỉ có một lần thôi mà lại lâu dài đến như thế.

"Một lần" anh muốn nói ở đây là lần đầu đến chùa xin gia nhập GĐPT. Mỗi anh chị huynh trưởng và mỗi các em đoàn sinh, ai cũng có "một lần" như thế. " Một lần" ngày xưa đó của bản thân anh cách đây đã hơn 50 năm. Hôm đó là một đêm rằm tháng 3 âm lịch. Trăng đồng quê sau vụ gặt Đông – Xuân sáng và trong đến nỗi người ta có thể đọc được sách dễ dàng. Anh theo Mẹ đến xin vào GĐPT Liễu Hạ, thuộc ban hướng dẫn Thừa Thiên Huế. Đây là một GĐPT thuộc vùng nông thôn chuyên làm ruộng, nên hàng tuần phải sinh hoạt vào buổi tối vì ban ngày tất cả đều bận rộn công việc đồng áng và làm việc không có ngày nghỉ cuối tuần. Lâu lâu mới được sinh hoạt trong ánh sáng ban ngày vui như mở hội. Còn phần lớn là sinh hoạt dưới ánh trăng, hay dưới ánh sáng lung linh khi rõ, khi mờ của những cây đèn gió.

Anh bắt đầu "sự nghiệp" sinh họat GĐPT của mình từ một đoàn sinh thiếu nam vì sau 1954, từ khi hòa bình lập lại, những vùng quê quanh thành phố Huế mới bắt đầu có GĐPT. Nhưng đây chỉ mới là GĐPT "lâm thời" nên đoàn sinh chỉ mới được đeo bảng tên và huy hiệu chứ chưa được mang hoa sen. Cái hoa sen trắng nền xanh mà các em đang mang một cách gần như đương nhiên trên ngực áo hôm nay đã là niềm mơ ước của anh và các bạn trong suốt nhiều năm phấn đấu từ một GĐPT "lâm thời’ phải lên chính thức mới được Ban Hướng Dẫn và Giáo Hội cho mang hoa sen. Và bộ đồng phục áo lam, quần xanh mà các em đang mặc là cả một "gia tài" của các anh thời đó. Các anh chị ở vùng nông thôn như anh thuở ấy phải mất trung bình ba tháng làm việc, dành dụm mới sắm nổi một bộ đồng phục. Còn cái mũ (nón) "scout" bằng nỉ của huynh trưởng và đoàn sinh ngành nam là cả một trang phục cao cấp mà rất ít đoàn sinh sắm nổi.

Anh đã sinh hoạt nhiều năm và sau đó lên làm liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ trong những năm nhiều sóng gió nhất của Phật Giáo Việt Nam thời cận đại (1962 – 1967). Anh đã cùng với các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Việt Nam tham gia phong trào Phật giáo tranh đấu đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo. Ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ (01-11-1963) anh vẫn còn bị giam trong lô-cốt quận Hương Trà.

Rồi đời sống như một dòng chảy không ngừng. Những cột mốc thời gian đánh dấu những khúc quanh của đời sống. Bây giờ 40 năm nhìn lại, anh mới thấy rõ rằng cuộc sống của những người Việt Nam thế hệ Sáu Mươi đã trải qua quá nhiều biến động. Những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý đã biến đổi hoàn cảnh của mỗi người đôi khi nhanh đến chóng mặt. Quyền thế, giàu sang, địa vị, danh vọng… cũng theo hoàn cảnh mà thay đổi không ngừng. Trong những hoàn cảnh quay cuồng nhất của cuộc sống, con người chỉ có thể tựa mình vài hai chỗ dựa: Chỗ dựa vật chất và chỗ dựa tinh thần. Chỗ dựa vật chất trong một hoàn cảnh ổn định có vẻ vững chải như một toà nhà xây bằng đá kiên cố. Nhưng trong một hoàn cảnh bị thay đổi thường xuyên lại trở thành bất ổn và chướng ngại. Dựa vào vật chất là dựa vào các bóng phù du các em ạ. Rồi sau nầy khi trưởng thành và vật lộn giữa đời trong nhiều hoàn cảnh đổi thay các em mới tự mình chứng thực và nhận biết vai trò giới hạn và mong manh của vật chất. Bên cạnh đó, chỗ dựa tinh thần có vẻ như xa vời và vô hình nhưng thực tế là rất gần gũi vì nó ở chính trong em, là đời sống tâm linh của chúng ta. Khi em có niềm tin vững chãi là em có một chỗ dựa vững vàng. Đấy là một điểm tựa luôn luôn có mặt với em, cho em sức mạnh và ý nghĩa sống đẹp tuyệt vời, dù trên giàu sang hay trong nghèo khó.

Trải qua kinh nghiệm bản thân, vật chất là một giá trị tương đối và giới hạn vô cùng. Năm 1972 khi chạy qua Cầu Dài từ Quảng Trị vào Huế, nhiều người đã rớt xuống sông và gục ngã nửa chừng vì bị của cải, đồ đạc, xe cộ làm vướng chân. Anh là giáo sư trường Nguyễn Hoàng sau cùng trong đoàn người chạy loạn. Anh chẳng có gì cả ngoài hai bàn tay không và một chỗ dựa tinh thần là đạo Phật, nên vừa chạy, vừa niệm Phật. Khi hành động với một niềm tin trong chánh niệm, tác dụng của hành động đó sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Anh đã chạy băng qua cánh đồng khói lửa, về tận Kim Long, Kim Giao, đến nơi an toàn mà không bị ngã đổ nữa chừng. Năm 1977 anh phải đổi nghề dạy học sang nghề lao động. Năm 1982, anh vượt biển sang Hồng Kông trong gió bão, kinh hoàng, đói khát và khổ nhục. Đã có lần thuyền chìm, cả đoàn người tuyệt vọng chờ làm mồi cho cá. Chỉ còn tay không và niềm tin để cầu nguyện. Chính niềm tin đã tạo ra sức mạnh tinh thần cho những người vô vọng đang chới với tự cứu mình, vực ghe dậy, chiến đấu với biển cả và sống còn cho đến hôm nay. Cho đến bây giờ đã 23 năm định cư tại Mỹ, nhưng đối với đoàn người tha hương ngày xưa, cuộc sống vẫn còn thường xuyên nằm trên trục quay của môi trường học hỏi, phấn đấu và tranh sống vất vả ở xứ người. Niềm tin không bao giờ có tuổi nên niềm tin là chỗ dựa cho ngày xưa và hiện tại; cho hôm nay và ngày mai. Một lần xây dựng được niềm tin là phước hạnh của bây giờ và mãi mãi.

Đã bao nhiêu năm không còn cầm còi đứng giữa vòng tròn sinh hoạt với các em, không còn trong đồng phục áo Lam, không còn niệm Phật chung và kể cho các em nghe những mẫu chuyện Đạo, nhưng anh vẫn chưa một ngày quên mình là đoàn sinh GĐPT, mình là huynh trưởng GĐPT. Trong gian nguy nhất, anh đã niệm Phật để cầu nguyện sự phù trợ của hồng ân Tam Bảo cho sức mạnh tinh thần trong chính mình được khai lối để tìm cách vượt qua gian nguy. Trong bế tắc nhất của hướng đi anh vẫn cố gắng tìm ra một con đường như ngày xưa chơi trò chơi lớn. Trong yếu đuối nhất anh vẫn không quên mình từng là huynh trưởng cầm còi điều khiển các em để tìm ra nghị lực. Và trong vui sướng hạnh phúc nhất anh vẫn nhớ những tấm gương hiếu hạnh của loài chim Oanh Vũ mà anh thường dạy cho các em trong những giờ Phật Pháp để chia khó, chung vui với những người xung quanh còn bất hạnh hơn mình.

Các em thân mến,

Anh đã sống xa quê hương 23 năm. Thời gian đủ dài để anh có thể nhận chân và so sánh cái hay cùng cái dở; cũng như cái xấu lẫn cái đẹp giữa mình và người; giữa dân tộc Việt Nam mình và cộng đồng thế giới. Về tuổi tác, Anh cũng đủ "già" để định tâm mà rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn bằng xương bằng thịt của cuộc sống chính mình trong tương quan tiếp cận với dân mình tha hương và người tứ xứ.

Anh không khắt khe chê của người; không dễ dãi khen của ta hay ngược lại. Lòng tự hào dân tộc cũng như lòng tin yêu đạo pháp, cần phải khách quan và công bằng. Bản chất tinh yếu của đạo Phật là Trung Đạo, sự cực đoan về một phía bên nầy hay bên kia đều là di lụy của tinh thần chấp trước. Chấp trước chính là hố sâu ngăn cản đường tu học "Tinh Tấn" của người Phật tử. Biết chưa thấu đáo, hiểu chưa tinh tường mà "tấn" là bước tới sai đường, là vọng động. Vội vàng hùa theo phía nầy, chao đảo chạy theo phía kia là đi ngược lại tinh thần Bi, Trí, Dũng của người Phật tử. Anh Nguyễn Khắc Từ, trưởng ban hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên, trong những năm Phật giáo tranh đấu thập niên 1960 đã làm thơ… Bi, Trí, Dũng:

Người Phật tử vào đời Bi, Trí, Dũng,
Bi tình thương, Trí hiểu, Dũng xông pha.

Dù các anh thuở đó đã chọc anh Từ là làm thơ "con… ngựa", nhưng vẫn đồng tình theo anh trong những ngày tranh đấu vì thương mến và kính phục anh như một người anh cả tinh thần dám nói, dám làm.

Từ bên nầy biển, anh lắng lòng hoài niệm những ngày qua, khách quan nhìn vào quá trình hoạt động của GĐPT để thấy được rằng:

Hệ thống giá trị của GĐPT Việt Nam từ ngành Oanh vũ bước "Mở Mắt" đến ngành Huynh trưởng cấp Dũng thật sự có bề dày và bề sâu về sự rèn luyện cả ba mặt: Đức, Trí và Thể. Đức, đặt trên tiêu chí đạo đức học của Phật giáo. Trí, bao gồm cả hai mặt Dân tộc và Đạo pháp. Thể, phát huy và rèn luyện được sức mạnh thể chất trong sáng của tuổi trẻ.

Xa đại gia đình Lam đã 38 năm, nhưng anh vẫn mường tượng trước sân chùa, trên đồi thông và khắp các nẽo đường đất nước, các em, thế hệ trẻ của GĐPT Việt Nam vẫn thắp sáng tin yêu cho mình, cho bạn bè và cho tương lai đất nước. Từ giữa vùng đất Cali nầy, anh nghe như vẫn còn dư âm tiếng hát một thời:

"Ta đoàn áo Lam tiến bước lên đường!"

Anh xúc động tự nói với chính mình: " Tình Lam ơi! Một lần là mãi mãi…"

Thân mến chào các em với lời chúc tinh tấn.

Hẹn các em thư sau.