Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Làm truyền thông Phật giáo thì không được "bóp méo sự thật"

Làm truyền thông Phật giáo thì không được "bóp méo sự thật"

463

Là một phật tử tinh tấn của Hải Phòng, mấy năm lại đây anh Nguyễn Thành Trung, mặc dù công việc đời thường rất bận nhưng anh vẫn luôn tranh thủ và dành nhiều tâm huyết cho việc truyền thông Phật giáo ở xứ sở hoa phượng đỏ. Nhân ngày báo chí Việt Nam (21/6/2013),  phatgiao.org.vn có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Thành Trung.

 Anh Nguyễn Thành Trung – người có nhiều đóng góp cho việc truyền thông Phật giáo Hải Phòng

Cơ duyên nào đưa anh đến công việc truyền thông Phật giáo?

Mình cũng có một nhân duyên rất lớn đó là từ nhỏ mình đã được đi chùa cùng với bà và mẹ rồi nên cũng đã có một chút mầm mống của Phật Pháp. Nhưng mình cũng chỉ chính thức đến với đạo Phật từ năm 2008 và tham gia vào CLB TNPT Hoa sen Trắng tại chùa Đồng Dụ – TP. Hải Phòng. Còn về vấn đề truyền thông Phât giáo thì khi lần đầu tiên chùa Vẽ (Hải Phòng)  tổ chức khóa tu mùa hè vào tháng 7 năm 2011 mình đã gặp bạn Bảo Trinh (thực hiện nội dung trang chuabang.com), lúc đó Bảo Trinh có nói với mình là chụp hình và gửi hình cho Bảo Trinh để đưa lên trang web, lúc đó trong đầu mình đã nảy ra ý định làm truyền thông Phật giáo, tại sao không?!

Hơn nữa khi  mình đọc trên những trang website Phật giáo mình thấy không có nhiều bài viết về các hoạt động phật sự tại Hải Phòng nơi mình sinh ra nên mình đã quyết định tham gia viết bài cho trang phattuvietnam.net từ năm 2011 đến nay.


Anh có nghĩ đó là cái nghiệp của mình hay không?


Thực ra công việc chính của mình hiện nay là làm công việc kế toán cho một công ty liên doanh tại Hải Phòng. Còn về vấn đề truyền thông Phật giáo thì mình chỉ tham gia thêm ngoài giờ hành chính tại công ty nên mình nghĩ cũng không hẳn đó là cái nghiệp của mình, mà đó chỉ là nhân duyên thôi. Hơn nữa, đó cũng là tâm nguyện, muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho việc truyền thông Phật giáo nơi mình sinh ra và lớn lên.


Nhiều người nói rằng làm truyền thông Phật giáo cũng là làm phật sự. Anh thấy thế nào?


Mình đồng ý với quan điểm này, bởi vì làm truyền thông Phật giáo cũng là một trong những công việc để hoằng dương Phật pháp.  Thông qua các bài viết, giúp mọi người hiểu về giáo lý Phật đà và hiểu về đạo Phật hơn.

 

Theo anh, viết đề tài Phật giáo có khác gì với đề tài ngoài xã hội?


Theo mình thì làm truyền thông Phật giáo cũng có nhiều điểm khác biệt, là người viết đề tài Phật giáo, mình thường phải đến chùa để làm không như các phóng viên của báo ngoài xã hội. Đặc biệt là khi tiếp xúc với quý Thầy mình phải có một thái độ nhã nhặn, hòa nhã, trang nghiêm, thành kính, từ cách nói năng đến cách ăn mặc cũng vậy. 


Để làm truyền thông Phật giáo cần những tố chất gì?

Theo mình nghĩ thì một người làm truyền thông Phật giáo trước hết phải là người có am hiểu về đạo Phật, có cái tâm và tầm, đồng thời phải có niềm đam mê với đạo Phật. Phải biết lắng nghe vì càng lắng nghe thì người làm báo càng thành công, không để cho cái bản ngã của mình bóp méo sự thấy nghe đó. Hơn nữa, người làm truyền thông Phật giáo thì không được thổi phồng hay bóp méo sự thật và phải làm bằng cái tâm của mình. Đừng vì lợi danh mà làm phai nhạt ngòi bút của mình.


Theo anh làm truyền thông Phật giáo sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì?

Thực ra là mình cũng chỉ bước chân vào con đường truyền thông Phật giáo từ năm 2011.Về việc khó khăn và thuận lợi thì mình thấy thuận lợi nhiều hơn là khó khăn vì làm truyền thông Phật giáo luôn được các quý Thầy ủng hộ. Còn với riêng mình khó khăn ở chỗ là công việc chính của mình là làm kế toán nên cũng không có nhiều thời gian để đi lấy tin tức phật sự và thường chỉ đi lấy tin tức vào những ngày nghỉ cuối tuần mà thôi.

Nhưng cũng phải nói rằng, thực tế hiện nay đội ngũ làm truyền thông Phật giáo phần lớn là các phật tử phát tâm viết bài, đưa tin, chụp ảnh. Họ không danh chính ngôn thuận là một nhà báo nên khi đi tác nghiệp cũng gặp nhiều hạn chế nhất định như về phương tiện đi lại, đồ dùng tác nghiệp, đôi khi là cả tài chính nữa….Hầu như là phải tự túc hoàn toàn. Điều nay, ít nhiều gây ra những khó khăn cho quá trình tác nghiệp nhưng vì cái tâm, vì đạo mà họ đã vượt qua tất cả để mang đời và đạo gần nhau hơn.

Hiện nay, có nhiều trang tin Phật giáo nhưng hầu như các trang đó thụ động hoặc “ngủ ru”. Anh đánh giá về việc này như nào?

Đúng là hiện nay nhiều trang tin Phật giáo thành lập ra ít hoạt động thật. Theo mình nguyên nhân chính có thể là do những trang đó chưa có nhiều nhân sự để đi lấy tin tức hoặc có thể là chỉ copy từ trang mạng khác vào trang của mình như vậy thì rất tẻ nhạt. Vì vậy, muốn các trang web Phật giáo phát triển và có nhiều tin bài thì trước hết phải thành lập ra ban biên tập và sau đó là phải có nhân sự, các cộng tác viên thường xuyên đi tác nghiệp và lấy tin.
Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình?


Kỷ niệm đáng nhớ của mình thì có rất nhiều kỷ niệm nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đấu tiên vác máy ảnh đi để chụp hình đưa tin ở chùa Vẽ (Hải Phòng) năm 2011, mình còn dè dặt và run nữa chứ. Nhưng để có tấm hình đẹp mình đã lấy can đảm đứng lên sân khấu và đứng gần chỗ quý Thầy an tọa. Không hiểu sao lúc đó mình đã loay hoay thế nào mà làm đổ cốc nước của quý Thầy lúc đó mình sợ lắm không biết phải làm thế nào chỉ biết nói lời xin lỗi quý Thầy rồi đi thẳng xuống bên dưới và coi như ngày hôm đó không có một tấm hình nào chụp từ trên xuống phía dưới cả.