Trang chủ Tin tức Lễ gắn biển tên phố chùa Quỳnh – Hà Nội

Lễ gắn biển tên phố chùa Quỳnh – Hà Nội

Sáng ngày 31 tháng 03 năm 2019, thực hiện quyết định số 6920/QĐ - UBND ngày 24 tháng 12 năm 2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, phường Quỳnh Lôi – phường Quỳnh Mai và phường Bạch Mai đã long trọng tổ chức lễ gắn biển đặt tên phố “Chùa Quỳnh”.

1764

Về dự lễ gắn biển có Đại đức Thích Đạo Thông – Trưởng BTS GHPGVN quận Hai Bà Trưng, trụ trì chùa Quỳnh (Khánh Long tự) cùng quý vị lãnh đạo chính quyền: ông Vũ Văn Hoạt – Quận ủy viên, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng; ông Nguyễn Như Cẩn – Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Hai Bà Trưng; bà Phan Thị Bích Vân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Mai; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Quỳnh Mai; ông Tạ Anh Tuấn – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bạch Mai; bà Nguyễn Thanh Tú – Phó chủ tịch UBND phường Bạch Mai; ông Nguyễn Danh Hải – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Bạch Mai; ông Nguyễn Tạ Tấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Lôi; bà Lê Thị Hồng Hà – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phường Quỳnh Lôi; ông Lê Văn Chiến – Ủy viên thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Quỳnh Lôi; bà Lê Thị Cúc – Phó chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi cùng các vị lãnh đạo đại diện HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, trưởng các ban ngành đoàn thể và đại diện cho nhân dân trên địa bàn 3 phường và Phật tử đạo tràng chùa Quỳnh.

Mở đầu buổi lễ, ông Nguyễn Tạ Tấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Lôi đại diện cho lãnh đạo các phường đọc diễn văn khai mạc. Trong đó nêu rõ, tên gọi “Phố Chùa Quỳnh” là tên phố mà đông đảo nhân dân mong muốn đặt cho tuyến đường mương mới cống hóa bởi con đường cắt ngang trục Ngõ Quỳnh, gần chùa Khánh Long hay còn gọi là chùa Quỳnh.

Chùa Quỳnh là một di tích có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Chùa có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hữu tình, hệ thống hiện vật đa dạng phong phú.

Năm 1995, chùa Quỳnh được Bộ văn hóa thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004), UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định công nhận chùa Quỳnh là di tích lịch sử Cách mạng – Kháng chiến.

Tại buổi lễ, Đại đức Thích Đạo Thông đã phát biểu về lịch sử và ý nghĩa tên gọi phố Chùa Quỳnh.

Theo truyền thuyết dân gian, sau khi lập làng Quỳnh Lôi, nhân dân đã dựng chùa xây đình để thờ Phật và thờ Thành hoàng làng. Đình và chùa cũng ra đời và đều mang tên của làng cổ Quỳnh Lôi. Chùa Quỳnh có tên chữ là Khánh Long Tự, có nghĩa là rồng vui mừng tụ hội. Chùa làng Quỳnh ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Trần. Đến đầu thời Lê, niên hiệu Hoàng Định 6 (1604), chùa có đợt trùng tu lớn được ghi trên văn bia “Trùng tu Long Khánh tự bia” do Phùng Khắc Khoan soạn. Năm Mậu Thân (1608) làm lễ khánh thành chùa, Phật tử chăng đèn kết hoa lộng lẫy, vua Lê Kính Tông và chúa Bình An Vương Trịnh Tùng cũng đến dự lễ. Đầu thế kỷ 20, chùa bị cháy, sư tổ và nhân dân đã khuyến giáo xây dựng lại theo vẻ cổ kính xưa.

Trong cuộc vận động cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945, Quỳnh Lôi có nhiều gia đình có con em hoạt động bí mật, nhiều gia đình là cơ sở của cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ, nơi hội họp của xứ ủy Bắc Kỳ. Có giai đoạn phong trào phải tạm lắng, chuyển hướng hoạt động từ bề rộng sang chiều sâu, từ công khai sang bí mật, khôn khéo, kín đáo hơn. Một trong những địa điểm hoạt động và nuôi giấu cơ sở cách mạng nằm trong khuôn viên di tích Chùa Quỳnh. Bệ thờ là nơi cất giấu tài liệu, vườn tháp có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Theo Đại đức: “Chùa Quỳnh là một di tích có bề dày lịch sử. Chính vì vậy, nhân dân Quỳnh Lôi tiếp tục mong muốn đặt tên cho tuyến phố mới trên địa bàn là “phố Chùa Quỳnh” để các thế hệ con cháu mai sau luôn nhớ về nguồn cội và tự hào về đất và người làng Quỳnh Lôi. Kể từ nay, trên bản đồ thủ đô Hà Nội được tô điểm thêm một tên phố mang tên Chùa Quỳnh. Đây là niềm tự hào của Tăng Ni Phật tử chùa Quỳnh Lôi, của người dân làng Quỳnh Lôi cổ nói riêng và của Phật giáo thủ đô Hà Nội nói chung”.

Tiếp nối chương trình, ông Nguyễn Như Cẩn – Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Hai Bà Trưng đã công bố quyết định về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thời khắc quan trọng nhất đã tới, Đại đức Thích Đạo Thông – trụ trì chùa Quỳnh cùng đại diện lãnh đạo chính quyền quận Hai Bà Trưng và 3 phường Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai và Bạch Mai đã thực hiện nghi thức gỡ băng phủ biển, phố Chùa Quỳnh chính thức đi vào hoạt động.

Đoạn phố Chùa Quỳnh sẽ bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Thanh Nhàn tại số 73 – 75 đến ngã tư giao cắt phố Hồng Mai tại số nhà 77 với độ dài 1000 mét, chiều rộng từ 7 đến 13 mét.

Từ nay, con phố Chùa Quỳnh đã chính thức có mặt trên bản đồ thủ đô Hà Nội, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ.

BBT xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh về chùa Quỳnh (Khánh Long Tự):