Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Lễ Phật đản tại SG: Mỗi năm đến hè lòng man mác...

Lễ Phật đản tại SG: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

124

Nhưng không, những câu từ này vẫn đúng để nói về nỗi buồn của người Phật tử Sài Gòn vào mùa Phật đản sau khi đọc kế hoạch tổ chức Phật đản ở TPHCM.

Ngày Phật ra đời là niềm vui chung cho xã hội, cho cả cộng đồng Phật giáo thế giới, vì lẽ gì lại buồn? Mâu thuẫn quá chăng? Câu trả lời là người Phật tử tại Sài Gòn lại man mác buồn với những mùa Phật đản ngày càng tuột dốc, tuột dốc đến nỗi không thể ngờ, buồn với những ký ức Phật đản xa xăm trong quá khứ thuở nào…

Bao năm qua, như là truyền thống, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ đài Phật đản trung tâm tại chùa Vĩnh Nghiêm. Được hai năm tổ chức ở sân vận động, thì bất ngờ năm vừa rồi lại tổ chức ở sân chùa Phổ Quang, vừa chật hẹp, gò bó, vừa trong một con hẻm vừa nhỏ vừa cụt như quy mô của lễ Phật đản năm ngoái (2010).

Cứ ngỡ rằng, năm sau Thành hội sẽ tổ chức lại ở sân vận động cho thỏa lòng mong mỏi của Tăng Ni Phật tử. Nhưng thật bất ngờ khi đọc thông báo là sẽ tổ chức lễ đài trung tâm tại chùa Vĩnh Nghiêm, trở về quá khứ của năm 2007. 

Việc tổ chức Phật đản tại sân chùa Vĩnh Nghiêm so với năm ngoái thì có tiến, còn so với mặt bằng chung mọi năm thì vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, lạc hậu.

Bởi lẽ, lý do đơn giản, dân số ngày càng tăng, các đạo tràng tu học ngày càng đông còn diện tích sân chùa lại bị thu hẹp so với trước vì giải tỏa mở đường…

Còn gì buồn hơn sau lễ khai mạc Hội Thảo Hoằng Pháp Toàn quốc tại Bình Dương với quy mô hoành tráng, tổ chức tại sân vận động chật kín người tham dự thì nay tại một thành phố lớn nhất cả nước, kinh tế phát triển nhất nước lại tổ chức Phật đản tại sân chùa như trong quá khứ? Thật là hụt hẫng.

Còn điều gì buồn hơn khi Thủ đô Hà Nội từ sân chùa tiến đến Quảng trường Cung Hữu Nghị ngay tại trung tâm Thủ đô, làm nức lòng Phật tử cả nước. Còn thành phố mình từ sân vận động lại lui về chùa một cách trầm lặng như trước.

Phật giáo Sài Gòn nổi tiếng là đông đảo Phật tử, cả ngàn ngôi chùa lại tổ chức Phật đản còn thua xa Tin lành, Công giáo tổ chức giáng sinh, phục sinh vừa qua.

Thật là vừa buồn, vừa tủi.

Nhìn tôn giáo khác chăm lo đời sống tin thần cho tín đồ của họ, còn Phật giáo mình thì tổ chức cho có lệ, có hình thức gọi là, nếu không muốn nói một cách chua chát theo ngôn ngữ bình dân là “đem con bỏ chợ”.

Hàng Phật tử Sài Gòn mỗi khi đông về có dịp đến trung tâm Sài Gòn thì choáng ngợp với cảnh giăng đèn, kết hoa, tượng hang đá, cây thông, ông già Noel… bao nhiêu thì lại càng ngậm ngùi, cay đắng bấy nhiêu khi vào ngày rằm tháng Tư thật khó nhìn thấy một lá cờ Phật giáo tại khu vực này, có chăng là khu vực tượng đài chị Quách Thị Trang.

Hai hình ảnh trái ngược nhau này sao mà xót xa, kiến tôi chạnh lòng đến thế. Có ai có cảm giác giống tôi không?

Phải chi thành phố Hồ Chí Minh là một tỉnh lẻ, vùng sâu, một tỉnh có đông đảo tín đồ Thiên Chúa giáo, Tin lành như ở Tây Nguyên, Đồng Nai, Ninh Bình, Nam Định…thì tôi không nói làm gì, cũng đành cam chịu.

Phải chi Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo thiểu số như Hàn Quốc, hay như bị đàn áp, chèn ép như thời độc tài Ngô Đình Diệm trong quá khứ thì cũng đành ngậm ngùi tổ chức Phật đản ở sân chùa vậy.

Còn đằng này thì ngược lại hoàn toàn mới là điều đáng nói, đáng bận tâm suy nghĩ…

Nếu ngày Đại lễ Phật đản không được Liên Hiệp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo của nhân loại thì có lẽ chẳng ai quan tâm, bận lòng. Nhưng đằng này Liên Hiệp Quốc đã công nhận, các nước Âu Mỹ mới tiếp nhận Ánh đạo vàng của Đức Thế Tôn mà họ còn tổ chức ở nơi công cộng, bắn pháo hoa ăn mừng còn mình thì cứ sống trong quá khứ với các hoài niệm đã vang bóng một thời.

Nào là, hộ quốc an dân, nào là Phật giáo là quốc giáo, tín đồ đông nhất…, nhưng lại thua xứ người trong khâu tổ chức Phật đản, chỉ quanh quẩn trong chùa chứ không dám bước ra đường, hòa mình với dòng chảy của xã hội.

Lẽ nào Phật giáo ở thành phố đông dân nhất nước này, kinh tế phát triển nhất nước này lại không có kinh phí cho ngày đại lễ mừng Phật ra đời để ánh đạo vàng của Đức Thế Tôn lại bị hạn hẹp trong khuôn viên chùa với người hữu duyên?

Thật là đáng tiếc biết bao!

Nếu cứ quanh quẩn trong khuôn viên chùa thì bao giờ mới có “Đạo pháp hoằng thâm đến mọi nhà”, “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”.

Chúng sinh ở đây là toàn thể xã hội, là toàn bộ tầng lớp từ trí thức, sinh viên, học sinh, đến bình dân lao động, công nhân, nông dân. Chúng sinh ở đây bao gồm những người tôn giáo khác, những người không theo tôn giáo, những người Phật tử sơ cơ mới bước vào đạo chứ không phải là những Tăng Ni, Phật tử thuần thành ở tuổi trung niên trở lên.

Lòng càng buồn hơn nữa khi tận mắt chứng kiến đại lễ Phật đản ngày càng đi xuống, ngày càng thua xa các tôn giác khác, ngày càng mất dần chỗ đứng trong xã hội.

Không thể nào không trăn trở, băn khoăn cho viễn cảnh xám xịt một màu của Phật giáo Việt Nam, ngày càng giảm sút tín đồ mà bằng chứng rõ nhất là hình ảnh lễ Phật đản tổ chức ở sân chùa và lễ giáng sinh, phục sinh tổ chức tại sân vận động chật kín người, sau vài giờ chuẩn bị.

Là người Việt Nam, lẽ dĩ nhiên không ai muốn nghe các thế lực bên ngoài, nói xấu Nhà Nước ta đàn áp tôn giáo, chèn ép Phật giáo, không có tự do tôn giáo…

Là người Phật tử, lẽ dĩ nhiên không ai muốn nghe những lời chê cười Đại lễ Phật đản ở thành phố lớn nhất nước còn thua giáng sinh của một giáo xứ bên họ, thậm chí còn thua một buổi thắp nến cầu nguyện phản đối Chính quyền của một nhà thờ ở Hà Nội, nào là Phật giáo là tôn giáo thiểu số dành cho người già, không thích hợp cho thanh niên….

Những chuyện này quý chư Tôn đức có biết, có tường cho chăng? Nhưng hàng Phật tử chúng ta có miệng như câm, không thể nào nói nên lời, không cạy răng nói được câu nào phản bác, không thể nào phủ bác được, vì cứ nhìn thực tế lễ Phật đản sẽ rõ như ban ngày.

Thật đúng như tác giả Minh Thạnh đã từng nhận xét: “Ngày hội Phật đản toàn dân nhìn từ lợi ích đất nước” rất chính xác, quy mô lễ Phật đản là không chỉ là bộ mặt của Phật giáo mà còn là bộ mặt của Quốc gia, Dân tộc.

Xin được nhắc lại hai câu “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du:

Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào

Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo thành tp Hồ Chí Minh họp bàn tổ chức Phật đản có sớm hơn năm ngoái, nhưng tinh thần chỉ đạo cũng không khác hơn là bao nhiêu, nên cũng không mơ là sẽ có một tuần lễ Phật đản năm nay đúng tầm với hai từ “Đại lễ”.

Đọc thông bạch hướng dẫn tổ chức Phật đản năm nay của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí  Minh còn quá sơ sài, không đi chi tiết vào việc tổ chức xe hoa, thuyền hoa, hoa đăng, rước kiệu Phật…

Nếu tổ chức thì tổ chức ở đâu, lộ trình như thế nào, thời gian lúc nào? Những điều mà Phật tử Sài Gòn thắc mắc không biết hỏi ai.

Tất cả chỉ chung chung mơ hồ với cụm từ “khuyến khích”.  Không phân công cụ thể, không bầu ra ban tổ chức, chỉ đạo, giám sát cụ thể…thì tình hình năm nay cũng không mấy sáng sủa hơn năm ngoái, tình trạng “cha chung không ai khóc” là điều đương nhiên.

Vậy là chưa chắc Phật đản năm nay ở Sài Gòn đã bằng được như năm ngoái, thế nào cũng bị gây khó dễ.

Thật là buồn. Nỗi buồn này biết tỏ cùng ai, biết lấy ai mà chia sẻ nỗi niềm này? Thôi thì viết ra đây cho nhẹ lòng, chứ cũng không mong gì thay đổi tình hình, cũng chẳng mong gì những dòng này động đến chữ “tâm” và tầm nhìn của Quý chư Tôn đức lãnh đạo.

Thầm nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát mười phương gia hộ cho tuần lễ Phật đản năm nay diễn ra tốt đẹp, Phật sự hanh thông, các chùa, các đạo tràng chung tay, góp sức tổ chức Phật đản với khả năng tối đa có thể của mình…