Trang chủ Tết Việt Phong tục Mạn đàm chuyện lễ, Tết đầu Xuân

Mạn đàm chuyện lễ, Tết đầu Xuân

70

Mỗi dân tộc đều có một số ngày lễ riêng. Những ngày lễ này thường là truyền thống, hoặc để ghi nhớ những sự kiện lịch sử. Chẳng hạn như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Giỗ trận Đống Đa, lễ Hai Bà Trưng hoặc những ngày lễ Tết như Tết Nguyên Tiêu, Tết Hàn Thực, Tết Thanh minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Nguyên, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán.







mandamTet1.jpg


Tết Nguyên đán trước đây còn được gọi là Tết Chính đán. Từ ngữ “Tết” có thể là do từ “Tiết” đọc phiên ra. Ngày xưa trong xã hội nông nghiệp người ta chia một năm thành 24 tiết: Lập xuân, Xuân phân, Thanh Minh, Sương giáng, Mang chủng…


Trong những tiết đó, có những tiết liên quan thật sự đến đời sống của người dân, hoặc trùng vào những dịp mọi người đã thu hoạch xong mùa màng hoặc kỷ niệm một biến cố quan trọng của dân tộc. Một số tiết trong năm được người dân tổ chức các cuộc lễ tế hoặc những cuộc vui chơi giải trí sau những ngày mùa vất vả nhọc nhằn. Còn từ “nguyên” nghĩa là khởi đầu, “đán” nghĩa là sớm.


Tết Nguyên đán là ngày đầu xuân, canh tân của Trời và Đất, lễ tái gặp gỡ của âm và dương. Tuy nhiên, Tết không thể có một sự canh tân thật sự trong tâm hồn nếu con người không có một tâm thức bén sâu vào trong nguồn cội, không có một ý thức về thế giới mà mình gắn liền. Đối với người Việt, nguồn cội đó, thế giới đó chính là gia đình.


Thật vậy, Tết Nguyên đán trước hết là Tết của gia đình. Người Việt thường có tục hằng năm mỗi khi Tết đến thì dù đi đâu, làm bất cứ nghề gì, ai cũng mong được trở về sum họp cùng gia đình trong ba ngày Tết. Mọi người trong gia đình được khấn vái trước bàn thờ Tổ tiên và sống lại những ngày đầm ấm trên mảnh đất quê hương. Nói một cách hình tượng, Tết là cuộc “họp mặt” của nhiều thế hệ.


Theo học giả Phan Kế Bính, vào đêm giao thừa, người ta cúng một vị quan Hành Khiển. Nửa đêm 30, rạng ngày mùng 1, ở thành phố, nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa.


Ở thôn quê thì các xóm cúng giao thừa tại nơi điểm sở, trống đánh tùng tùng.


Theo tín ngưỡng dân gian, mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón nhận ông mới.


Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên mới mang lại cho ngày Tết một ý nghĩa sâu xa. Thật vậy, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người ta sửa sang lại phần mộ của tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Trong khi đó, mọi nhà đều được dọn dẹp, sơn quét lại để đón ông bà tổ tiên về ăn Tết. Sau khi cúng quan Hành Khiển ở ngoài sân, mọi người tụ tập quanh bàn thờ gia tiên để cúng tổ tiên, vì người ta tin rằng tổ tiên vẫn hiện diện đâu đó cùng con cháu.






mandamTet2.jpg

Sau lễ cúng giao thừa, người ta xem như năm cũ đã chấm dứt và năm mới bắt đầu. Mỗi người phải chọn cho mình một hướng đi năm mới và người ta thường đi đến đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ để xin thần thánh, trời phật hướng dẫn phù hộ.


Trong dịp này, nhiều người còn giữ tập tục “hái lộc” đầu xuân ngay những nơi mình đến để mang về cho gia đình. Thường là một cành lá non tượng trưng cho sự sống mới. Có những nơi người ta không hái lộc, nhưng “đi xin hương lộc” mang về cắm trên bàn thờ tổ tiên, vì họ quan niệm rằng, ngọn lửa cũng tượng trưng cho sự sống, sự phát triển, sự no đủ ấm cúng. Ngoài ra, người ta còn có tục “xông đất, xông nhà”.


Năm mới còn nói lên ghi nhận của người Việt về thời gian. Chính vào ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Việt đều “già” đi một tuổi. Đứa trẻ chào đời vào ngày cuối cùng của năm cũ vẫn tính là một tuổi khi năm mới đến vào ngày hôm sau. Bởi vậy, lời chào quen thuộc trong những ngày đầu năm là “mừng tuổi”.


Thêm được một tuổi đối với con người rất quan trọng vì thọ thêm một ít, nên với trẻ hay già đều là điều đáng mừng cả. Với người trẻ, thêm được một tuổi là tiến gần đến sự chững chạc, từng trải trong đời; với người già, thêm một tuổi là thọ hơn cùng với trời đất. Bởi vậy, sáng mùng 1 Tết, sau lễ gia tiên, người gia trưởng thay mặt tổ tiên lấy một ít quà Tết trên bàn thờ phân phát cho con cháu. Tiếp đến, cha mẹ mừng tuổi ông bà, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ và sau khi mừng tuổi, người lớn thường trao cho con cháu một phong bì màu đỏ chứa đựng một ít tiền mừng tuổi, còn gọi là “lì xì”.


Trong những ngày đầu năm, người ta thường thăm viếng và chúc Tết nhau. Đây là một tập tục rất có ý nghĩa. Thường vì quanh năm làm ăn tất bật, hoặc đi làm xa không có dịp để hỏi thăm sinh hoạt của nhau, hoặc vì một lý do nào đó mà giận nhau, ghét nhau. Nhân dịp xuân về, họ có đôi ba ngày nghỉ, tranh thủ cùng gia đình đến thăm nhau, chúc mừng nhau, cầu mong cho nhau bình an sức khỏe, buôn bán phát đạt… hay bỏ qua những tỵ hiềm trong năm cũ, nối kết lại tình làng nghĩa xóm, mong muốn đoàn kết tương thân tương ái, tương trợ nhau. Ngày mùng một thường được dành để thăm viếng những người thân thuộc trong gia đình. Những ngày tiếp theo người ta mới đi thăm bạn hữu hoặc tham gia những thú vui chơi, chẳng hạn như đi xem đánh đu, phim ảnh, đánh bài.


Dịp Tết, đạo lý làm người được nhắc lại để in sâu trong mối quan hệ nhiều chiều trong gia đình và ngoài xã hội. Lễ, Tết là sinh hoạt truyền thống đặc sắc đầy nhân ái của người Việt.