Trang chủ Văn hóa Mộc bản kinh Phật thế kỷ XVIII tại chùa Huệ Trạch, Thuận...

Mộc bản kinh Phật thế kỷ XVIII tại chùa Huệ Trạch, Thuận Thành, Hà Bắc.

82

Trong lịch sử ngành in, phương pháp đơn giản nhất và cổ nhất là phương pháp bản khắc gỗ, một tấm gỗ được khắc (in nổi). Kết hợp với cách in tipo nó cho phép in được những cuốn sách có minh họa đầu tiên. Tiếp đó là in lõm sử dụng thuật khắc chìm trên kim loại, sắp chữ rời, in lito, in opset…Mộc bản là phần âm bản chữ Hán được khắc bằng tay trên bản gỗ.


Mộc bản thường được làm bằng gỗ mít, vì gỗ mít có ưu điểm: không vỡ, không sứt, in nhiều không bị sứt nét chữ. Thường mỗi bản gồm hai mặt chữ, mỗi mặt là một trang sách. Khi in, người ta quết mực lên mặt chữ, sau đó in lên giấy dó. Đây là một trong rất ít dụng cụ in bằng phương pháp thủ công hiện còn lưu giữ tại một số chùa ở Việt Nam, đó là những tác phẩm y học hoặc kinh Phật dùng để in sách lưu truyền.


Sơ bộ khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi được biết đây là những trang sách của các tác phẩm kinh Phật: Diễn âm chân kinh, Quan Thánh quốc âm chân kinh…Chùa Huệ Trạch có cách đây trên 300 năm. Làng Xuân Quan có tên nôm là Dàn chợ (làng Dàn có chợ) và là địa phận giáp giới phía bắc thành Luy Lâu. Chùa thuộc hệ thống chùa thờ Tứ pháp vùng Dâu. Theo truyền tích, chùa do con thứ hai của vua Trần Hưng Đạo là Thái Bảo Kiên Quốc công Trần Hồng xây dựng nên sau khi đánh thắng quân Nguyên.


Tuy nhiên, những dấu tích về ngôi chùa thời Trần cho đến nay chưa tìm thấy ở khu vực chùa hiện nay. Năm Chính Hoà thứ 20 (1699) Kỷ Mão, nhân dân Xuân Quan đã cùng khách thập phương làm gác chuông và khắc dựng bia. Thanh bi ký có ghi, thế kỷ XVII chùa Đại Trạch, thôn Xuân Quan đã có qui mô lớn bao gồm tam bảo – tiền đường- gác chuông, là chùa cổ mang phong cách thời Lê.Thành Luy Lâu, huyện Thuận Thành là cái nôi của đạo Phật ở Việt Nam. Đây là nơi đạo Phật du nhập vào Việt Nam đầu tiên, vì vậy việc hoạt động, phát triển, tuyên truyền đạo Phật, kinh Phật có thể cũng xuất phát từ đây. Chúng ta không loại trừ việc nơi đây có những bản khắc gỗ in kinh Phật đầu tiên.


Qua khảo sát, sưu tầm chúng tôi được biết hiện nay có một số chùa còn lưu giữ những bản khắc gỗ này. Nhưng ý thức bảo quản chúng là một vấn đề đáng lưu tâm. Một số chùa coi đây là những bảo vật cất giữ trong giương, tủ, bệ thờ… khi đưa ra rất nhiều bản bị mối mọt ăn hết các nét chữ, không còn giá trị. Và việc sưu tầm những hiện vật này là rất khó khăn. Thiết nghĩ đây là những hiện vật quí có giá trị văn hóa cần kịp thời được bảo quản bằng các phương pháp hiện đại. Các cơ quan chức năng cần xem xét việc bảo quản và sử dụng chúng vào mục đích tuyên truyền, giáo dục ở đúng nơi, đúng chỗ.