Trang chủ Tin tức Mối quan hệ mật thiết giữa ngôi chùa với đời sống dân...

Mối quan hệ mật thiết giữa ngôi chùa với đời sống dân cư

54
Trước đây, tại mảnh đất xã Đông Hoàng này là những mảnh ruộng màu mỡ. Đến nay, được sự quan tâm của Nhà Nước, của Chính quyền sở tại, Sư cô trụ trì Thích Đàm Thiện đã được cấp 10.000 mét vuông đất để xây dựng lên ngôi chùa Bảo Long – là nơi quy ngưỡng tâm linh cho nhân dân, tín đồ Phật tử xã Đông Hoàng nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.
Tuy ngôi chùa mới được xây dựng, mọi thứ mới chỉ đặt nền móng, nhưng Sư cô vẫn rất cố gắng hướng cho nhân dân nơi đây có một nơi tu tập tạm thời,ngày ngày tụng kinh, lễ Phật, lạy Phật, chuyển hóa thân tâm sau những giây phút đồng áng vất vả.
Hôm nay, được phúc duyên lành, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã quang lâm về chùa Bảo Long cùng với đại diện 7 Chúng Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc, làm lễ niêm hương bạch Phật, cầu nguyện nơi đây các công trình sẽ sớm được hoàn thành: Đại Hùng Bảo Điện, Nhà thờ Tổ, Tăng xá.v.v…để Phật tử có nơi tu tập, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh.
Cũng nhân dịp này, Hòa thượng đã có thời pháp thoại tới đại chúng với chủ đề “Mối quan hệ mật thiết giữa ngôi chùa với đời sống dân cư”. Với những người dân sống tại xã Đông Hoàng nơi đây, Phật pháp là điều mới mẻ với họ. Bởi lẽ nơi đây không có chùa chiền, không có nơi tu tập, không có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Người dân không ai biết tới Phật pháp. Vì lẽ đó, trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã nhắc tới hình ảnh Bụt luôn xuất hiện khi con người khổ đau, bế tắc và gặp nạn trong những câu chuyện cổ tích dân gian xưa, để người dân có thể hiểu được Bụt ở đây – chính là hình ảnh Đức Phật đã được dân gian hóa. Trong sự tích “cây nêu ngày tết” kể lại, hồi ấy dân mình bị quỷ xâm hại, chiếm hết đất đai, Bụt từ phương Tây đến đã bày cho tổ tiên mình trồng cây nêu để giữ đất, giữ làng. Lúc đầu quỷ bắt dân ta trồng lúa, đến vụ, chúng bảo “cho gốc lấy ngọn”. Vậy là dân mình rơi vào cảnh khốn đốn vô cùng. Bụt hiện ra, dạy dân vun đất trồng khoai lang, năm đó dân mình được bội thu còn quỷ chỉ nhận được toàn lá! Vụ sau, quỷ ra điều kiện “cho ngọn lấy gốc”, Bụt  dạy dân trở lại trồng lúa, vậy là thóc ùn ùn chạy về nhà dân còn quỷ  được chỉ toàn gốc rạ! Ức quá, quỷ ra điều kiện “lấy cả gốc lẫn ngọn”, Bụt lại cho dân giống ngô để trồng, và vụ đó quỷ lại đắng cay nhìn từng gánh ngô chạy về nhà dân còn mình chỉ được toàn gốc và ngọn! Cuối cùng, quỷ đòi lại tất cả ruộng đất, không cho dân mình làm mướn nữa. Bụt dạy dân điều đình với quỷ, chỉ xin một miếng đất nhỏ để trồng cây tre và mắc chiếc áo Cà-sa của Bụt trên đó. Bóng chiếc áo Cà-sa tỏa đến đâu thì đó là đất của dân, còn lại là đất của quỷ. Quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xong, Bụt đứng trên ngọn tre tung chiếc áo Cà-sa thành một tấm vải rộng, cây tre cũng cao dần lên, bóng chiếc áo Cà-sa dần dần đã che kín mặt đất. Thấy uy thần của Bụt như vậy, quỷ sợ hãi, cứ lùi dần lùi dần, và cuối cùng phải chạy ra ở ngoài biển Đông. Về sau, quỷ nhiều lần kéo vào đánh phá hòng chiếm lại đất, nhưng tổ tiên ta nhờ có sự trợ giúp của Bụt, đã khiến cho quỷ phải rập đầu chịu tội, không dám quấy phá nữa. Quỷ van xin, mỗi năm vào dịp Tết, chúng được vào đất liền vài hôm để thăm phần mộ ông bà tổ tiên đang chôn tạm trên đất của người. Với lòng khoan dung độ lượng, Bụt và tổ tiên ta đã bằng lòng. Và kể từ đó, cứ mỗi dịp Tết về dân ta thường có tục trồng Cây Nêu trước cổng nhà, trên có treo chùm lá dứa và chiếc khánh đất, để mỗi khi gió thổi rung cây nêu, quỷ nghe tiếng khánh vang lên, thấy chùm lá dứa đong đưa thì không dám lại gần chỗ ở của người quấy phá… Hay như trong chuyện cổ tích Tấm Cám, hình ảnh Bụt xuất hiện khi Tấm khóc, và giúp Tấm hoàn thành công việc nhặt gạo thóc của bà dì ghẻ, có áo đẹp đi hội. Và cả trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt”, Anh Khoai bị lão phú nông lừa dối lường công. Hắn hứa gả con gái út cho anh rồi tráo trở nuốt lời. Sau đó lại lừa gạt bắt anh phải vào rừng tìm cho ra cây tre trăm đốt thì việc cưới hỏi mới thành. Khi anh Khoai một mình ngồi khóc thì Bụt cũng đã kịp thời hiện ra giúp anh phép lạ có thể nhập trăm đốt tre lại thành cây tre trăm đốt và ngược lại cũng có thể tách rời cây tre “vô tiền khoáng hậu” ấy thành ra trăm đốt tre rời, đủ để trừng phạt lão phú ông, khiến lão một phen khiếp vía đành phải gả cô út cho anh. Qua đó, Hòa thượng liên hệ tới hình ảnh Đức Phật và nhấn mạnh “Bụt cũng chính là Đức Phật của chúng ta. Bởi Ngài cứu vớt chúng sinh thoát khỏi khổ đau, luôn lắng nghe và độ hết thảy chúng sinh”. 
Hơn nữa, ngay từ chính những câu chuyện dân gian xưa của cha ông đã mang dáng hình của Đạo Phật. Bởi lẽ tất cả những câu chuyện đều toát lên được một sự thật, là cái Thiện luôn sẽ thắng cái Ác, kẻ xấu sẽ bị trừng trị, người hiền sẽ luôn được giúp đỡ. Đó cũng chính là thuyết Nhân Quả của Đạo Phật. 
Vì thế, Đạo Phật vốn chưa bao giờ xa lạ với người Việt, Đạo Phật đã song hành cùng dân tộc từ xa xưa cho tới nay, luôn gần gũi với đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt.
Qua đó, Hòa Thượng cũng đã nhấn mạnh và phân tích về giá trị sâu sắc của ngôi chùa, đặc biệt là ngôi chùa Việt Nam trong đời sống người Việt: “chùa là nơi đáp ứng tâm linh cho người Việt, chùa vừa là trường học, vừa là bệnh viện, vừa là danh lam thắng cảnh để mọi người đến học tập, trị liệu và giải tỏa những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống”. 
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng nhân dân Phật tử nơi đây hãy là những Phật tử hộ trì cho Tam Bảo, hộ trì cho Sư cô trụ trì để cùng xây dựng nên một ngôi đại già lam trang nghiêm, làm nơi tu học cho nhân dân Phật tử tỉnh nhà. Đồng thời mong rằng đại chúng hãy tinh tiến tu tập, chuyên tâm đi chùa, niệm Phật, tụng kinh để cuộc sống luôn được an lạc, giải thoát.