Trang chủ Tin tức Ngày thứ mười bốn của khóa tập huấn Hoằng Pháp viên

Ngày thứ mười bốn của khóa tập huấn Hoằng Pháp viên

46

Mở đầu cuộc nói chuyện chia sẻ với đại chúng, ông nhấn mạnh, trong Phật giáo, việc hoằng dương Phật pháp của người xuất gia được thể hiện bằng 3 lĩnh vực: Thân hành trang nghiêm, Khẩu nói lời ái ngữ trí tuệ, Ý suy nghĩ sâu sắc chín chắn. Ba lĩnh vực đó trong những người xuất gia là 3 mặt của việc Hoằng pháp. Nhưng đối với người Phật tử tại gia, còn có 1 lĩnh vực quan trọng hơn cũng thông qua Thân – Khẩu – Ý, nhưng thân của người tại gia được thể hiện bằng hành động thực tiễn, những quan hệ trong cuộc sống và những việc làm giúp đỡ mọi người. 

Trong Phật giáo, tu tập chính là để làm sao tăng trưởng nội lực của mình để chuyển hóa thân tâm. Việc tu tập bao gồm tu thân và tu tâm. Tu Thân là việc biết giữ cho cơ thể con người sống đúng với tự nhiên cho phép. Nhưng với con người, có một phần quan trọng hơn để xác định yếu tố làm người đó là Tu Tâm. Tâm là từ dùng để chỉ cái chất để làm người. Tâm là những giá trị để chỉ những phẩm chất và năng lực thể hiện con người rõ nhất, tâm cũng là một trong những yếu tố trong Phật giáo được đề cao và quan tâm. Cũng giống như Thân, muốn có Tâm tốt cũng cần phải được chăm sóc và nuôi dưỡng. 

Sự phát triển của Tâm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cộng đồng, xã hội, nhà trường, tôn giáo.v.v… Bởi vì cùng một môi trường, cùng một cộng đồng, nhưng mỗi người lại theo 1 tôn giáo khác nhau để lại những giá trị tâm hồn khác nhau. Chính vì thế, cho nên đối với tâm, tôn giáo có một ảnh hưởng hết sức quan trọng. Thông qua việc rèn luyện tâm hồn, tôn giáo còn giúp thông qua tâm mà điều chỉnh thân phát triển hơn, mạnh mẽ hơn. Trong mỗi con người, thân và tâm thường gắn liền với nhau. Khi thân chúng ta khỏe tâm tự khắc sẽ luôn an bình, nhưng khi thân đau yếu tâm cũng sẽ suy sụp. Có những căn bệnh về tâm mà chỉ có tôn giáo mới có thể chữa lành. 

Ông mong rằng mỗi người Phật tử hãy biết nhận diện ra chính mình để chuyển hóa thân tâm, tâm tốt sẽ góp phần rất nhiều cho thân tốt, cái gì muốn tốt đẹp đều phải bỏ công nuôi dưỡng và chăm sóc. 

Nếu chúng ta học Phật, biết chuyển hóa thân tâm qua việc bỏ những điều xấu ác, nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt lành, làm những việc thiện thì thân sẽ khỏe tâm sẽ an. Hơn nữa, là người phải biết thiểu dục tri túc, không nên mong cầu quá sẽ khiến cuộc sống mất đi giá trị ý nghĩa. Và để chuyển hóa tâm hồn thì sự hiểu biết, giao cảm, đồng cảm chính là một hành động rất tốt đẹp.

Trong công việc Hoằng pháp, không phải đi đến đâu cũng được sự đồng tình bởi “Có Phật thì có ma, có tốt thì có xấu”. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, nếu làm việc thiện thì tin rằng ắt phải có chướng duyên, nhưng người làm Phật sự đều sẽ vượt qua. 

Trách nhiệm của người Hoằng pháp chính là phê phán cái xấu để cái xấu thu hẹp lại, tán dương cái tốt để cái tốt được phát huy. Hơn nữa phải biết đấu tranh với những điều tiếng xấu của xã hội bằng lý, bằng lẽ và bằng hành động, phải biết giúp đời giúp người thông qua những tấm gương sáng.