Là một trong những ngôi chùa cổ ở TP.HCM, chùa Phụng Sơn hơn 200 năm tuổi mang kiến trúc đặc trưng của vùng Gia Định xưa và lưu giữ nhiều tượng Phật có giá trị.
Theo 2 nhà nghiên cứu – tiến sĩ Đặng Hoàng Lan và thạc sĩ Hầu Hải Tài, vùng đất mà tổ đình Phụng Sơn tọa lạc có tên là vùng đất Cây Mai, Cây Gò thuộc Thủy Chân Lạp. Chùa Phụng Sơn được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 (từ năm 1802 – 1819) trên nền một ngôi chùa Khmer hoang phế.
Tổ đình Phụng Sơn còn có tên gọi khác là chùa Phụng Sơn hoặc chùa Gò, hiện nằm trên đường Ba Tháng Hai, P.2, Q.11, TP.HCM. Ngôi chùa 223 năm tuổi này còn lưu giữ phong cách kiến trúc của chùa cổ miền Nam cũng như nét đẹp văn hóa, lịch sử đặc trưng của vùng Gia Định xưa.
Tổ đình Phụng Sơn còn được gọi là chùa Phụng Sơn hoặc chùa Gò
Ngôi chùa này đã 223 năm tuổi, là một trong những ngôi cổ tự ở TP.HCM
Chùa tọa lạc trên đường Ba Tháng Hai, P.2, Q.11, TP.HCM
Tương truyền, trên đường vân du hành đạo từ miền Trung vào Nam, thiền sư Liễu Thông đã đến vùng đất Gia Định và dừng chân trên một gò đất cao. Dưới chân gò là một bàu sen bao quanh, trong xanh mát mẻ và hoa sen đang nở rộ. Thấy vậy, thiền sư Liễu Thông quyết định dựng một thảo lư (nơi cư trú đơn sơ của người tu hành) tại gò đất này. Người ta gọi đó là chùa Gò vì thảo lưu nằm trên một gò đất cao.
Nhưng cũng có truyền thuyết khác giải thích việc chùa Gò được đổi tên thành chùa Phụng Sơn. Buổi chiều, thiền sư Liễu Thông thường cầm chuỗi hạt đi kinh hành bốn phía gò đất. Một ngày nọ, thiền sư đứng trước thảo lư nhìn ra cánh đồng bắp và thấy một con chim phụng từ đâu bay đến, đậu trên cành bắp. Trong miền Nam, chim phụng xuất hiện được xem là điềm lành nên từ đó thiền sư đổi tên chùa là chùa Phụng Sơn.
Chùa Phụng Sơn thuộc hệ phái Bắc tông, tông Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên. Từ ngày thành lập đến nay, chùa đã trải qua 10 đời trụ trì. Hiện tại, thượng tọa Quảng Trí đang trụ trì chùa Phụng Sơn. Chùa cũng có nhiều lần trùng tu và lần sửa chữa mới nhất vào năm 2016 và 2017.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ 19, trên nền một ngôi chùa Khmer cổ nằm trên gò đất cao
Khu vực chánh điện của chùa có 16 cột gỗ lớn
Phần trang trí mỹ thuật tinh xảo trên các cột trụ, bao lam, liễn đối khắc họa tứ linh, hoa mẫu đơn, chim trĩ…
Bàn thờ ở chánh điện
Hai bên chánh điện là nơi đặt 40 tượng thờ có tuổi đời cả trăm năm
Khu vực chánh điện được bài trí theo đồ hình Mandala của Phật giáo, có nét tương đồng với chùa Giác Lâm (Q.Tân Bình)
Chùa được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc về phong thủy đảm bảo sự hài hòa với môi trường tự nhiên. Chùa quay về hướng Nam. Theo triết lý Phật giáo, đây là hướng bát nhã (trí tuệ) bởi có trí tuệ hiểu biết thì mới đến được giải thoát.
Chùa nằm trên một gò đất cao hơn với khu vực xung quanh, khoảng 80 cm so với mặt đất, diện tích 25.966 m2. Chùa có lối kiến trúc hình chữ Nhị, 4 cột chái ở giữa, mở rộng thành các cột con, cột hiên theo kiểu Mandala. Công trình kiến trúc này không to lớn, dáng thấp, mái thấp dần như sà xuống hai bên hàng hiên rộng, nên bên trong mát mẻ, phù hợp với khí hậu Nam bộ.
Phía sau chánh điện là sân thiên tỉnh, nơi thờ bồ tát Quán Thế Âm cùng các vị sư tổ, những người sáng lập chùa và các trụ trì đã viên tịch
Mái được lợp ngói âm dương, phía trên có 2 tượng kỳ lân đực và cái. Con đực cầm trái châu được đặt ở bên trái, con cái giữ con ở bên phải
Ở khu vực trai đường, ngoài việc tôn trí một số tượng Phật thì đây còn là nơi để bài vị, ảnh thờ những người đã mất được gửi vào chùa
Các phật tử ở chùa đánh chuông theo thời khóa
và cùng đọc tụng kinh
Lối đi ở chùa Gò
Bạch tượng được thờ tại vườn chùa. Lịch sử ghi lại, đời vua Gia Long người Khmer ra đi bỏ lại chùa và tượng Phật và chuông được chất lên bạch tượng. Tuy nhiên, khi đi về hướng Tây Bắc thì voi sụp chân và làm rơi chuông và tượng xuống ao ở chùa. Sau đó tượng Phật được người dân đem vào chùa thờ đến ngày hôm nay còn chuông thì không tìm được. Tương truyền, vào giờ lành, người dân vẫn nghe tiếng chuông từ dưới ao vang lên
Bức tượng Phật nằm ở chùa Phụng Sơn – ngôi cổ tự tại TP.HCM