Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Người cư sĩ sống theo chính pháp

Người cư sĩ sống theo chính pháp

73

Có lần, một người tên Dighajanu đến thăm Đức Phật và hỏi Ngài: "Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là người cư sĩ bình thường, chủ gia đình có vợ và con. Kính xin Đấng Thiện Thệ ban cho chúng con những lời dạy nào có thể mang hạnh phúc đến cho chúng con ngay trong thế giới này và về sau?"

Đức Phật cho biết có bốn điều mang hạnh phúc cho con người trên đời này:

– Điều Thứ Nhất: Phải khéo léo, hữu hiệu, sốt sắng và có nghị lực dù làm nghề nghiệp gì, và phải biết rõ về nghề đó;

– Điều Thứ Hai: Phải gìn giữ lợi tức kiếm được chính đáng do mồ hôi của mình;

– Điều Thứ Ba: Nên có bạn tốt, trung thành, học thức, đạo đức, phóng khoáng và thông minh để hướng mình trên con đường ngay thẳng tránh tội lỗi;ư

–  Điều Thứ Tư: Tiêu pha vừa phải, theo mức lợi tức, không nên hoang phí và cũng không nên bỏn xẻn, có nghĩa là không nên keo kiệt tích lữy của cải và cũng không nên phung phí quá độ – nói một cách khác phải nên sống trong phạm vi khả năng của mình.

Rồi Đức Phật giải thích bốn đức hạnh mang hạnh phúc cho người cư sĩ:

1) Saddha (Đức tin): Phải có niềm tin và tin tưởng vào giá trị đạo đức tinh thần và tri thức;
2) Sila (Giới): Gìn giữ tránh xa sát hại, hãm hại, trộm cướp, lường gạt, gian dâm, lừa dối và ma túy;
3) Caga (Từ Bi): Phải nhân từ, bố thí, không luyến ái và tham đắm của cải;
4) Panna (Trí Tuệ): Phải phát triển trí tuệ đưa đến sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau, đạt Niết Bàn.

Đôi khi Đức Phật dạy đến chi tiết như việc để dành tiền và tiêu pha, Ngài dạy thanh niên Sigala chỉ nên tiêu một phần tư lợi tức vào những chi phí thường nhật, dùng một nửa lợi tức kinh doanh và để dành một phần tư cho sư chi tiêu bất thường.

Có lần Đức Phật dạy về bốn loại hạnh phúc cho ông Cấp Cô Độc, Chủ Nhân một ngân hàng lớn, một đệ tử hết lòng đã xây dựng Kỳ Viên Tự tại Savathi, là người cư sĩ sống cuộc đời có gia đình bình thường:

– Hạnh phúc thứ nhất là vui hưởng lợi tức bảo đảm hay tạo dựng của cải chính đáng;

– Hạnh phúc thứ hai là tiêu pha tự do của cải cho mình, gia đình, bạn bè và thân quyến, và vào những việc công đức;

– Hạnh phúc thứ ba là không nợ nần;

– Hạnh phúc thứ tư là sống không lầm lỗi, một đời sống thanh tịnh không phạm tội về ý nghĩ, lời nói hay hành động.

Điều đáng ghi nhận là ba điều đầu thuộc hạnh phúc về kinh tế và vật chất không đáng giá bằng hạnh phúc tinh thần phát sanh từ một cuộc sống lương thiện không lầm lỗi.

Một vài thí dụ trên đây, ta có thể nhìn thấy Đức Phật lưu ý đến nguồn phúc lợi kinh tế như điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài cũng không công nhận tiến bộ vật chất là thật và đúng vì nếu chỉ vật chất không thôi thì nền tảng của tinh thần và đạo đức sẽ không có. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật Giáo cũng đặt nặng việc phát huy đạo đức và tinh thần cho một xã hội hạnh phúc, hòa bình và tri túc.

Nhiều người nghĩ rằng là một người Phật Tử tốt, ta chẳng cần gì đến đời sống vật chất. Điều này không đúng. Điều mà Đức Phật dạy là trong khi chúng ta có thể vui hưởng tiện nghi vật chất nhưng không nên đi đến cực đoan, chúng ta cũng vẫn phải cần mẫn phát triển phương diện tinh thần của cuộc sống. Là cư sĩ trong khi có thể vui hưởng lạc thú giác quan, chúng ta không nên luyến ái quá mức vào các khoái lạc ấy đến độ cùng cực khiến sự tiến bộ tinh thần của chúng ta bị cản trở. Phật Giáo luôn luôn nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Đạo đối với con người.

Thích Tâm Quang (dịch)