Trang chủ Người thời nay Nhà thơ, nhà văn Trần Huy Minh Phương: Tôi viết trong chánh...

Nhà thơ, nhà văn Trần Huy Minh Phương: Tôi viết trong chánh niệm

Trần Huy Minh Phương chia sẻ về viết lách, sáng tạo, viết văn có chánh niệm, bình an qua từng trang viết. Nhà thơ trải lòng nói về nhân duyên viết tập truyện dài 'Bơi qua mây'.

61

Bơi qua mây (NXB Hội Nhà văn) là tập truyện dài của nhà thơ, nhà văn Trần Huy Minh Phương vừa được phát hành vài tháng trước. Anh cũng đã xuất bản 2 tập thơ, 4 tập tản văn. Đây có thể nói là một bước ngoặt đối với tác giả vì lần đầu tiên ra mắt tập truyện dài.

– Anh đã dành thời gian và tâm sức cho tập truyện dài này thế nào?

Tác phẩm này được ấp ủ 10 năm, tôi viết rỉ rả và xóa nhiều lần, sau cùng chạy nước rút trong vòng 3 năm. Truyện viết về giáo dục, có buồn vui, có trăn trở, có biện pháp thực hiện… của nhân vật trẻ, trải đời. Đây là cuộc thử thách lớn đối với tôi. Vì tôi đam mê viết thơ là chính, còn tản văn và truyện ngắn cũng như một vài thể loại khác thì có viết vì kiếm cơm.

Riêng truyện dài thì lần đầu. Truyện dài mới có thể chuyển tải gần trọn ý mà mình mang thông điệp đến với cuộc đời. Tôi sẽ còn trở lại truyện dài, viết xuyên không, viết về sinh tử đời người và sự nối tiếp của nhân quả nghiệp báo trên mỗi sinh phần trong từng tuyến nhân vật. Chỉ e là mình chưa đủ sức viết. Còn ý tưởng, nội dung câu chuyện đã mọc trong tâm tư, chỉ còn chờ sự trỗi dậy của cảm hứng sáng tạo và điều kiện phù hợp sẽ ra tác phẩm!

– Các trang viết của anh dù thơ, tản văn hay truyện cũng đều bàng bạc chất thiền, chất đạo. Anh gửi vào tác phẩm mình những chất liệu của Phật giáo như thế nào?

Tôi hầu như không hề cố tình đưa chất liệu Phật giáo hay tính thiền, yếu tố Đạo vị vào trong tác phẩm mà tự nó vọt ra từ trong ý niệm sáng tác được khơi phóng hiện diện trên trang giấy qua ngôn bản.

Tôi kính tín Đạo Phật và hằng sống trong đó, cố gắng tưới tẩm đời mình trong mỗi hơi thở tự chuyển hóa, tự thay đổi, gột rửa tự thân cho sáng lên dần.

Tôi không thi vị hóa hoặc tô hồng cuộc đời nhưng không muốn đem đến cho người đọc sự mệt mỏi, chán chường, năng lượng tiêu cực. Tôi muốn đem lại nụ cười, mở rộng vòng tay thương yêu và thấy sự sống này cần thiết cho sự cống hiến theo cách của mỗi cá nhân và tươi đẹp biết bao…

– Giữa nhà thơ Minh Phương và nhà văn Minh Phương, anh thích “nhà” nào hơn?

– Thật sự tôi chưa là ‘nhà’ nào cả! Thực ra ‘chòi’, ‘lều’ gì cũng được. Bởi nó chỉ có thể quan trọng khi tác phẩm của tác giả đến được với độc giả, có sự đồng điệu, đem lại chút gì đó hương vị của đời. Tác giả hãy đứng chỗ khác cho tác phẩm lên tiếng! Tác giả chỉ thật sự có giá trị khi anh ta đã và đang viết lên tác phẩm. Sau khi tác phẩm ra đời, anh ta đã hoàn thành sứ mệnh nên im lặng, quan sát, chiêm nghiệm, rút kinh nghiệm và viết mới hơn, tốt hơn nữa!

– Nhiều người gặp anh đều nhận xét Trần Huy Minh Phương hiền lành. Anh tự thấy mình thế nào?

Ai cũng đều có thể hiền lành và hung dữ. Riêng mình, hiền lành thì vẫn tốt hơn nhiều so với hung dữ.

– Con người ai cũng còn tham-sân-si, vấn đề là điều chỉnh, chuyển hóa dần. Anh đã thực tập việc chuyển hóa này ra sao?

Sự chuyển hóa từ tham-sân-si đến giới-định-huệ cần nương tựa vào Phật-Pháp-Tăng qua tín-hạnh-nguyện. Muốn chuyển hóa chỉ có thực hành một cách cần mẫn, miên mật từ thân-miệng-ý. Chuyển hóa từ thô đến tế, từ vụng về đến tinh tế. Nó không chỉ thực hành một vài ngày, dăm ba tháng, một vài năm hay vài trăm năm, vài ngàn năm mà nó là vô lượng kiếp… Có bắt đầu sẽ có tới đích, quan trọng là bền.

– Về viết, anh quan niệm như thế nào với công việc cần sự nỗ lực, cần mẫn mỗi ngày này?

Với tôi, lúc nào cũng phải tập viết, thực hành viết. Có như vậy thì “chữ” nó không quên mình!

– Làm ở Tạp chí Văn nghệ TP.HCM hẳn anh có dõi theo đời sống văn nghệ, anh thấy văn học nghệ thuật đương đại đang phát triển hay có bước giậm chân?

Văn học nghệ thuật đương đại luôn sống động, phong phú, đan xen hay và dở, đào thải một cách nhanh chóng và dữ dội. Tôi chỉ quan sát và soi lại chính mình, âm thầm mà viết bởi nhận xét sẽ thành chủ quan. Vì tôi không là nhà lý luận phê bình văn học, cũng không nhất thiết dành quá nhiều thời gian cho việc ‘phát triển’ hay ‘giậm chân’.

Điều cốt lõi là chúng ta hãy gieo hạt chữ nghĩa trên cánh đồng văn chương. Tốt hay xấu, hay hay dở thì theo thời gian là ban giám khảo, là người soi chân xác nhất.

– Sắp tới anh có dự định trình làng tác phẩm nào mới?

Hiện tại truyện dài Bơi qua mây còn vài trăm quyển, vẫn tiếp tục phát hành. Tôi có sẵn bản thảo thơ nhưng hãy cứ để đó đã, chưa vội! Còn văn xuôi thì vẫn đang mài mò cho nó sáng bóng, không thể hăm hở cho ra tác phẩm một cách vô bổ sẽ tốn giấy! (cười)