Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có cái tinh túy, uyên thâm của Nho – Phật – Lão, đồng thời có tinh thần cách mạng, khoa học và hiện đại của chủ nghĩa Marx – Lenine. Những tinh hoa văn hóa từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã tạo thành một phong cách riêng, độc đáo của Hồ Chí Minh, không giống với bất kỳ vĩ nhân nào khác. Rất khiêm nhường, Người tự nhận mình là “người học trò nhỏ” của Phật Thích Ca Mâu Ni với lòng từ bi, Chúa Jesus với lòng bác ái, Karx Marx với tư duy biện chứng… Một trong những di sản tinh thần của dân tộc và nhân loại có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh là Phật giáo mà cốt lõi là triết lý “vô ngạ”
Sở dĩ khẳng định Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc tới Hồ Chí Minh là bởi vì Phật giáo là một trong ba thành tố làm thành cái font văn hóa của người Việt Nam (Nho – Phật – Lão).
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học song Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng không nhỏ của Đạo Phật. Bà ngoại của Người rất sùng đạo Phật. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – cụ thân sinh của Hồ Chí Minh là người rất am hiểu giáo lý nhà Phật, đã từng là cố vấn cho hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho Phật giáo. Vì vậy, không thể nói rằng Phật giáo với tinh thần vô ngã vị tha lại không thẩm thấu tới cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Triết lý vô ngã của Phật giáo
Phạm trù hạt nhân trong Phật giáo là “mosksha”, nghĩa là giải thoát, cởi bỏ những khổ đau của kiếp con người do dục vọng và vô minh mang lại. Vô minh (dvidya) là quan niệm sai lệch về thế giới và sai lệch về cái tôi. Không giống với các tôn giáo khác (gắng níu giữ cái tôi thường hằng, trường tồn bằng khát vọng về một linh hồn bất tử hay một cái ngã vĩnh cửu), Phật giáo phủ nhận cái tôi bằng quan niệm “vô thường”, “vô ngã”. Theo Phật, thế giới nằm trong vòng trôi chảy không ngừng của thành – trụ – hoại – không. Trong dòng trôi chảy của đời sống, con người chỉ là tập hợp tạm thời của ngũ uẩn – năm nhóm của sự sống (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong từng sát na của sự sống (sát na – đơn vị đo thời gian siêu nhỏ của nhà Phật, bằng một cái nháy mắt), năm nhóm nương vào nhau, biến động, sinh diệt không ngừng mà tạo thành cái tôi giả tạm. Phật cho rằng, mọi cái, kể cả cái thân – tâm con người cũng chỉ là phù du, ảo ảnh trong sự tan hợp vô thường của đời sống. Nhưng sai lầm của con người chính là mắc vào một cái ngã cá nhân biệt lập, kiêu mạn để rồi suốt đời lao đao khốn khổ chiều theo dục vọng của thân – tâm. Muốn giải thoát khỏi khổ đau của kiếp người, phải đi ngược dòng chảy bản năng của đời sống bằng sự kiềm chế dục vọng, tu luyện tâm linh, thực hành đạo đức, thắp sáng vô minh bằng ngọn đèn trí tuệ. Từ đó, con người có thể đạt tới niết bàn.
Nirvana – một trạng thái tâm linh thanh tịnh, chấm dứt sinh tử luân hồi. Niết bàn là sự vỡ vụn của cái vỏ bản ngã cá nhân hữu hạn để mở ra đại ngã của tự do vô hạn, vô biên. Đó chính là vô ngã (anatman) với tâm từ (metta – yêu thương con người), bi (karuna – trắc ẩn trước khổ đau nhân thế), hỉ (mudita – vui trước thành công và hạnh phúc của người khác), xả (upekkha – bình thản trước thăng trầm của đời sống, quên mình vì hạnh phúc của chúng sinh).
2. Tinh thần vô ngã của Hồ Chí Minh
Tinh thần vô ngã của Hồ Chí Minh có thể nói tóm tắt trong một câu: quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ta thấy, có nhiều điểm tương đồng trong tinh thần vô ngã của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Hồ Chí Minh.
Thứ nhất: nếu đạo Phật chỉ có một vị là vị giải thoát như “nước ngoài biển khơi chỉ có một vị mặn” thì lý tưởng của Hồ Chí Minh cũng chỉ có một vị, đó là vị giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, khỏi đói nghèo, lạc hậu. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài về ước muốn của bản thân, Hồ Chí Minhđã nói một điều thật giản dị nhưng vô cùng cao cả:
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”.
Ước muốn ấy là sự hòa quyện tuyệt vời tinh thần thực tiễn của Khổng giáo, tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo và cả tinh thần tiêu dao, thoát tục của Lão giáo. Đó cũng là nét đặc sắc của con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai: xuất phát điểm của tinh thần vô ngã trong Phật giáo là tấm lòng xót thương nhân thế của Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong cái nhìn của Phật, “nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới chứa tích lại còn nhiều hơn nước ngoài bốn biển”. Từ đó mà Phật đi tìm con đường thoát khổ cho chúng sinh. Xuất phát điểm trong tinh thần vô ngã của Hồ Chí Minh là từ tình yêu thương vô hạn của Người đối với con người, trước hết là yêu thương đồng bào nghèo khổ, rộng hơn là yêu thương nhân loại cần lao. Theo Người, “ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị khổ đau, bị áp bức”. Tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh không giới hạn trong một giai cấp, một dân tộc mà bao trùm hết thảy những người cùng khổ trên thế giới. Người thương cả tên tù binh không áo rét, cả người phu làm đường… Với thái độ trân trọng sinh mệnh con người, Người xót xa trước cái chết của cả những người lính Pháp, lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam: “Than ôi, trước lòng từ bi bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Người vô cùng xúc động khi thấy “ngày càng có nhiều lính Mỹ chết vô ích ở Việt Nam”. Gần 25 thế kỷ trước, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng tuyên bố: “Không có đẳng cấp trong máu cùng đỏ và trong nước mắt cùng mặn”.
Thanh niên Thế hệ Hồ Chí Minh
Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân văn Cộng sản, một nét đẹp trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lá thư kêu gọi đồng bào toàn quốc cứu đói năm 1945 là một minh chứng cảm động về tấm lòng của Hồ Chí Minh với nhân dân:
“Hỡi đồng báo yêu quý!
Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ có hai triệu người chết đói. Kể từ đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ.
Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.
Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước:
Cứ mười ngày nhịn đói một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói.
Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào!”
Vô ngã trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vô ngã đối vói bản thân mình (quên thân mình) nhưng lại vị tha (vì người khác), vì cái ngã dẫu rất nhỏ nhoi của những kiếp người bần cùng, khốn khó, vì cái ngã của đồng bào, dân tộc, nhân loại. Đó là tinh thần vô ngã vĩ đại của một con người “nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu).
Thứ ba, vô ngã trong Phật giáo là không mắc vào một cái ngã cá nhân biệt lập, vị kỷ, cái tôi kiêu mạn để hành động sai lầm, gây đau khổ cho người khác và cho chính bản thân mình. Vô ngã trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Người sớm nhận thấy chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm như một thứ “giặc nội xâm”, là căn bệnh mẹ đẻ ra mọi thứ bệnh con. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với cá nhân để từ đó xem nhẹ vai trò cá nhân. Người chỉ kêu gọi chống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tham lam, chà đạp lên lợi ích nhân dân chính đáng, làm hại dân hại nước. Người khuyên:
“Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm kiêm chính, chí công vô tư”.
Trong di chúc của Người, phần lớn nội dung nói về vấn đề đạo đức. Đó là nỗi lo lắng lớn nhất của Người trước khi mất. Với linh khiêu chính trị đặc biệt, Người dự cảm được một điều mà bây giờ dã trở thành hiện thực: sau chiến tranh, con người sẽ quay về với cá nhân riêng tư của mình. Đó là điều chính đáng. Song cái cá nhân riêng tư ấy nếu được quan tâm quá mức sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, không còn tinh thần vô ngã vị tha nữa. Lời cảnh tỉnh của Người vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc cho tới ngày hôm nay:
“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được nhiều người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
3. Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần vô ngã vị tha
Trong một lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh, các nhà sư Ấn Độ đã gọi người là một vị Phật sống, người cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Hai mươi chín tuổi, Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ địa vị giàu sang, quyền quý để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Hai mươi tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời quê hương đất nước, với hai bàn tay trắng, chấp nhận mọi cơ cực để đi tìm con đường cứu nước cứu dân. Hai vĩ nhân gặp nhau ở tinh thần vô ngã.
Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã làm đủ mọi nghề để sống (phụ bếp, quét tuyết, làm báo…), với “một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá” (Chế Lan Viên), chống lại giá rét thành London, tiếp xúc với đủ mọi loại người, với các học thuyết, tư tưởng để rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh đã hi sinh hạnh phúc cá nhân để vì hạnh phúc của đồng bào, dân tộc, lấy hạnh phúc của nhân dân làm hạnh phúc của bản thân mình. Những dòng di chúc cuối cùng người để lại vẫn là một niềm day dứt khôn nguôi là không thể phục vụ nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, nhân dân:
“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nay phải từ biệt thế gian này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng tôi không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Nếp sống đạm bạc của Người, từ cái ăn (cơn rau dưa muối như một người bình thường), tới cái mặc (quần áo nâu, túi vải, dép cao su…) gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh một bậc hiền triết phương Đông đã thoát khỏi vòng danh lợi ở đời.
Mặc dù ở cương vị là Chủ tịch nước – cương vị cao nhất của đất nước nhưng chưa một phút nào Người dùng quyền chức ấy để mưu cầu lợi ích cá nhân, kể cả khi lợi ích cá nhân ấy là chính đáng. Cuộc đời Hồ Chí Minh là cuộc đời một con người sống giữa thế giới hiện thực nhưng những phẩm chất của Người đã là phẩm chất của một thánh nhân.
4. Sự kế thừa có chọn lọc và phát triển trong tinh thần vô ngã của Hồ Chí Minh
Có thể khẳng định: Triết lý vô ngã của Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, song đó là ảnh hưởng mang tính thẩm thấu chứ không phải là sự hòa đồng với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần vô ngã của Hồ Chí Minh là tinh thần vô ngã của một chiến sĩ cách mạng. Đó là thái độ yêu thương, trân trọng bằng tấm lòng vô ngã vị tha của một vĩ nhân. Cái đích hướng tới của tinh thần vô ngã ấy là tự do cho tất cả, trong một xã hội hòa bình, một xã hội tất cả từ con người và vì con người – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó là Niết bàn, Tịnh độ nơi trần thế, thiên đường nơi mặt đất mà con đường đi tới đó là phải làm một cuộc cách mạng hiện thực tấn công vào dinh lũy của chế độ áp bức, bất công và cuộc cách mạng tư tưởng tấn công vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ thấp hèn.