Trang chủ Văn hóa Những nghệ nhân điêu khắc trẻ ở chùa Hang

Những nghệ nhân điêu khắc trẻ ở chùa Hang

76

Nghệ nhân trẻ nổi tiếng nhất tại đây là anh Sơn Sốc năm nay vừa tròn 33 tuổi. Anh Sơn Sốc sinh ra và lớn lên trong gia đình bảy anh chị em ở huyện Châu Thành, bộc lộ năng khiếu vẽ từ tuổi lên 10.


Lúc đầu lấy cây vẽ trên đất, sau dùng bút vẽ lên giấy, Sơn Sốc phác họa được con vật như chó, mèo, gà, chim một cách sinh động. Năm 18 tuổi, Sơn Sốc trở thành sư trẻ ở chùa Hang.


Thời gian tu học, vị sư trẻ này tham dự lớp hướng dẫn điêu khắc của nghệ nhân Thạch Buôn, chuyên tạo hình các loài thú hoang dã từ gốc cây cổ thụ. Năm 2004, Sadi Sơn Sốc hoàn tục, lập gia đình và tiếp tục nghề điêu khắc tại chùa Hang.


Những đường nét hoa văn Khmer được nghệ nhân Sơn Sốc thể hiện sinh động và linh họat trên các gốc cây cổ thụ từ khắp nơi đưa về. Tính đến nay, Sơn Sốc đã làm hơn 100 tác phẩm lớn nhỏ, trong đó 80 tác phẩm đã bán cho du khách, cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh.


Còn hơn 20 tác phẩm trưng bày tại chùa Hang. Các tác phẩm toát lên vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, đầy sống động và kỳ thú. Nghệ nhân Sơn Sốc tâm sự: “Nhìn ngắm một gốc cây nham nhở, xù xì, trong tôi thường có cảm xúc mới mẻ, từ đó nảy ý đồ sáng tạo. Tiếp theo là tính toán, phác họa hình thù con vật cho hợp với dáng gốc rễ.


Phác họa ý đồ xong, tôi chặt bỏ những nhánh rễ không cần thiết. Sau đó là công đoạn đục đẽo để hoàn thiện tác phẩm và đánh bóng cho tác phẩm nổi lên”. Tác phẩm điêu khắc của Sơn Sốc chủ yếu là các con vật như đại bàng, bộ “long, ly, quy, phụng” hoặc 12 con giáp….


Nghệ nhân Sơn Sốc đang ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, một số địa phương mời anh về tận nơi để chạm trổ trang trí cho công sở. Hiện nay, anh đang thực hiện hợp đồng điêu khắc 12 con giáp trị giá lớn cho một doanh nhân ở tỉnh Bến Tre. Tác phẩm này được nghệ nhân sáng tạo từ gốc cây sao, dự kiến sau 5 tháng sẽ hoàn thành.


Cũng cần nói thêm về chùa Hang. Trong khuôn viên rợp bóng cây cổ thụ, ngôi chùa có nét giống các ngôi chùa ở Thái Lan. Chính điện có kiểu kiến trúc rất đặc sắc. Trong chính điện có một tượng phật Thích Ca lớn, nhiều tượng phật khác và ở hai bên tường là các họa tiết hình ảnh cuộc đời của Đức Phật.


Du khách đến chùa càng thích thú được chiêm ngưỡng thêm các sản phẩm điêu khắc gỗ rất phong phú, xem nghệ nhân Khmer cùng các sư trẻ chạm khắc những con thú hoang dã trên gốc cây. “Xưởng điêu khắc” đã làm cho ngôi chùa cổ kính thêm nét hấp dẫn trẻ trung và luôn luôn mới mẻ.


Nghệ nhân Sơn Sốc không chỉ thể hiện đường nét hoa văn, họa tiết trong nghệ thuật điêu khắc Khmer mà còn biết cách chạm trổ sản phẩm đậm nét văn hóa dân tộc Kinh-Hoa. Tác phẩm 12 con giáp nói lên điều đó. 


Lớp học điêu khắc gỗ đầu tiên ở chùa Hang mở ra năm 2002 do nghệ nhân Thạch Buôn ở Vĩnh Long đến hướng dẫn. Từ đó, chùa Hang đã mở thêm ba lớp điêu khắc do nghệ nhân Sơn Sốc hướng dẫn, hơn 60 học viên là thanh niên địa phương và sư sãi các chùa Khmer theo học.


Hiện có 10 sư trẻ và một số thanh niên địa phương theo nghề điêu khắc tại chùa Hang. Anh Sơn Huy ở thị trấn Châu Thành, trước đây là thợ may, thu nhập không khá nên theo nghề điêu khắc gỗ đã có cuộc sống khá hơn. Anh Huy tươi cười giải thích: “Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Sơn Sốc, tác phẩm làm ra đều bán được cho du khách”.