Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Niệm chi tiết

Niệm chi tiết

211

 

    
Chẳng hạn, hết giờ ngồi thiền, trước khi đứng dậy để chuẩn bị đi kinh hành, ta phải ghi nhận ý muốn đứng dậy. Nếu có chánh niệm, ta sẽ thấy ngay khi ý muốn vừa sanh khởi, thân đang ở tu thế ngồi dần dần chuyển động từ thấp lên cao theo chiều thẳng đứng. Nếu ghi nhận được rõ ràng từng động tác của toàn thân, ta kinh nghiệm được trạng thái chuyển từ nặng khi ngồi thành nhẹ dần khi thân từ từ đứng lên. Đó là ta thấy được yếu tố Gió, Lửa đang có mặt. Kế đến, từ tư thế đứng chuyển đổi sang đi, ta cũng phải ghi nhận ý muốn bước đi trước khi chân bước đi. Từ sự ghi nhận chi tiết không gián đoạn này, ta kinh nghiệm được một điều là hễ tâm muốn (ý muốn) làm gì thì thân sẽ làm theo. 
 
Trong một ngày có biết bao nhiêu là hoạt động nhỏ nhặt như cử động co tay, duỗi chân, xoay mình hay chớp mắt … diễn ra nơi thân, tâm và ta phải nổ lực ghi nhận, theo dõi tất cả. Khi sự ghi nhận được liên tục, chánh niệm trở nên vững vàng, thuần thục giúp ta có thể ghi nhận ý muốn làm trước khi hành động xảy ra   Nhờ vậy, ta hiểu được tương quan nhân quả giữa thân và tâm. 
 
Trong tất cả sinh hoạt của thân thì sự xúc chạm hay “đụng” ở khắp toàn thân là nhiều và rõ ràng nhất. Trạng thái này đưa tới tâm thích hay không thích mà ta cần phải ghi nhận kịp thời. Nếu ta niệm chi tiết một cách liên tục, không kẽ hở thì phiền não tham, sân, si không có cơ hội sanh khởi nơi tâm. Nhờ đó, tâm được bảo vệ, trở nên trong sạch, an lạc và sự thiền tập sẽ càng ngày càng tiến bộ. 
 
Theo: Vài làn hương Pháp
Trích soạn: Thitasīla Thùy Khanh, ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hiệu đính